Mô hình nuôi tôm “ao trong ao”

Mô hình nuôi tôm trong ao nổi hay còn gọi là ao tròn đang là xu hướng mới cho bà con vì mang đến nhiều lợi ích vượt trội, với yêu cầu kỹ thuật và vốn đầu tư vừa phải giúp tiết kiệm được chi phí. Bên cạnh đó, mô hình này cung cấp sự an toàn và bền vững cho ao nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế.

Tìm hiểu về mô hình nuôi

Những năm qua, người nuôi tôm thường xuyên gặp khó khăn do các vấn đề về dịch bệnh hoành hành trên tôm nuôi. Được biết nguyên nhân gây ra bắt nguồn từ các mầm bệnh tồn tại trong đất, trong nguồn nước cấp vào ao và trong các ký chủ trung gian như cua, còng,.. để hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh thì giải pháp tốt nhất đó là phải “cách ly” được mầm bệnh, đưa đến việc hình thành nên mô hình nuôi tôm trong ao nổi.

Thông thường ở các trang trại nuôi tôm, thay vì lót bạt các ao nuôi có diện tích lớn rồi lấy nước vào thả nuôi như trước đây thì mô hình này lại sở hữu các ao nuôi có dạng hình tròn, diện tích nhỏ với chất liệu khung là thép không rỉ, phủ bạt HDPE chống thấm, có đáy dạng hình phễu, vách đứng được đặt ngay trong lòng các ao nuôi cũ.

Mô hình ao nuôi dạng hình tròn có diện tích nhỏ với chất liệu khung là thép không rỉ, phủ bạt HDPE chống thấm. Ảnh: Tepbac

Ao nuôi cũng được trang bị đầy đủ hệ thống máy sục khí, ống dẫn khí, máy quạt nước, máy cho tôm ăn tự động…như các loại ao nuôi khác. Ngoài ra, còn có các ao cấp, ao xử lý nước và áp dụng kỹ thuật tách chất thải rắn, tái sử dụng nước, không chỉ tiết kiệm chi phí đầu tư mà còn hạn chế nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Quy trình nuôi

Quy trình nuôi được chia làm 2 giai đoạn. Ở giai đoạn 1, tôm giống được ương nuôi khoảng 30 ngày trong 1 ao nổi, mật độ nuôi khoảng 3.000 con/ m2. Giai đoạn 2, tôm giống được chuyển sang các ao nổi còn lại để nuôi thương phẩm, mật độ nuôi khoảng 300 con/ m2. Sau 90 – 100 ngày nuôi, tôm đạt trọng lượng khoảng 40 con/kg thì tiến hành thu hoạch.

Trong quá trình nuôi, chất thải rắn từ các ao nổi phải được lắng lọc kỹ, thu gom thường xuyên, đây là một trong những yếu tố quan trọng mang lại sự thành công lâu dài. Cụ thể, nước thải trong ao nổi sau khi bơm lên ao tách chất thải rắn, phần vỏ tôm, xác tôm chết và thức ăn dư thừa được lọc qua túi lưới, thu gom vào bể chứa, dùng nước ngọt pha loãng và xử lý bằng men vi sinh để làm phân bón cho cây trồng.

Đối với phần lọt qua lưới lọc là phân tôm và xác tảo chết được bơm vào ao lắng, xử lý bằng hóa chất và men vi sinh để tái sử dụng. Người nuôi trước khi vào ao đều phải mang ủng trong khi lội qua bể chứa dung dịch thuốc tím và khử trùng tay bằng cồn 70 độ để hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh.

Ưu điểm


Mô hình nuôi tôm ao nổi hình tròn dễ quản lý và xử lý kịp thời những biến đổi của môi trường nước. Ảnh: Tepbac

Mô hình này có ưu điểm là không đòi hỏi diện tích lớn hàng ngàn mét vuông như quy trình nuôi ao vuông mà mỗi ao nổi hình tròn chỉ có diện tích từ 500 – 700 m2 được làm bằng khung sắt, lót bạt, đặt ngay trên bề mặt đất bằng phẳng, trên cát hoặc ngay trong lòng các ao nuôi cũ, với chi phí xây dựng chỉ bằng khoảng 1/3 so với đào vuông nuôi như trước. Do sở hữu diện tích ao nuôi nhỏ nên bà con có thể dễ quản lý và xử lý kịp thời những biến đổi của môi trường nước trong ao nuôi.

Với dạng hình tròn của ao nuôi sẽ có ích cho việc phân loại các chất thải rắn như xác tôm chết, thức ăn thừa, phân tôm,…tụ lại giữa đáy ao, tiện cho việc thu gom và xử lý và đảm bảo nước trong ao được đảo đều thông qua việc vận hành máy quạt thúc đẩy nước tạo thành các dòng chảy hướng tâm. Điều này giữ cho nền đáy được sạch sẽ suốt vụ nuôi, hạn chế các vị khuẩn có hại và khí độc tích tụ trong ao nuôi.

Ngoài ra, mô hình nuôi ao nổi góp phần vào việc bảo vệ môi trường, tránh lãng phí nguồn tài nguyên nhờ sự tận dụng các ao nuôi cũ đang bị bỏ hoang hoặc nuôi kém hiệu quả, môi trường trong ao nổi vẫn tách biệt hoàn toàn với ao nuôi cũ, do đó các loại ký chủ trung gian mang mầm bệnh như cua, còng… cũng không thể xâm nhập được.

Tuy nhiên, để nuôi tôm trong ao nổi đạt hiệu quả cao và mang tính bền vững, người nuôi cần phải tuân thủ đúng quy trình xử lý nguồn nước đầu vào qua ao lắng, ao xử lý, ao sẵn sàng, cuối cùng mới đến ao nuôi. Việc lựa chọn con giống sạch bệnh, chất lượng cao là khâu vô cùng quan trọng không thể thiếu.

Nhất Linh

Tép Bạc

Tin mới nhất

T6,22/11/2024