Tại sao các nhà bán lẻ tại Mỹ lại không hạ giá tôm

So với những người buôn sỉ, các nhà bán lẻ tôm tại thị trường Mỹ đang hưởng mức lợi nhuận chênh lệch khá cao với 40%. Phải chăng, đây là mặt hàng mà các nhà bán lẻ sử dụng để bù đắp cho các loại hải sản tăng trưởng âm.

Các nhà bán tôm lẻ tại thị trường Mỹ đang được hưởng mức lợi nhuận khá cao

Văn hóa siêu thị tạo ra áp lực lợi nhuận cho nhà bán lẻ

Mặc dù, người tiêu dùng Mỹ phải bỏ ra một số tiền khá cao để sở hữu mặt hàng đắt đỏ này. Tuy nhiên, xuất khẩu tôm vào thị trường này không “ngon” như những gì mà chúng ta nghĩ. Bởi cho đến hiện tại, giá sỉ của tôm tại Mỹ vẫn chưa thấy bất kỳ dấu hiệu nào của sự nhích lên.

Theo chia sẻ của Giám đốc chương trình của Viện Thủy sản Quốc gia Mỹ (NFI), khoảng cách lợi nhuận giữa tôm bán lẻ và bán sỉ, tại thị trường Mỹ đã lên đến con số 40%. Như vậy, giá bình quân để một người Mỹ phải chi trả là 9.03 USD/Pound tôm, trong khi đó, người nuôi chỉ thu về không quá 4 USD/pound.

Có phải người tiêu dùng Mỹ đã bắt đầu quay lưng với loại hải sản này, và thay thế bằng các thực phẩm rẻ hơn như ức gà có giá bình quân 4.19 USD/pound, sườn heo 4.56 USD/pound, thịt bò xay 5.02 USD/pound.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh ngành Tôm 2023, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành công ty nhập khẩu Seafood Exchange phát biểu: Một khi lợi nhuận về tay các nhà bán lẻ tôm cao đến vậy, thị trường kỳ vọng vào các chương trình ưu đãi, khuyến mãi mà họ tung ra. Tuy nhiên, điều đó lại không xảy ra vào bối cảnh này. Những ai không làm việc trong ngành thị trường sẽ rất khó hiểu khi các nhà bán lẻ không “chịu” chia lợi nhuận. Bởi vì đó là văn hóa của siêu thị, những người quản lý phải chịu áp lực từ cấp trên, họ phải duy trì, đảm bảo được mức lợi nhuận mà cấp trên đã đưa ra.

Hội nghị Thượng đỉnh ngành Tôm 2023. Ảnh: kinhteplus.com.vn

Đứng trước áp lực phải thu về lợi nhuận, trong trường hợp này họ sẽ không quan tâm số lượng bán ra nhiều hay ít. Mà vấn đề họ cần biết đó chính là lợi nhuận thu về bao nhiêu, có đúng như kế hoạch hay không. Một số bộ phận còn cảm thấy phấn khích bởi số lượng tôm tồn kho giá rẻ nhưng lại bán ra thị trường với giá cao, thu về khoản lợi nhuận tương đối tốt. Nếu thị trường không có ưu đãi, giảm giá, đồng nghĩa với việc thị trường sẽ ngưng trệ.

Theo báo cáo mới nhất, nửa năm đầu 2023 tổng sản tôm được nhập khẩu vào Mỹ đã giảm 18% về sản lượng và 29% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát vấn đề người dân không được trợ giá như giai đoạn Covid 19.

Các nhà bán lẻ thực hiện chiến lược áp giá cao cho các sản phẩm tôm tồn kho, mà họ mua vào từ thời kỳ khủng hoảng chuỗi cung ứng trước đó. Đồng thời, họ cũng đang duy trì khoảng cách giá giữa kích cỡ tôm, đặc biệt giữa tôm tồn kho cỡ nhỏ và tôm mới nhập khẩu cỡ lớn. Kết quả là sau 2 năm rưỡi chịu áp lực về lợi nhuận, các nhà bán lẻ đang trên đà phục hồi rất tốt.

Nhà sản xuất cần làm gì trong lúc này?

Đứng trước bối cảnh hiện nay, tại Hội nghị Thượng đỉnh ngành Tôm 2023, các đại biểu đã thảo luận và thừa nhận vấn đề nhu cầu tiêu dùng tôm tại Mỹ sẽ không có dấu hiệu phục hồi trở lại. Do đó các nhà sản xuất bắt buộc phải tìm hướng đi mới hoặc phải tìm cách thích nghi với bối cảnh bình thường mới.

Về lâu dài, ngành nuôi tôm phải tìm ra được hướng đi để sản xuất tôm giá rẻ, nếu không vấn đề sẽ mãi nằm ở đó mà không giải quyết được. Bởi nếu thay đổi bằng cách gia tăng sản lượng, trong khi tình hình tiêu thụ lại không bắt kịp được lượng cung, thì tăng sản lượng – giảm chi phí hoàn toàn phản tác dụng.

Nguồn: Tepbac.com

Tin mới nhất

T5,21/11/2024