Cơ sở sản xuất tôm giống đạt chuẩn quá ít với nhu cầu thực tế

Toàn vùng ĐBSCL hiện có 10 cơ sở sản xuất tôm giống và tôm thương phẩm được công nhận là cơ sở an toàn dịch bệnh, quá ít so với nhu cầu thực tế.

Tọa đàm “Công tác thú y quyết định thành bại trong nuôi trồng thủy sản” do Báo Nông nghiệp Việt Nam thực hiện. Ảnh: Kim Anh.

Ngay đầu vụ tôm 2023, tại một số địa phương vùng ĐBSCL ghi nhận tình trạng nước mặn đến muộn kéo theo việc xuống giống của bà con nông dân bị trễ.

Tại buổi tọa đàm “Công tác Thú y quyết định thành bại trong nuôi trồng thủy sản” do Báo Nông nghiệp Việt Nam thực hiện, ông Tiền Ngọc Tiên, Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng VII (thuộc Cục Thú y, Bộ NN-PTNT) đánh giá, hiện nay diễn biến bất thường của thời tiết đã ảnh hưởng nhiều mặt đến nuôi trồng thủy sản, trong đó có việc nuôi tôm.

Bên cạnh đó, các tác nhân gây bệnh đốm trắng, bệnh hoại tử gan tụy cấp, bệnh hoại tử dưới vỏ và bệnh hoại tử cơ quan tạo máu vẫn còn lưu hành tại các vùng nuôi. Do đó nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên tôm nuôi trong năm 2023 rất cao.

Đối với vùng nuôi tôm ở khu vực ĐBSCL, ông Tiên cho biết, đang xảy ra một số dịch bệnh nguy hiểm thuộc danh mục của Tổ chức Thú y thế giới như: Bệnh hoại tử gan tụy cấp, bệnh đốm trắng, bệnh hoại tử dưới vỏ và bệnh hoại tử cơ quan tạo máu. Qua thực hiện công tác giám sát chủ động, Chi cục Thú y vùng VII còn phát hiện thêm một số mầm bệnh khác như: Bệnh do vi bào tử trùng, mầm bệnh có khả năng gây ra hội chứng phân trắng.

Đối với 5 tỉnh nuôi tôm trọng điểm thuộc địa bàn quản lý của Chi cục Thú y vùng VII là tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Trà Vinh, trong năm 2022 ngành thú y đã tổ chức lấy hơn 17.000 mẫu. Trong đó, phát hiện hơn 1.500 mẫu dương tính với các bệnh nói trên. Từ kết quả đó, ông Tiên cho rằng, nhiều dịch bệnh nguy hiểm trên tôm hiện đang lưu hành tại các ao nuôi trong vùng.

Ông Tiền Ngọc Tiên, Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng VII đánh giá, năm 2023 nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên tôm nuôi rất cao. Ảnh: Kim Anh.

Trước thách thức đó, tại buổi tọa đàm, ông Tiền Ngọc Tiên đã đưa ra một số giải pháp, khuyến cáo bà con nuôi tôm theo dõi diễn biến của thời tiết cũng như các bản tin quan trắc môi trường để kịp thời xử lý những bất thường có thể xảy ra trong quá trình nuôi tôm.

Đồng thời, bà con cần thực hiện cải tạo ao nuôi, kiểm soát, xử lý nguồn nước đầu vào để đảm bảo nguồn nước không mang mầm bệnh. Đặc biệt nhất là việc lựa chọn mua con giống ở những cơ sở có uy tín, nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo con giống sạch bệnh.

Đối với các cơ sở sản xuất giống, ông Tiên yêu cầu phải tuân thủ các quy chuẩn về sản xuất giống để tạo ra con giống khỏe mạnh. Các cơ sở cũng cần xây dựng cơ sở sản xuất tôm an toàn dịch bệnh cũng như không bán những tôm bị nhiễm mầm bệnh cho người nuôi tôm.

Bên cạnh đó, giữa người nuôi và cơ sở sản xuất tôm giống cần có sự phối hợp trong khâu giám sát dịch bệnh, để khi phát hiện tôm có dấu hiệu chết bất thường hoặc có những dấu hiệu, biểu hiện của bệnh truyền nhiễm phải báo ngay cho cơ quan thú y cũng như chính quyền địa phương để có những hướng dẫn xử lý kịp thời, tránh lây lan mầm bệnh ra ngoài môi trường.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 434/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi, giai đoạn 2021 – 2030. Trong đó, đề ra một số giải pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản.

Hiện nay, các cơ quan chức năng tại địa phương đang tích cực triển khai quyết định này. Đẩy mạnh các hoạt động giám sát bị động, giám sát chủ động nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch cũng như sự lưu hành của mầm bệnh.

Người nuôi và cơ sở sản xuất tôm giống cần có sự phối hợp trong khâu giám sát dịch bệnh để có những hướng dẫn xử lý kịp thời, tránh lây lan mầm bệnh ra ngoài môi trường. Ảnh: Kim Anh.

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát việc lưu hành, vận chuyển tôm giống, các loại sản phẩm thủy sản có khả năng mang mầm bệnh trong nước, kiểm dịch nghiêm ngặt đối với tôm giống nhập khẩu từ nước ngoài về với mục tiêu phát hiện nhanh mầm bệnh nếu có để xử lý kịp thời. Quan trọng là xây dựng được quy trình nuôi an toàn sinh học, ông Tiên đánh giá đây là một trong những giải pháp hữu hiệu để phòng chống dịch bệnh hiệu quả trên tôm.

Hiện nay trên cả nước đã có 28 cơ sở được công nhận an toàn dịch bệnh đối với tôm. Trong đó, có 25 cơ sở sản xuất giống và 3 cơ sở nuôi tôm thương phẩm. Riêng tại khu vực ĐBSCL, các tỉnh nuôi tôm trọng điểm thuộc địa bàn quản lý của Chi cục Thú y vùng VII đã có 10 cơ sở được công nhận là cơ sở an toàn dịch bệnh. Trong đó có 7 cơ sở sản xuất giống và 3 cơ sở sản xuất tôm thương phẩm.

Thời gian qua, các cơ sở sản xuất tôm giống, cơ sở nuôi tôm thương phẩm đã tích cực thực hiện việc xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh. Tuy nhiên, theo ông Tiên số lượng còn rất hạn chế so với nhu cầu thực tế. Trong khi đó, việc xây dựng được nhiều cơ sở an toàn dịch bệnh trên tôm giống sẽ là căn cứ quan trọng để giúp cho người nuôi tôm hạn chế mua con giống không an toàn.

Thu Hằng

Theo Nông nghiệp Việt Nam

Tin mới nhất

T2,25/11/2024