Astaxanthin và ứng dụng trong nuôi tôm công nghiệp

[Người Nuôi Tôm] – Astaxanthin là hợp chất phân cực có công thức hóa học: C40H52O4; thuộc nhóm sắc tố carotenoids; có tính chống oxy hóa rất mạnh (antioxidant – gấp hơn 6000 lần so với vitamin C và 550 lần so với vitamin E). Chúng được tìm thấy trong vi tảo, vi khuẩn, nấm, tôm hay thịt cá hồi hoặc được tổng hợp thông qua phản ứng hóa học trong công nghiệp dược.

 

Trong tự nhiên, vi tảo Haematococcus pluvialis, vi khuẩn Paracoccus carotinifaciens và nấm Xanthophyllomyces dendrorhous có khả năng tổng hợp astaxanthin ở mức tương ứng 1-3,8%, 2,2% và 0,5% trọng lượng khô của tế bào. Đặc biệt, Haematococcus có khả năng sản xuất lượng lớn thông qua mô hình nuôi sinh khối công nghiệp (Intensive Microalgae Cultivation), đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong nuôi trồng thủy sản. Astaxanthin là sắc tố chính, chiếm 86-98% tổng số Carotenoids tìm thấy trong tôm, hợp chất này cung cấp dưới dạng thức ăn bổ sung để nâng cao sức đề kháng và tỉ lệ sống cho tôm giống; đồng thời, tăng cường sắc tố cho tôm nuôi, giúp cải thiện màu đỏ của tôm sau khi nấu chín. Thiếu astaxanthin trong khẩu phần dinh dưỡng cho tôm có thể dẫn đến hội chứng màu xanh lam (Blue Color Syndrome) trên tôm sú (Penaeus monodon), phục hồi sắc tố nâu xanh vốn có của tôm. Nghiên cứu của Menasveta (1993) cho thấy việc bổ sung astaxanthin đã làm tăng gần 318% carotenoids trong mô tôm thí nghiệm; ngược lại, hàm lượng này chỉ tìm thấy ở mức 14% trong mô tôm không được bổ sung hợp chất này. Bổ sung carotenoid cho tôm giống liên tục giúp làm tăng hiệu quả tỷ lệ sống của zoea II từ 25% lên 85%; ruột đều và đẹp từ 49% lên 96% và giảm tỷ lệ ấu trùng dị hình từ 21% xuống 4% (Wyban 1996).

Astaxanthin là sắc tố quan trọng, tôm không có khả năng tự tổng hợp trong quá trình nuôi; việc bổ sung lượng phù hợp trong khẩu phần thức ăn tôm (đặc biệt là loài tôm sú) giúp phòng chống hội chứng màu xanh lam. Đồng thời, sắc tố này đóng vai trò là chất chống oxy hóa rất mạnh, tiền vitamin A giúp tôm nuôi tăng cường đáp ứng miễn dịch, tăng trưởng, sự thành thục, sinh sản; nó cải thiện chất lượng ấu trùng tôm giống và tỉ lệ sống sót của tôm bố mẹ.

Boris Quyết, Ph.D (Tổng hợp)

                                                                                                

Tin mới nhất

T2,25/11/2024