Bạc Liêu: Mới có 20% diện tích được cấp mã số vùng nuôi trồng thủy sản

Việc cấp mã số vùng nuôi trồng thủy sản được xem là “giấy thông hành” cho các loại thủy hải sản nói chung, con tôm nói riêng đủ điều kiện xuất khẩu, nâng cao giá trị. Chính vì vậy, ngành Nông nghiệp Bạc Liêu đã và đang đẩy mạnh việc cấp mã số cho các vùng, cơ sở nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Điều kiện bắt buộc

Con tôm là một trong những đối tượng nuôi chủ lực, mang lại kim ngạch xuất khẩu khá lớn cho tỉnh. Xác định tầm quan trọng này, Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu đã ban hành các văn bản nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng nuôi, cơ sở nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Sở phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố cử cán bộ tuyên truyền và trực tiếp hướng dẫn, vận động cá nhân, tổ chức nuôi các đối tượng chủ lực thực hiện đăng ký xác nhận đối tượng nuôi, thông qua lồng ghép các lớp tập huấn Luật Thủy sản năm 2017.


Cán bộ ngành Nông nghiệp tham quan mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu).

Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 494.635 cơ sở nuôi tôm nước lợ thuộc đối tượng phải thực hiện đăng ký và cấp giấy xác nhận.

Riêng tỉnh Bạc Liêu, đến nay đã có 2.607 cơ sở với diện tích hơn 5.113ha nuôi tôm được ngành chức năng cấp giấy xác nhận, tăng gấp 4 lần so với năm 2021. Trong đó, TP. Bạc Liêu có 47 cơ sở với diện tích 232,78ha, TX. Giá Rai: 76 cơ sở với diện tích 152,08ha, huyện Hòa Bình: 296 cơ sở với diện tích 600,55ha, huyện Đông Hải: 753 cơ sở với diện tích gần 1.097ha, huyện Vĩnh Lợi: 64 cơ sở với diện tích hơn 106ha, huyện Hồng Dân: 296 cơ sở với diện tích gần 710ha, huyện Phước Long: 1.075 cơ sở với diện tích hơn 2.216ha.

Bạc Liêu đang xây dựng tỉnh trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước nên việc đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng nuôi được xem là một trong những giải pháp nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng tôm của tỉnh nói riêng, ngành tôm Việt Nam nói chung trên thị trường thế giới.

Bởi yêu cầu của thị trường nhập khẩu, nhất là các thị trường khó tính rất quan tâm đến công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm, việc cấp mã số cơ sở nuôi là một trong những điều kiện để con tôm xuất khẩu thuận lợi. Bên cạnh đó, việc cấp mã vùng NTTS còn làm thay đổi nhận thức, hành động của người dân, doanh nghiệp trong việc nâng cao năng suất, diện tích, chất lượng và đầu ra cho sản phẩm.

Nhận thấy được tính chất quan trọng cũng như lợi ích lâu dài của vấn đề cấp mã số vùng nuôi, cơ sở nuôi, các doanh nghiệp, hợp tác xã và người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu quan tâm đến việc xin cấp mã số vùng nuôi, cơ sở nuôi.

Tạo mọi điều kiện cho các tổ chức, hộ nuôi tôm

Hiện nay, tỉnh đang tăng cường thẩm định, cấp các mã số vùng nuôi, mã số cho cơ sở chế biến an toàn; đồng thời xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, nuôi trồng làm nền tảng để sản phẩm thủy sản, nhất là con tôm có thể tiếp cận các thị trường khó tính, mang lại giá trị cao.

Đặc biệt, ngành chức năng sẽ tiến hành đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng nuôi, cơ sở nuôi cho các doanh nghiệp và hộ nuôi tôm.

Ông Trần Văn Diệu – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Thái Minh Long (TX. Giá Rai), cho biết: “Đến nay Công ty đã thực hiện chuỗi liên kết với các hợp tác xã (HTX) và hộ dân được khoảng 200ha nuôi tôm công nghệ cao, hàng năm bao tiêu khoảng 2.000 tấn tôm. Các HTX, hộ nuôi tôm đều được cấp mã số vùng nuôi, cơ sở nuôi. Việc cấp mã số vùng NTTS sẽ đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, độ an toàn và truy xuất nguồn gốc sản phẩm”.

Bạc Liêu hiện có 135.000ha NTTS, song đến nay chỉ mới khoảng 20% diện tích nuôi được cấp mã số vùng nuôi, cơ sở nuôi. Mặc dù ngành chức năng đã nỗ lực tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức người nuôi tôm, nhưng việc cấp mã số vùng nuôi, cơ sở nuôi vẫn còn thấp so với diện tích thực tế.

Ông Nguyễn Hoàng Xuân – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu, cho biết: Trong năm 2023, Chi cục Thủy sản tỉnh sẽ tích cực phối hợp với các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ người nuôi tôm đăng ký mã số vùng nuôi, cơ sở nuôi theo yêu cầu xuất khẩu, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm…

Ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu cũng tạo mọi điều kiện để các hộ nuôi có thể đăng ký và được cấp mã số vùng nuôi, cơ sở nuôi. Từ đó khẳng định thương hiệu cho ngành tôm Việt Nam nói chung, thương hiệu tôm Bạc Liêu nói riêng trên thị trường thế giới.

Minh Đạt

Báo Bạc Liêu

Tin mới nhất

T6,22/11/2024