Kỹ thuật quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng

Trong những năm gần đây, nghề nuôi tôm ở Việt Nam đã phát triển liên tục, trong số đó, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng có nhiều ưu điểm nổi bật và mang lại nhiều nguồn thu nhất.

Tổng quan về môi trường sống của tôm thẻ chân trắng

Tôm thẻ chân trắng là một loài tôm có tính thích nghi cao. Chúng có thể sống trong môi trường tự nhiên có độ sâu từ 0 – 72m dưới đáy biển và thích nghi với độ mặn từ 0.5 đến 35 ppt (parts per thousand). Ngoài ra, tôm thẻ chân trắng yêu cầu nước có nhiệt độ 6 – 40 độ C (tối đa 43.5 độ C) và khả năng sống trong môi trường nhiệt độ thấp của chúng khá là kém.

Môi trường sống của tôm thẻ chân trắng cần đảm bảo đầy đủ các yếu tố sinh thái như chất lượng nước, dinh dưỡng, ánh sáng, độ ẩm, v.v. Nước trong ao nuôi tôm thẻ chân trắng cần được xử lý đúng cách để đảm bảo độ sạch và an toàn.

Việc kiểm soát nồng độ oxy hòa tan, độ pH và nhiệt độ của nước là rất quan trọng trong quá trình nuôi tôm. Ngoài ra, cần kiểm soát nồng độ muối, tạp chất và các chất độc hại có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tăng trưởng của tôm thẻ chân trắng.


Tôm thẻ chân trắng cần một môi trường sống đặc biệt để phát triển tốt nhất. Ảnh: chuyengiatom.com

Quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng hiệu quả cao

Cải tạo ao và bón phân

Trong quá trình nuôi tôm thẻ chân trắng, việc cải tạo ao nuôi đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo môi trường sống của tôm. Các nhà nông nên thường xuyên vệ sinh ao nuôi, tháo cạn nước, phơi ao từ 10 – 15 ngày sau đó cho nước ngập ao khoảng 20cm để diệt tạp và tiêu độc ao bằng vôi sống hoặc chlorine từ 3 – 6 ngày.

Tiếp theo tháo cạn nước trong ao rồi bơm nước sạch vào, sau đó rửa ao 3 lần, cuối cùng bơm nước vào đầy ao nuôi sâu khoảng 2m. Bên cạnh đó, bón phân đạm và phân lân theo tỷ lệ 1/9, lượng bón 1,5kg/ha để tạo màu cho ao nuôi và gây nuôi sinh vật thức ăn ban đầu cho tôm. Độ trong nên được điều tiết vào khoảng trên dưới 40cm.

Thả tôm giống

Việc chọn tôm giống đều, cùng lứa, cỡ tôm dài 1cm rất quan trọng để đảm bảo chất lượng giống tôm. Mật độ thả giống nên là 15.000 con/ha và thời gian thả tôm giống vào buổi chiều, khi nhiệt độ trong ao mát. Nhà nông nên đứng ở đầu hướng gió và thả tôm giống nhẹ nhàng xuống ao nuôi.

Quản lý ao nuôi hàng ngày

Kiểm tra chất lượng nước: Trong quá trình nuôi tôm thẻ chân trắng, nhà nông cần thường xuyên kiểm tra chất lượng nước trong ao nuôi tôm, điều tiết độ trong trên dưới 40cm, độ mặn từ 10 – 25% và giữ độ trong từ 40 – 60cm.

Cho ăn: Cho ăn thức ăn dạng viên 2 – 4 lần/ngày, ban ngày 30% lượng thức ăn, ban đêm 70% lượng thức ăn. Mức cho ăn trước lúc tôm đạt cỡ 10g/con là 6,4% thể trọng tôm, tôm đạt cỡ 15g/con là 4,6% thể trọng tôm, tôm đạt cỡ 20g/con là 3,2% thể trọng tôm.

Một lưu ý quan trọng trong việc quản lý ao nuôi tôm là cung cấp đủ lượng oxy cần thiết cho tôm bằng cách đặt máy quạt nước trong các ao nuôi (trừ ao nuôi bán thâm canh). Máy quạt nước có tác dụng đảo đều nước và tạo thành dòng chảy tuần hoàn, giúp gom sạch chất thải và tạo môi trường nước sạch cho tôm phát triển và đạt được hiệu suất nuôi tốt.


Người nuôi nên cung cấp đủ lượng oxy cần thiết cho tôm bằng cách đặt máy quạt nước trong các ao nuôi

Phòng và trị bệnh ở tôm

Để đạt hiệu quả nuôi tôm, bà con nông dân phải biết cách giám sát và phát hiện tôm bị bệnh để xử lý chúng kịp thời. Sau đây là một số cách phát hiện bệnh ở tôm trong giai đoạn đầu tiên giúp cho bà con xử lý và chữa bệnh tôm kịp thời:

  • Vỏ cơ thể: Nếu tôm vừa mắc bệnh hoặc đang bị bệnh, vỏ cơ thể sẽ chuyển sang màu sậm hoặc xám hơn thông thường, mất đi độ bóng, bị ăn mòn, giòn và có thể quan sát được các vảy lạ hình thành thành từng mảng trên vỏ hoặc cơ thể của tôm.
  • Đuôi tôm: Khi tôm bị bệnh, đuôi sẽ nghiêng xuống và không còn mở rộng như tôm khỏe mạnh. Khi bóp nhẹ góc đuôi của tôm, đuôi chỉ mở ra một chút.
  • Ruột tôm: Tôm bị bệnh nhẹ sẽ không ăn nhiều như bình thường và nếu nhiễm bệnh nặng chúng sẽ ngừng ăn. Khi quan sát ruột tôm bị bệnh, bà con sẽ thấy ruột của chúng bị rỗng và không có thức ăn.
  • Mang tôm: Lúc bị bệnh, mang tôm sẽ có màu sắc khác thường. Mang sẽ chuyển sang các màu như: vàng, cam, nâu, đỏ… Mang sẽ hơi mềm và có mùi hôi, xảy ra tình trạng giữ nước.
  • Chân bơi, chân bò của tôm: Bà con hãy kiểm tra thường xuyên xem có sẹo, trầy xước hoặc bẩn bám trên các vị trí đó hay không.
  • Gan và lá lách: Nông dân có thể quan sát qua vỏ tôm hoặc mở vỏ ra để kiểm tra xem màu sắc và kích thước của gan và lá lách có thay đổi hay không. Khi nhiễm bệnh, các bộ phận này thường nhỏ và sậm màu hơn bình thường.

Thu hoạch tôm

Vòng đời nuôi tôm kéo dài trong 63 ngày và sản lượng trung bình là 70 con tôm/1kg.

Kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng trên đây sẽ giúp cho bà con nông dân có kiến thức giúp tôm đạt hiệu suất cao. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào hãy liên hệ ngay đến Tép Bạc hoặc tham khảo thêm những thông tin chúng tôi cung cấp nhé.

Đình Hiệp

Tepbac.com

Tin mới nhất

T6,22/11/2024