Nuôi tôm hiệu quả nhờ tổ cộng đồng

Ở những vùng nuôi có tổ cộng đồng quản lý, môi trường nguồn nước nuôi được kiểm soát tốt hơn, dịch bệnh trên trên tôm ít phát sinh, người nuôi đỡ bị thiệt hại.

Nuôi tôm nước lợ hiệu quả nhờ tổ cộng đồng

Để nâng cao năng lực cộng đồng nuôi tôm nước lợ hiệu quả, kiểm soát được dịch bệnh cần triển khai đồng loạt các giải pháp từ công nghệ đến còn giống sạch bệnh, cơ sở hạ tầng đồng bộ thì việc người dân tham gia vào các tổ cộng đồng cũng rất quan trọng.


Ở vùng nuôi tôm Đông Điền, xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước, Bình Định) có mương dẫn nước vào và mương xả thải riêng biệt. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Phan Văn Khiêm, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước (Bình Định), hiện trên địa bàn huyện này có tổng diện tích nuôi tôm hàng năm là 860ha. Là địa phương nuôi tôm nước lợ trọng điểm của tỉnh Bình Định, đến nay, huyện Tuy Phước đã thành lập được 2 tổ cộng đồng nuôi tôm, 1 tổ ở thôn Đông Điền (xã Phước Thắng) quản lý diện tích nuôi tôm 25ha và 1 tổ ở thôn Vinh Quang (xã Phước Sơn) cũng quản lý 25ha.

“Các tổ cộng đồng nuôi tôm hoạt động theo quy ước: Trước mỗi vụ nuôi, tất cả thành viên trong tổ họp lại để thống nhất thời điểm thả giống theo lịch thời vụ do Sở NN-PTNT ban hành. Trong quá trình nuôi, nếu hồ nuôi nào có sự cố dịch bệnh, cả tổ sẽ chung tay hỗ trợ khắc phục, có biện pháp ngăn chặn lây nhiễm dịch bệnh ra môi trường chung quanh”, ông Khiêm chia sẻ.

Cũng theo ông Khiêm, tổ nuôi tôm cộng đồng còn quy định với nhau về việc mua tôm giống. Tôm giống phải được thống nhất mua của các doanh nghiệp chuyên sản xuất tôm giống có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng. Tôm giống phải được qua kiểm nghiệm, xét nghiệm đàng hoàng, không mua tôm giống trôi nổi trên thị trường. Khi có hồ nuôi nào trong vùng dính dịch bệnh, tổ cộng đồng liền cùng hộ nuôi thực hiện việc đóng cổng, sau đó xử lý hồ nuôi bằng hóa chất để xử lý chất thải, đến khi nước thải đạt các tiêu chuẩn về chất lượng mới được xả ra môi trường chung để hạn chế dịch bệnh lây lan.


Vùng nuôi tôm Ninh Lộc (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) không còn nuôi quy mô như trước đây. Ảnh: K.S.

“Các tổ nuôi tôm cộng đồng sinh hoạt định kỳ trước mỗi vụ nuôi. Cuối vụ nuôi tổ cộng đồng còn họp lại thông tin về giá tôm trên thị trường để thông tin với nhau về giá tôm trên thị trường, thống nhất giá bán để tránh bị thương lái ép giá. Hoạt động của tổ cộng đồng nuôi tôm hạn chế ô nhiễm nguồn nước nuôi, môi trường nguồn nước nuôi ngày càng được cải thiện, đồng nghĩa hạn chế được dịch bệnh trên tôm, nếu xảy ra cũng hạn chế lây lan ra cộng đồng. Lợi ích là vậy nên thành viên trong tổ rất gắn kết với nhau”, ông Phan Văn Khiêm cho biết.

Hết cảnh mạnh ai nấy làm

Cách đây 7 năm, Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD) được Sở NN-PTNT Bình Định đưa về thôn Đông Điền, xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước, Bình Định). Vùng nuôi tôm Đông Điền được quy hoạch lại hạ tầng, tuyến đê bao ngăn mặn bao quanh vùng nuôi được dự án đầu tư xây dựng.

