Phập phồng nuôi tôm chân trắng

“Theo đuôi con tôm” mười mấy năm nay với nhiều cơ hội, thách thức, cuối cùng người dân vẫn trắng tay vì dịch bệnh, thua lỗ.

Ước mơ dang dở

Trong ký ức của những người cao niên thì vùng cát Ngũ Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) từ bao đời nay chưa bao giờ “ngủ yên” dù mỗi thời điểm, mỗi hoàn cảnh đời sống khác nhau. Cứ vào vụ đông xuân, vùng cát này bạt ngàn màu xanh của khoai lang, sắn. Một thời nghèo khó, khoai lang trở thành loài cây cứu đói cho người dân vùng cát ven biển này.

Khoai lang trồng nhiều ăn không hết, bán rẻ lại ít người mua nên người dân giảm dần diện tích trồng cho đến một thời dừng hẳn. Tiếc cảnh đồng hoang, lại áp lực đời sống kinh tế, nhiều hộ tìm hướng đi mới bằng cách chuyển sang đào ao nuôi cá trê, cá lóc trên cát, rồi trồng keo tràm kết hợp tận dụng vùng cát rộng lớn chăn nuôi lợn, gà, bò. Trong số các loại cây trồng, vật nuôi, có lẽ với những người “ôm mộng giàu sang” thì phải nói đến nuôi tôm trên cát.

Nuôi tôm sú trên cát ở Ngũ Điền bắt đầu manh nha cách đây từ hai mươi năm và sau đó trở thành phong trào nuôi đại trà. Chừng mười lăm năm nay, người dân chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, sau gần hai mươi năm “theo đuôi con tôm”, giấc mơ giàu sang của người dân vẫn dang dở.

Như nhiều năm trước, vào dịp tết đến, xuân về là thời điểm người dân Ngũ Điền tất bật thu hoạch tôm thẻ chân trắng, rồi tiếp tục thả nuôi vụ mới để kịp thu hoạch trước mùa nắng nóng. Từ vài năm nay, không khí nuôi tôm vụ tết, sau tết ảm đạm lạ thường, như cả một vùng nuôi rộng lớn ở Phong Hải vụ tết năm nay chỉ lèo tèo năm ba ao hồ còn theo đuổi.

Nhắc đến dự định nuôi tôm vụ đầu năm nay, ông Võ Kháng ở xã Phong Hải (Phong Điền) bảo rằng, ông thật sự thiếu tự tin để tiếp tục thả nuôi vụ mới. Mấy vụ gần đây, cứ thả nuôi vài tuần đến giữa vụ là tôm xảy ra dịch bệnh, chết. Cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc tìm ra nguyên nhân, loại dịch bệnh nhưng vẫn chưa có biện pháp đặc trị hiệu quả.

Ông Kháng thừa nhận, người dân chưa bắt kịp xu thế nuôi tôm chân trắng trên cát ven biển theo hướng công nghiệp, hiện đại. Trong khi nhiều nơi đã ứng dụng công nghệ nuôi tôm bằng ao tròn, quy mô diện tích nhỏ gọn, ứng dụng công nghệ cao thì tại Ngũ Điền, người dân vẫn còn loay hoay với mô hình truyền thống. Các hộ nuôi đến nay vẫn còn tự phát, thô sơ, không tuân thủ quy hoạch, không có ao lắng xử lý môi trường nước cấp, nước thải.

Những người được xem là “kỹ sư chân đất” cũng bỏ nghề nuôi tôm vì dịch bệnh, thu nhập bấp bênh. Như anh Trần Hòa ở xã Phong Hải có gần 10 năm gắn bó nuôi tôm, “ăn ngủ cùng tôm” cũng đành bỏ nghề. Biết đến các mô hình nuôi hiệu quả, trong khi tôm nuôi tại địa phương dịch bệnh triền miên, anh Hòa nhiều lần khuyên bảo chuyển sang nuôi ao tròn, đầu tư công nghệ cao nhưng các chủ hộ nuôi cố chấp, bảo thủ.

Ở các nước nuôi tôm công nghiệp, cả một số tỉnh trong nước, ngay tại khu vực nuôi tôm đã có cơ sở ươm dưỡng, sản xuất giống an toàn, chất lượng cung ứng nhu cầu nuôi tại chỗ. Còn ở Ngũ Điền, tuy diện tích nuôi lớn nhưng người dân phải đến mua giống ở các tỉnh xa, quá trình vận chuyển mất nhiều thời gian làm tôm mất sức khỏe, ảnh hưởng đến sức đề kháng, dễ xảy ra dịch bệnh.

Cần chuyên nghiệp

Người dân chọn mua giống, nhận biết kích thước, chất lượng, sức khỏe tại các cơ sở sản xuất đều cảm tính, bằng mắt thường. Biết nguồn giống có nguy cơ mất an toàn, tiềm ẩn dịch bệnh nhưng hầu hết các hộ đành chấp nhận mua, lại còn không qua kiểm dịch bằng máy PCR trước khi thả nuôi. Trong khi đầu tư nuôi tôm chân trắng tốn chi phí lớn từ hàng trăm đến hàng tỷ đồng mỗi vụ, nhưng hầu hết người dân không thể sắm nổi một máy kiểm dịch PCR hiện đại.

