4 tháng đầu năm, Nhật Bản thay thế Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam

Top 6 thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam hiện nay gồm Nhật Bản, Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc), Mỹ, Hàn Quốc, Australia, Anh. Trong đó, Nhật Bản vượt qua Mỹ trở thành thị trường số 1 của thủy sản Việt Nam.

Xuất khẩu tôm trong 4 tháng đầu năm giảm 37% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu tôm trong 4 tháng đầu năm giảm 37% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong tháng 4 vẫn tiếp tục sụt giảm. Tính lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 2,6 tỷ USD, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022.

Xuất khẩu các nhóm mặt hàng của Việt Nam hiện đều giảm so với cùng kỳ. Hiệp hội Các nhà chế biến thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, xuất khẩu tôm trong 4 tháng đầu năm đạt 887 triệu USD, giảm 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu cá ngừ đạt 248 triệu USD, giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu cá tra đạt 570 triệu USD, giảm 41% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu cua ghẹ và giáp xác khác đạt 41 triệu tấn, giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu nhuyễn thể đạt 234 triệu USD giảm 10% và xuất khẩu thủy sản khác đạt 595 triệu USD giảm 1%.

Infographic toàn cảnh xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm. Nguồn Vasep.

Về thị trường xuất khẩu, top 6 thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam gồm Nhật Bản, Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc), Mỹ, Hàn Quốc, Australia, Anh. Trong đó, Nhật Bản là thị trường thay thế Mỹ trở thành thị trường số 1 với kim ngạch xuất khẩu 444 triệu USD.

Nếu như 4 tháng đầu năm 2022, Mỹ là thị trường xuất khẩu thủy sản số 1 của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt 851 triệu USD, thì năm nay con số này là 412 triệu USD, rơi xuống vị trí số 3 trong 6 thị trường Việt Nam xuất khẩu thủy sản nhiều nhất. Lạm phát kéo dài ở Mỹ đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến sức cầu tiêu dùng các sản phẩm thủy hải sản ở thị trường này. Người dân thắt chặt chi tiêu, sản lượng và trị giá xuất khẩu thủy sản sang Mỹ từ đầu năm đến nay đã sụt giảm rõ rệt, trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu sang Mỹ giảm một nửa tương ứng mức giảm 51,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Xuất khẩu sang Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) đạt 418 triệu USD. Đây cũng là thị trường tiêu thụ thủy hải sản lớn thứ hai của Việt Nam và chỉ sau Nhật Bản.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta cho biết, trong hoàn cảnh đầy khó khăn hiện nay, việc tìm giải pháp vượt qua các trở ngại trước mắt là việc tập trung mọi nguồn lực để sớm vãn hồi tình hình. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần phải coi trọng việc phát triển lâu dài trên nền tảng bền vững. Đây cũng là cơ hội để các doanh nhân ngành thủy sản chứng minh bản lĩnh và thể hiểu nhận thức toàn diện của mình. Việc này cũng đòi hỏi sự thống nhất, đồng lòng của các mắt xích chuỗi giá trị con tôm, và quan trọng nhất là cơ sở cung ứng tôm giống, người nuôi tôm và nhà chế biến.

Công ty Chứng khoán Bản Việt nhận định, trong quý I/2023, giá cá tra nguyên liệu của Việt Nam vẫn ở mức cao do chi phí thức ăn chăn nuôi tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái do giá nguyên liệu cao trong khi chi phí cá giống tăng cùng với giá đầu vào tăng. VCSC kỳ vọng nhu cầu cá tra dần phục hồi trong nửa cuối năm 2023.

Với tình hình tồn kho thấp hiện nay ở Mỹ và Trung Quốc mở cửa trở lại, các nhà cung cấp dịch vụ thực phẩm sẽ nối lại hoạt động dự trữ hàng vào nửa cuối năm 2023 khi thị trường toàn cầu bước vào mùa lễ hội, và điều này sẽ củng cố sản lượng xuất khẩu thủy sản của các doanh nghiệp so với nửa đầu năm 2023 và tiêu dùng phục hồi mạnh hơn trong năm 2024 sau những thách thức kinh tế ngắn hạn.

Hải Minh

Nguồn ĐTCK

Tin mới nhất

T6,22/11/2024