Người nông dân với mô hình nuôi tôm tiền tỷ

Đến thôn 3, xã Hoằng Ngọc (Hoằng Hóa) hỏi thăm anh Chu Đình Giáp thì không ai xa lạ; bởi không chỉ là người năng nổ, nhiệt tình với các hoạt động của địa phương mà còn là tấm gương lao động giỏi, người dám nghĩ dám làm, mạnh dạn đầu tư xây dựng ao nuôi tôm công nghệ cao trong nhà màng.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của anh Chu Đình Giáp, thôn 3, xã Hoằng Ngọc (Hoằng Hóa).

Trong tiết xuân mưa phùn nhẹ, chúng tôi tìm đến khu nuôi trồng thủy sản của anh Giáp. Đang khẩn trương cùng nhân công vệ sinh ao nuôi để chuẩn bị bước vào vụ nuôi mới, anh Giáp tươi cười đón chúng tôi – những người đang trầm trồ thầm thán phục về cơ ngơi của “ông chủ” trẻ tuổi. Dẫn chúng tôi tham quan mô hình nuôi tôm được đầu tư bài bản của mình, anh Giáp chia sẻ: “Lập nghiệp với nghề xây dựng, cuộc sống tuy ổn định nhưng tôi vẫn nuôi niềm đam mê với nuôi trồng thủy sản. Sau những chuyến tìm hiểu, tham quan các mô hình nuôi tôm công nghệ cao, khép kín trong và ngoài huyện, tôi đã có suy nghĩ táo bạo đó là tạm dừng công việc ổn định và vay vốn đầu tư xây dựng mô hình nuôi tôm công nghệ cao trên mảnh đất quê hương mình. Tuy vốn đầu tư ban đầu cao, kỹ thuật nuôi khắt khe nhưng mô hình có thể giúp người nuôi chủ động về thời vụ, hạn chế dịch bệnh giúp người nuôi nâng cao năng suất, chất lượng nhờ vào sự kiểm soát toàn bộ quá trình nuôi, nhất là nguồn nước”. Cuối năm 2020, khi bắt đầu thực hiện ý tưởng của mình, anh Giáp đã thuê lại khu đầm bỏ hoang và đầu tư nạo vét, kè ao, đổ bê tông… sau đó thực hiện vệ sinh, khử trùng ao nuôi rồi mới thả con giống.

Trong khu nuôi trồng rộng gần 8 ha, anh Giáp đầu tư gần 10 tỷ đồng xây dựng 13 bể nuôi và lọc nước, nhà điều hành. Cũng theo anh Giáp, để nuôi tôm công nghệ cao thành công cần rất nhiều yếu tố, trong đó chi phí đầu tư ban đầu và kỹ thuật nuôi là hai yếu tố then chốt, đóng vai trò quyết định đến thành bại. Khi nuôi công nghệ cao, chưa kể đến chi phí con giống, người nuôi không chỉ phải đầu tư trang thiết bị cho ao nuôi chính mà hệ thống sục khí cung cấp đủ oxy cho tôm, nhà điều hành… cũng phải được trang bị đầy đủ; tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo “3 sạch” đó là tôm giống sạch bệnh, nước sạch, đáy ao sạch. Ao nuôi được thiết kế hình tròn, lót bạt sẽ giúp quạt nước có vòng xoáy, lực ly tâm lớn hơn, dễ dàng đẩy những chất thải, xác tôm lột, phân tôm vào hố xi phông giữa ao. Việc vệ sinh ao nuôi được thực hiện dễ dàng và nhanh chóng. Nền đáy ao được kiểm soát trong suốt vụ nuôi giúp giảm thiểu bùng phát vi khuẩn có hại. Từ đó, giảm chi phí sử dụng hóa chất xử lý môi trường, đảm bảo chất lượng nước ao nuôi cho tôm sinh trưởng và phát triển. Bên cạnh đó, phía trên ao nuôi có hệ thống mái che để hạn chế các loài động vật, côn trùng, bụi bẩn xâm nhập, ổn định nhiệt độ trong ao nuôi vào mùa đông, hạn chế mầm bệnh, khắc phục hiện tượng tôm chết hàng loạt khi mới xuống giống. Với hình thức nuôi này, tỷ lệ nuôi thành công đạt hơn 90%, việc nuôi trồng không bị phụ thuộc vào thời tiết, giảm rủi ro về dịch bệnh trong quá trình nuôi, hệ thống xử lý nước thải nuôi tôm trước khi xả ra bên ngoài giúp bảo vệ nguồn nước, môi trường xung quanh… Từ đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế so với phương pháp nuôi truyền thống trước đây. Ngoài ra, lợi thế của nuôi tôm công nghệ cao là có thể nuôi với mật độ dày; tuy nhiên, phải phân bổ mật độ phù hợp với giai đoạn sinh trưởng phát triển của tôm.

Theo anh Giáp, nếu nuôi theo hình thức truyền thống chỉ nuôi được 2 vụ/năm, nhưng khi nuôi công nghệ cao có thể nuôi tôm trái vụ, nhiều nhất là 4 vụ/năm; nhất là giá bán tôm trong vụ đông cao hơn rất nhiều so với 2 vụ chính. Hiện nay, mô hình nuôi tôm công nghệ cao của anh Giáp đã được nhiều người biết đến, trung bình mỗi năm anh nuôi 3 vụ, sản lượng tôm trung bình 10 tấn/vụ; doanh thu mỗi năm đạt hàng tỷ đồng. Sản phẩm đang được tiêu thụ ổn định qua thương lái trong tỉnh và được chuyển đến các tỉnh, thành như: Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh… để tiêu thụ.

Chia sẻ về dự định trong thời gian tới cùng chúng tôi, anh Giáp cho biết: “Tôi sẽ nghiên cứu và nuôi thử nghiệm theo tiêu chuẩn VietGAP để hướng xuất khẩu sản phẩm đến các thị trường khó tính, có yêu cầu cao về an toàn thực phẩm, đòi hỏi người nuôi tôm cần phải thực hành những tiêu chuẩn về nuôi trồng thủy sản tốt để chứng minh nguồn gốc sản phẩm, an toàn môi trường, an toàn dịch bệnh. Bên cạnh đó, mở rộng thêm khoảng 2 ha diện tích nuôi. Từ hiệu quả ban đầu của mô hình, anh Giáp mong muốn có thể chia sẻ kinh nghiệm, quy trình kỹ thuật nuôi tôm, giúp đỡ những người dân có khát vọng phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương.

Bài và ảnh: Lê Ngọc

Baothanhhoa.vn

Tin mới nhất

T6,22/11/2024