Dịch bệnh thủy sản đã giảm đáng kể

Số liệu của Cục Thú y, trong 11 tháng đầu năm 2019, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của các tỉnh bị thiệt hại là hơn 23.126ha, giảm 37,7% so với cùng kỳ năm 2018

Ruộng tôm của các hộ gia đình nhỏ lẻ đang cản trở truy xuất nguồn gốc.

Trong 11 tháng đầu năm 2019, dịch bệnh trên thủy sản nuôi trồng giảm khá lớn so với năm 2018, tuy nhiên còn xa mới đáp ứng được yêu cầu của các thị trường đòi hỏi chất lượng cao buộc ngành thủy sản cần phải tiếp tục tái cơ cấu.  

Dịch bệnh giảm

Số liệu của Cục Thú y, trong 11 tháng đầu năm 2019, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của các tỉnh bị thiệt hại là hơn 23.126ha, giảm 37,7% so với cùng kỳ năm 2018 (có tổng diện tích bị thiệt hại 37.130ha).

Trong đó, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại hơn 21.655ha, giảm 36,07% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 3,03% tổng diện tích nuôi tôm cả nước. Tổng diện tích nuôi cá tra bị thiệt hại 68,37ha, giảm 67,3% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 1,08% tổng diện tích nuôi cá tra. Trên tôm, chủ yếu bệnh hoại tử gan tụy cấp và đốm trắng, còn trên cá tra chủ yếu bệnh xuất huyết.

Một số thủy sản nuôi khác bị dịch bệnh nhiều như nghêu 1.348,8ha ở nhiều địa phương; tôm hùm 93 lồng tại Khánh Hòa và 18.572 con tại Phú Yên; cá mú 98 lồng tại Phú Yên và Khánh Hòa; cá rô phi giống 29,7ha tại Bình Định; tôm càng xanh 5ha tôm – lúa tại Kiên Giang.

>>> Bến Tre: Thạch Phú thả nuôi hơn 900 triệu con tôm giống

Một trong những tỉnh bị bệnh tôm diện tích lớn là Sóc Trăng, Sở NN-PTNT tỉnh này cho biết nguyên nhân chủ yếu do biến động các yếu tố môi trường chiếm (60,3%) đó là những thời điểm thời tiết nắng nóng xen kẽ mưa làm các chỉ tiêu thủy lý hóa trong ao biến động. Còn tỉnh Đồng Tháp có diện tích nuôi cá tra lớn nhất nước với 1.583ha, trong đó trên 52% đạt chứng nhận các tiêu chuẩn chất lượng, cho biết nguyên nhân chính gây dịch bệnh: Một số cơ sở nuôi còn xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường.

Đặc biệt, bệnh hoại tử gan tụy cấp được phát hiện trên tôm giống ở tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận mà nguồn lây là từ thức ăn tươi sống. Chi cục Thú y vùng VI (Cục Thú y) cho biết, thức ăn tươi sống có tỷ lệ lưu hành bệnh rất cao, đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc bệnh lưu hành tại các cơ sở sản xuất giống.  

Rào cản thị trường

Các thị trường yêu cầu, tất cả tôm và sản phẩm của tôm phải sạch bệnh đốm trắng, đầu vàng, hoại tử gan tụy… Không chỉ Mỹ, Nhật mà thị trường Trung Quốc đang đứng thứ 3 về kim ngạch xuất khẩu tôm của nước ta (chiếm 15,8%) cũng yêu cầu các lô hàng tôm phải có kết quả xét nghiệm âm tính với 3 lần thu mẫu (trước khi thả giống, trong quá trình nuôi và sau khi thu hoạch) đối với các tác nhân virus gây bệnh còi, bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô, bệnh đốm trắng, hội chứng Taura (TSV). Nếu phát hiện công ty có sản phẩm nhiễm bệnh, Trung Quốc sẽ áp dụng biện pháp giám sát, lấy mẫu xét nghiệm với tỷ lệ 30% trên mỗi lô hàng.