Diện tích mặt nước trong vùng nuôi cũng được quy hoạch lại theo kiểu: Bên này là ao lắng, ao nuôi nằm chính giữa, bên kia là ao xả. Trước kia, cả vùng nuôi chỉ có 1 cống đảm nhiệm cả 2 nhiệm vụ vừa cấp cấp nước vào ao nuôi vừa xả nước thải. Kiểu “cấp, xả” chung chạ này là tác nhân làm dịch bệnh lây lan nếu trong vùng có ao nuôi bị bệnh. Nay để hạn chế ô nhiễm từ bên ngoài môi trường xâm nhập vào ao nuôi, dự án xây dựng thêm 1 cống xả, từ đó đường dẫn nước vào ao nuôi và đường xả nước thải riêng biệt.


Tôm nuôi được đầu tư bài bản, sống trong môi trường sạch sẽ phát triển nhanh và đạt năng suất cao. Ảnh: L.K.

Theo những người nuôi tôm ở Đông Điền, trước khi thả giống, nước được xả vào ao lắng để được xử lý hóa chất diệt khuẩn. Nước nằm trong ao lắng từ 5-7 ngày để các chất độc hại phân hủy hết mới xả qua ao nuôi. Khi nước vào đến ao nuôi là đã được tiệt trùng.

Nếu trong quá trình nuôi mà kiểm tra thấy các thông số kỹ thuật trong ao không đảm bảo, người nuôi phải thay nước nhằm thay đổi môi trường trong ao nuôi để tôm phát triển khỏe hơn. Nước xả được cho sang ao chứa thải bên cạnh, để rồi sau đó xả dần ra môi trường theo cống thoát. Nhờ triển khai áp dụng các biện pháp tổng hợp phòng, chống dịch bệnh, tổ chức giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch phát sinh nên mang lại hiệu quả thiết thực.

Từ khi được hưởng lợi từ Dự án CRSD, vùng nuôi tôm Đông Điền thành lập Ban quản lý cộng đồng nuôi tôm quản lý 25ha diện tích nuôi tôm với 5 tổ quản lý gồm 45 thành viên. Hiện ông Lê Thanh Tâm, người nuôi tôm kỳ cựu ở đây được tin tưởng giao làm nhiệm vụ trưởng ban.


Hiện nay, một số hộ nuôi tôm ở Quảng Nam rất chú trọng đến việc xử lý nguồn nước trước và sau khi thả tôm giống. Ảnh: L.K.

“Kể từ đó, việc nuôi tôm ở đây không còn theo kiểu tự phát mà phải tuân thủ nghiêm cẩn theo quy chế: Đến vụ nuôi là tất cả các ao tôm trong vùng đều đồng loạt cải tạo; sau đó thống nhất điểm mua tôm giống, tôm giống được chọn phải có xuất xứ từ 1 công ty uy tín bậc nhất Việt Nam; thả giống cùng lúc theo lịch thời vụ của ngành chức năng đưa ra. Khi tôm nuôi bị bệnh thì tất cả cùng bàn bạc, đề ra giải pháp ứng phó rồi cùng thực hiện”, Tâm cho hay.

“Ban quản lý cộng đồng nuôi tôm ở Đông Điền hoạt động theo hướng dẫn của ngành chức năng từ lịch thời vụ đến quy trình nuôi. Đặc biệt, người nuôi tôm ở đây tuân thủ rất nghiêm cẩn quy chế của ban quản lý đưa ra. Ví như nếu có ao nuôi bị bệnh vào thời điểm giữa vụ phải xả ao thì chủ ao không được tự động thả nuôi tiếp, mà phải đợi cả vùng nuôi kết thúc vụ rồi mới được thả nuôi cùng lúc, nhờ đó vùng nuôi hạn chế được dịch bệnh lây lan”, ông Phạm Quang Ân, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước, chia sẻ.

Nhóm PV Nam Trung Bộ

Nongnghiep.vn

Tin mới nhất

T7,23/11/2024