Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc: Đẩy nhanh tiến độ gỡ vướng thủ tục

Việt Nam đang đàm phán nhằm đa dạng hóa các mặt hàng thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc. Hiện mặt hàng hàu sống đã cơ bản hoàn thành thủ tục; tôm ướp đá, sứa muối tiếp tục được đánh giá nguy cơ.


Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc chủ yếu qua cửa khẩu Móng Cái-Đông Hưng. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Trong 2 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc vươn lên là thị trường nhập khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam, trong đó Móng Cái-Đông Hưng là cặp cửa khẩu quan trọng trong xuất khẩu nông sản, đặc biệt là mặt hàng thủy sản.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng để đẩy mạnh hơn nữa việc xuất khẩu sang nước bạn, những vướng mắc về hồ sơ thông quan cần được sớm tháo gỡ.

Đây là thông tin được đưa ra tại Diễn đàn “Thúc đẩy thương mại nông sản, thủy sản và sản phẩm thủy sản giữa Việt Nam-Trung Quốc (Quảng Tây)” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hôm nay 8/3 .

Thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết giai đoạn 2018-2022, thương mại thủy sản Việt Nam-Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh nhất trong các thị trường chính. Từ vị trí số 3, Trung Quốc đã vươn lên thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Hoa Kỳ.

Theo ông Nam, 7 sản phẩm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang Trung Quốc hiện nay gồm: Tôm, cua, cá hồi, mực, cá minh thái, cá tuyết, cá tra. Trong đó, tôm là sản phẩm được Trung Quốc nhập khẩu nhiều nhất với tỷ lệ 24% khối lượng, 41% giá trị. Sản phẩm thủy sản đông lạnh chiếm 93% khối lượng và 89% giá trị nhập khẩu.

Nếu nói riêng về thương mại thủy sản Việt Nam-Quảng Tây, đại diện VASEP cho biết đây là địa phương lớn thứ 3 ở Trung Quốc về nhập khẩu thủy sản Việt Nam, sau Quảng Đông và Trạm Giang. Năm 2022, xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam sang Quảng Tây đạt 28.400 tấn, trị giá gần 190 triệu USD.

Là một địa phương hướng đến nuôi tôm hùm là sản phẩm xuất khẩu chủ lực, ông Nguyễn Trí Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên cho biết khoảng 70% sản phẩm tôm hùm của địa phương bán sang Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khi xuất khẩu theo đường hàng không gây tốn nhiều chi phí, dẫn đến lãi suất thấp.

Đại diện tỉnh Phú Yên mong muốn Quảng Ninh và phía Quảng Tây (Trung Quốc) tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp vận chuyển và thông quan nhanh chóng theo đường bộ để đẩy mạnh xuất khẩu tôm hùm sang nước bạn.

Ngoài ra, ông Nguyễn Trí Phương đề nghị doanh nghiệp Quảng Tây và chính quyền phía Trung Quốc thông tin minh bạch về tiêu chuẩn chất lượng, cỡ loại, mùa vụ, giá cả tôm hùm để người nuôi chủ động nuôi và xuất bán đáp ứng yêu cầu, đảm bảo đôi bên cùng có lợi.


Ngoài ra, ông Nguyễn Hoàng Nam đề xuất Việt Nam cần tăng cường xúc tiến thương mại, giao thương giữa các doanh nghiệp với các địa phương Trung Quốc.

“Chúng ta cũng cần hỗ trợ, thúc đẩy tiến độ duyệt hồ sơ cho các doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc. Đặc biệt, các cơ quan cần cập nhật, cung cấp thông tin về nhu cầu, quy định của thị trường và các địa phương của Trung Quốc cho doanh nghiệp Việt,” ông Nguyễn Hoài Nam kiến nghị.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chia sẻ Việt Nam đang đàm phán nhằm đa dạng hóa các mặt hàng thủy sản xuất khẩu. Hiện nay, mặt hàng hàu sống đã cơ bản hoàn thành thủ tục, còn mặt hàng tôm ướp đá, sứa muối đang tiếp tục được đánh giá nguy cơ.

Gỡ vướng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu

Trong thời gian gần đây, một số doanh nghiệp đã gặp vướng mắc trong đăng ký xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc theo các quy định mới. Theo đó, việc xử lý, phê duyệt hồ sơ đăng ký trên Hệ thống thương mại một cửa (CIFER) của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) và phê duyệt hồ sơ đăng ký bổ sung cơ sở bao gói thủy sản sống của phía Trung Quốc thường diễn ra chậm.

Mặt khác, phía Trung Quốc cũng chậm phản hồi đối với hồ sơ đăng ký bổ sung sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam. Bản thân một số doanh nghiệp cũng chưa kịp thời bố trí nguồn lực để triển khai việc đăng ký trên CIFER, đặc biệt là đăng ký gia hạn…

Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho biết doanh nghiệp thủy sản muốn xuất khẩu sang Trung Quốc thì phải có tên trong 805 doanh nghiệp đã được phía bạn cấp, nếu không thì doanh nghiệp phải bổ sung hồ sơ và chờ cấp phép.

Ông Nguyễn Như Tiệp đề nghị doanh nghiệp kiểm tra kỹ hồ sơ, đặc biệt là hồ sơ code nhằm đảm bảo tương thích trước khi thông quan. Hiện nay, Trung Quốc đã cấp 128 mã sản phẩm liên quan tới thủy sản.

Lãnh đạo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cũng lưu ý các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần khẩn trương thực hiện đăng ký gia hạn theo quy định của GACC để không ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu, hạn chế các ách tắc thương mại.


Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam thì cho rằng vừa qua các sản phẩm nông sản có rủi ro thấp, đặc biệt là các sản phẩm chế biến sâu đã được đăng kí trực tiếp với cơ quan hải quan Trung Quốc mà không đăng kí qua cơ quan chức năng Việt Nam.

“Bởi vậy khi hải quan Trung Quốc yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm tra lại các hồ sơ này, bộ không nắm được địa chỉ các doanh nghiệp đó ở đâu và điều này dẫn đến việc tiến độ hồ sơ bị chậm,” Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho hay.

Do đó, ông Nam đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu nông sản chế biến sâu sang Trung Quốc cần cùng một lúc gửi 2 hồ sơ tới các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan chức năng phía bạn.

“Các cơ quan chức năng hai nước cũng cần phối hợp, tạo điều kiện, đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc về thủ tục hồ sơ cho các doanh nghiệp,” Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói./.

Hồng Kiều

Vietnam+

Tin mới nhất

T6,22/11/2024