Nâng tầm con tôm Bạc Liêu

Con tôm đã làm nên thương hiệu cho vùng đất Bạc Liêu, trở thành tài nguyên để phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa của vùng đất này. Chuyện nâng cao chuỗi giá trị tôm Bạc Liêu với những giải pháp như xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh liên kết, đa dạng hóa sản phẩm… đang được địa phương quan tâm.


Thu hoạch tôm ở huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu.

Theo thống kê năm 2021, toàn tỉnh Bạc Liêu có diện tích nuôi trồng thủy sản là 137.503ha, sản lượng thu hoạch gần 284.000 tấn. Trong đó, sản lượng thu hoạch tôm là gần 169.126 tấn. Bạc Liêu hiện có 212 cơ sở sản xuất tôm giống, 137 cơ sở ươm dưỡng tôm giống, sản xuất được trên 32 tỉ tôm post/năm để cung cấp tôm giống phục vụ nhu cầu trong và ngoài tỉnh. Với lượng tôm post này, Bạc Liêu cung cấp 22,54% lượng tôm giống cả nước và chiếm 54,24% lượng tôm giống vùng ÐBSCL.

Ông Phan Thanh Duy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết: Bạc Liêu có điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng rất phù hợp để phát triển ngành nghề nuôi tôm. Ðến nay, tỉnh Bạc Liêu là 1 trong 6 địa phương trọng điểm ngành tôm của cả nước và được đánh giá có vai trò quan trọng trong nhiều khâu của “chuỗi cung ứng tôm” khu vực ÐBSCL và cả nước. Bạc Liêu cũng là địa phương đứng thứ 2 cả nước về sản lượng, với nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao hàng đầu quốc gia.

Dù nghề nuôi tôm ở Bạc Liêu phát triển đại trà chỉ khoảng 30 năm qua nhưng dần dần cho thấy hiệu quả kinh tế rõ nét, làm thay đổi diện mạo của nhiều vùng đất, mang lại “áo ấm cơm no” cho nhiều người dân. Anh Nguyễn Sê Ri, người nuôi tôm ở ấp Bến Bào, xã Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân, cho biết: Trước đây, bà con xã Vĩnh Lộc A hầu như sống bằng nghề trồng khóm và lúa. Nhưng sự xuất hiện của con tôm, trước nhất là tôm sú, sau là tôm thẻ chân trắng và bây giờ trụ vững là tôm càng xanh, đã được hầu hết bà con chọn lựa, chuyển đổi phương thức sản xuất. Nhờ con tôm càng xanh, bà con Vĩnh Lộc A nói riêng, nhiều địa phương của Bạc Liêu như Hồng Dân, Phước Long, Giá Rai, Vĩnh Lợi, Hòa Bình… nâng cao đời sống kinh tế rõ nét. “Như ở xứ tôi, trước đây bà con còn khó khăn lắm, nay thì nhà tường đa số, người khá giàu ngày càng nhiều”, anh Ri nói.

Bạc Liêu đang xây dựng và tiến dần hoàn thiện chuỗi giá trị ngành tôm của tỉnh. Nhiều mô hình nuôi tôm khép kín, nuôi tôm kết hợp làm du lịch, chế biến các phụ phẩm từ tôm để làm phân bón, thức ăn gia súc… ra đời ngày càng nhiều. Có dịp tham quan điểm du lịch Tôm Khỏe – mô hình nuôi tôm dưới tán rừng kết hợp làm du lịch ở đê biển TP Bạc Liêu, mới thấy sức sáng tạo của người dân trong tận dụng tài nguyên bản địa làm du lịch. Ao tôm trở nên có sức hấp dẫn với du khách. Chị Lê Thị Thúy Diễm, du khách đến từ Hậu Giang, nói: “Nuôi tôm thì tôi thấy nhiều nhưng nuôi tôm kết hợp làm du lịch thật sự rất thú vị, tôi như được trở về với thiên nhiên”.

Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, việc thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ tôm đã mở ra hướng sản xuất hiệu quả và bền vững. Ngành chuyên môn rất quan tâm đến công tác quản lý giống, thức ăn, thuốc thú y và hướng dẫn kỹ thuật, lịch thời vụ nuôi tôm. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được áp dụng như nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính; nuôi thâm canh tôm sú và tôm thẻ chân trắng bền vững theo hướng VietGAP…

Bạc Liêu đang thực hiện Ðề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”. Trong đó, địa phương đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu tại xã Hiệp Thành, TP Bạc Liêu. Dự án với quy mô 418,91ha, tổng vốn đầu tư 3.217 tỉ đồng, lớn nhất Ðông Nam Á. Hiện nay, tỉnh Bạc Liêu đã tuyển chọn được 9 doanh nghiệp đầu tư vào Khu và Ban Quản lý Khu. Sau khi hoàn thiện, nơi đây sẽ là trung tâm ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, nhằm thực hiện các hoạt động ứng dụng thành tựu nghiên cứu và phát triển công nghệ cao vào ngành tôm, sản xuất giống, nghiên cứu quy trình nuôi. Bên cạnh đó, Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu còn là nơi nghiên cứu chế biến thức ăn, các ngành công nghiệp phụ trợ, sản xuất chế phẩm sinh học, bảo quản chế biến, đào tạo, tiếp nhận chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ phát triển ngành tôm của tỉnh, vùng bán đảo Cà Mau, ÐBSCL và cả nước.

Tại hội thảo khoa học giải pháp phát triển chuỗi giá trị ngành tôm và muối Bạc Liêu do UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức mới đây, ông Lê Tấn Cận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, đã chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm đưa vào sử dụng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu. Ðồng thời, quan tâm xây dựng mô hình điểm liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm thật sự hiệu quả. Việc mời gọi nhà đầu tư có đủ nguồn lực, uy tín trong liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cũng cần căn cơ hơn.

Ðể tôn vinh con tôm, hạt muối Bạc Liêu, trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa – Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang vừa diễn ra, Bạc Liêu đã tổ chức công diễn và xác lập kỷ lục các món ăn từ hai đặc sản này. Ðó cũng là minh chứng rõ nét cho quyết tâm nâng tầm giá trị con tôm Bạc Liêu trong thời buổi hiện nay. Ông Phan Thanh Duy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, nhấn mạnh: Ðây là niềm tự hào và cũng là động lực để Bạc Liêu tiếp tục quảng bá văn hóa, du lịch thông qua ẩm thực tôm và muối. Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu cũng không quên gửi lời tri ân đến những người luôn cần mẫn bao đời gắn bó với nghề, tạo nên hạt muối như một sự thủy chung dẫu còn đó bao nhọc nhằn và đặc biệt: “Tri ân những trái tim, bàn tay, khối óc đã luôn nỗ lực miệt mài vì sự phát triển của tỉnh Bạc Liêu và trong hành trình xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”.

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Nguồn tin: Báo Cần Thơ,

Tin mới nhất

T6,22/11/2024