Một số thị trường quy định chế độ xử lý nhiệt cụ thể đối với tôm nấu chín (không phải xét nghiệm bệnh) khi nhập khẩu lại làm phát sinh khó khăn, vướng mắc. Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cho biết, thị trường Hàn Quốc yêu cầu sản phẩm tôm đã nấu chín đáp ứng các quy định của Hàn Quốc về thời gian và nhiệt độ thì sẽ không phải lấy mẫu xét nghiệm bệnh.

Tuy nhiên, chế độ gia nhiệt quá lâu sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cảm quan của sản phẩm thủy sản (cơ thịt, mùi vị, màu sắc…), khách hàng không chấp thuận và chi phí sản xuất cao.

Hoặc thị trường EU, sản phẩm sò điệp, cồi điệp (phần ăn được sau khi đã tách bỏ vỏ và nội tạng) bắt buộc phải được xử lý nhiệt lại bị dai và không đáp ứng yêu cầu về cảm quan, thị hiếu của người tiêu dùng. Ngoài ra, do kết quả phân tích hàm lượng Cd trong sò điệp nguyên con tại một số vùng thu hoạch nhiều năm qua cũng không đáp ứng quy định của EU, do vậy sò điệp tại các vùng này không được phép thu hoạch để chế biến xuất khẩu vào EU.

Cũng theo Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, thị trường Ả-rập Xê-út đang tạm đình chỉ nhập khẩu thủy sản Việt Nam chỉ vì thông tin về bệnh đốm trắng đối với tôm.  

Xây dựng chuỗi giá trị là yếu tố quyết định

Tổng cục Thủy sản cho rằng, để phát huy kết quả giảm dịch bệnh nhằm tăng kim ngạch xuất khẩu thì phải tập trung xây dựng được các chuỗi giá trị sản phẩm. Đó là, đẩy mạnh liên kết sản xuất, nhân rộng các mô hình, chuỗi sản xuất hiệu quả.

Việc liên kết chuỗi đến nay ở các địa phương đã đạt được nhiều kết quả. Sở NN-PTNT Bạc Liêu cho biết, liên kết sản xuất trong nuôi tôm đã đạt diện tích 1.845ha tăng 40,9% so với cùng kỳ năm trước.

Công ty TNHH Một thành viên Chế biến Thủy hải sản xuất nhập khẩu Thiên Phú ký kết với HTX Đồng Tiến và THT Tiền Phong (xã Định Thành, huyện Đông Hải) nuôi tôm sú quảng canh cải tiến theo tiêu chuẩn GlobalGAP/ASC 412,5ha/237 hộ; ký kết với THT Nuôi trồng thủy sản Long Điền Đông (xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải) tôm – rừng 496ha/95 hộ. Công ty Tôm Miền Nam ký kết với HTX Nuôi tôm Thành Đạt (xã Long Điền, huyện Đông Hải) 42ha/16 hộ; THT Biển Bạc (xã An Phúc, huyện Đông Hải) 371ha/122 hộ; THT Thành Công (xã Phong Thạnh A, thị xã Giá Rai) nuôi tôm sú quảng canh cải tiến theo tiêu chuẩn ASC, diện tích 104ha/64 hộ.

Còn cá tra ở tỉnh Đồng Tháp, Sở NN-PTNT cho biết, có 20 doanh nghiệp nuôi cá tra với diện tích 953ha (chiếm khoảng 60% diện tích nuôi của toàn tỉnh), hộ cá thể 630ha (chiếm 40%).

Các doanh nghiệp ngày càng khép kín quy trình sản xuất từ khâu sản xuất giống, thức ăn đến nuôi thương phẩm và chế biến. Bên cạnh, các hộ nuôi nhỏ lẻ liên kết hình thành HTX, THT, hội quán nhằm cập nhật thông tin thị trường, công nghệ nuôi mới và liên kết với các doanh nghiệp sản xuất thức ăn, chế biến… nhằm giảm chi phí và ổn định hiệu quả sản xuất.

Tuy nhiên, các địa phương cũng thừa nhận, việc xây dựng chuỗi giá trị để khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc đảm bảo an toàn thực phẩm còn xa mới đạt yêu cầu, đây là thách thức rất lớn của ngành thủy sản.

SÁU NGHỆ – HOÀNG VŨ
Nguồn tin: Báo Nông Nghiệp

Tin mới nhất

CN,10/11/2024