Giá thức ăn thủy sản đồng loạt tăng từ 300-500 đồng/kg

[Người Nuôi Tôm] – Một số công ty sản xuất thức ăn thủy sản đã đồng loạt đưa ra thông báo tăng giá sản phẩm từ 300-500 đồng/kg, tùy loại, áp dụng từ tháng 11/2021.

 

Ngày 26/10 vừa qua, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam đã chính thức ra công văn thông báo về việc điều chỉnh giá một số loại sản phẩm thức ăn thủy sản, áp dụng từ ngày 08/11/2021. Theo C.P, hiện nay do tình hình giá nguyên liệu, nhiên liệu sản xuất thức ăn liên tục tăng trên thị trường gây ảnh hưởng rất lớn đến người nuôi cũng như doanh nghiệp sản xuất thức ăn. Nhằm giữ chất lượng thức ăn ổn định, đảm bảo cho sự tăng trưởng của vật nuôi, công ty đã tiến hành điều chỉnh lại giá một số sản phẩm thức ăn, cụ thể:

  • Tăng 300 đồng/kg đối với các sản phẩm thức ăn cho cá, nhãn hiệu CP 994#, cá tra, cá basa nhãn hiệu Big Feed 893#; Tăng 400 đồng/kg áp dụng cho các sản phẩm cá giống Higrade 9991, CP 9901, cá rô phi, điêu hồng CP 995#, Starfeed 595#, cá trê vàng star feed 595Y, cá rô đồng CP992#, cá chép CP 991# và ếch CP996#, Sarfeed 596#; Tăng 500 đồng/kg đối với các sản phẩm thức ăn cho cá lóc, cá thát lát…

Quyết định tăng giá bán một số mặt hàng thức ăn thủy sản của Công ty Cổ phần C.P Việt Nam, đã ký ngày 26/10/2021

 

Cùng với “ông lớn” C.P, Công ty TNHH MTV Thức ăn thủy sản Mekong cũng chính thức đưa ra thông báo điều chỉnh giá bán một số sản phẩm của doanh nghiệp. Theo đó, Mekong sẽ điều chỉnh tăng 500 đồng/kg với các mã sản phẩm cho cá lóc, cá nàng 2; Tăng 400 đồng/kg với sản phẩm thức ăn cho cá tra giống, cá vảy, cá rô, cá kèo và ếch. Mức giá mới sẽ được áp dụng từ ngày 07/11/2021.

Bên cạnh đó, một số công ty sản xuất thức ăn thủy sản cũng ký và chính thức đưa ra thông báo mới, điều chỉnh lại giá bán các mặt hàng thức ăn thủy sản.

Giá thức ăn tăng cao đang gây nhiều khó khăn cho người nuôi thủy sản – Ảnh minh họa: ST

 

Ảnh hưởng kéo dài do dịch bệnh Covid-19 đã khiến giá các mặt hàng thủy sản nuôi thời gian vừa qua giảm mạnh.

Trong khi đó, giá nguyên liệu dùng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản như ngô, khô đậu tương, xăng dầu, chi phí vận chuyển… liên tục tăng “phi mã”. Nhiều hãng nhà máy thức ăn tại châu Á cho biết, cước vận tải đã tăng 30 – 40% từ tháng 12/2020 – 3/2021 tùy vào cảng nhập khẩu. Thời gian chờ đợi xếp chỗ trên tàu cũng kéo dài lâu hơn 15 – 20 ngày, còn chi phí không ngừng tăng từng ngày.

Từ tháng 12/2020, giá các nguyên liệu thô gồm: ngô, đậu tương và lúa mỳ đều tăng. Tháng 9/2020, giá đậu tương bắt đầu tăng 61% từ 973 USD lên 1.569 USD/bushel. Giá ngô tăng 130%, còn giá lúa mỳ tăng 45% từ tháng 12/2020. Các sàn giao dịch hàng hóa nông sản ghi nhận giá ngô đang ở mức cao nhất trong vòng 8 năm qua còn giá đậu tương cao nhất kể từ tháng 6/2016.

Tại Đông Nam Á, giá các phụ phẩm cũng tăng cao như: DDGS tăng 14%, protein ngô đậm đặc tăng 20 – 30%, còn giá khô đậu (SBM) HiPro tăng 20%. Tại Ấn Độ, giá HiPro SBM 50-52% protein thô đã tăng lên 80 INR/kg (1,08 USD) từ mức 48 INR/kg (0,62 USD).

Năm 2021 tiếp tục là một năm khó khăn với các doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản, khi chi phí thức ăn tăng 15 – 35%, dẫn đến giá thức ăn trên thị trường cũng tăng theo. Đáng nói, giá các sản phẩm thủy sản lại thấp, đặc biệt là cá nước ngọt, khiến triển vọng thị trường thức ăn thủy sản 2021 kém lạc quan.

Phạm Huệ

Tin mới nhất

CN,24/11/2024