Dịch bệnh luôn là nỗi lo thường trực, người dân lại còn thấp thỏm trong suốt vụ nuôi khi đầu ra bấp bênh, giá cả không ổn định. Cả vùng nuôi với diện tích, sản lượng lớn tại vùng Ngũ Điền nhưng chỉ có một đại lý “độc quyền” thu mua tôm thương phẩm. Nhiều hộ thiếu vốn nuôi tôm cũng vay mượn tại chủ đại lý này nên sau khi thu hoạch buộc phải bán cho đại lý. Giá cả vì thế gần như phụ thuộc hoàn toàn vào đơn vị thu mua, hô giá bao nhiêu người dân cũng phải bán, không còn sự lựa chọn nào khác.

Nuôi tôm chân trắng trên cát đòi hỏi đầu tư lớn nên khi bị dịch bệnh sẽ thiệt hại lớn, song khi đạt năng suất, bán được giá thì cũng lãi tiền tỷ. Năm ba vụ lỗ chỉ cần trúng một vụ có thể lấy lại vốn lẫn lãi. Tuy nhiên theo anh Trần Hòa, với người dân Ngũ Điền lâu nay nuôi tôm trúng đậm, được mùa được giá là chuyện hiếm. Phần lớn các vụ nuôi đạt năng suất cao đều bị ép giá nên lãi rất thấp, nhiều hộ theo đuổi nghề nuôi tôm hơn chục năm nay vẫn trắng tay, thậm chí nợ nần.

Không còn cách nào khác cần phải thay đổi tư duy, phương thức nuôi tôm trên cát ven biển phù hợp với điều kiện môi trường, thị trường hiện nay. Gần đây, một số đơn vị, hộ cá nhân đã ứng dụng thành công mô hình nuôi tôm bằng công nghệ nano, bằng ao tròn công nghệ cao. Các mô hình khẳng định hiệu quả trong nuôi tôm chân trắng trên cát ven biển ở Thừa Thiên Huế.

Mô hình nuôi tôm trên cát bằng ao tròn đã ứng dụng thành công ở các tỉnh phía Nam từ nhiều năm qua. Tại Ngũ Điền, mô hình này mới ứng dụng từ vài năm nay với quy mô vài hộ tham gia, diện tích còn ít. Mỗi ao tròn chỉ 500m2 được làm bằng khung sắt, lót bạt, đặt trên bề mặt đất cát, dễ quản lý, xử lý chất thải trong quá trình nuôi, đưa nước vào ao cũng như thải ra môi trường. Ao nuôi nhỏ nên các loại chất thải rắn, xác tôm chết… trong ao được dễ dàng lắng lọc kỹ, thu gom làm sạch môi trường. Mô hình nuôi tôm bằng ao tròn với diện tích nhỏ có thể nuôi được 2-3 vụ/năm, kể cả vụ hè.

Tiến sĩ Mạc Như Bình, Khoa Thủy sản thuộc Trường đại học Nông Lâm (Đại học Huế) luôn trăn trở trước tiềm năng nuôi tôm chân trắng trên cát ở Thừa Thiên Huế rất lớn, nhưng lại chưa thể khai thác, chưa thật sự nắm bắt cơ hội. Trong điều kiện nuôi mất an toàn, lại ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như hiện nay dẫn đến các vùng nuôi bị ô nhiễm môi trường và dịch bệnh thường xuyên. Có nhiều nguyên nhân gây nên bệnh trên tôm như virus, nấm, ký sinh trùng, bệnh dinh dưỡng và đặc biệt là do vi khuẩn. Kháng sinh để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn trên thủy sản nuôi cũng không còn hiệu quả cao, do các dòng vi khuẩn kháng thuốc ngày càng tăng.

Một trong những xu hướng nuôi tôm chân trắng trên cát ven biển hiệu quả được đánh giá cao là ứng dụng công nghệ nano. Sản phẩm bằng công nghệ này đã được thử nghiệm và phân phối ra thị trường, có khả năng xử lý môi trường nước, diệt vi khuẩn vibrio gây các bệnh: phân trắng, gan tụy cấp, mòn đuôi, cụt râu ở tôm… Qua đánh giá tại các mô hình của Trường đại học Nông Lâm, việc sử dụng dung dịch nano cho thấy nhiều ưu điểm vượt trội, như hạn chế việc sử dụng kháng sinh có hại cho tôm và môi trường, xử lý ô nhiễm môi trường nước rất hiệu quả. Mặc dù dung dịch nano sở hữu nhiều tính chất ưu việt, nhưng vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi ở Thừa Thiên Huế trong nuôi tôm chân trắng.

Bài, ảnh: Hải Triều

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế

Tin mới nhất

T5,21/11/2024