2023 được dự báo sẽ là một năm thách thức với ngành tôm Việt

Tại Hội nghị Phát triển ngành tôm năm 2023 diễn ra tại tỉnh Sóc Trăng ngày 3/3, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe cho biết, xuất khẩu tôm năm 2023 sẽ đối mặt với nhiều thách thức.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2022, diện tích nuôi tôm nước lợ của Việt Nam đạt 747.000 ha; sản lượng tôm nuôi các loại đạt 1,08 triệu tấn (tăng 8,5% so với năm 2021). Kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2022 của Việt Nam đạt mức cao nhất từ trước tới nay với 4,3 tỷ USD.

Trong năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt kế hoạch đạt 750.000 ha nuôi tôm, sản lượng tôm đạt trên 1 triệu tấn với hơn 4,3 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu.

Nhằm đạt được kết quả đã đề ra, phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị các địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả thực hiện Luật Thủy sản 2017, đặc biệt là quan tâm triển khai đăng ký đối tượng thủy sản nuôi chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng).

Tập trung ứng dụng khoa học, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng. Tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi tôm tập trung để kịp thời đưa ra khuyến cáo và cảnh báo nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu…

Đối với các doanh nghiệp, người nuôi tôm phải xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn các điều kiện để chủ động sản xuất trong điều kiện khó khăn như hạn hán, xâm nhập mặn, biến động môi trường dẫn đến dễ phát sinh dịch bệnh, cộng với giá vật tư đầu vào tăng cao; nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi để giảm khâu trung gian, giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; áp dụng các hình thức nuôi có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, ASC…

Về phía hiệp hội, Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe dự báo, xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2023.

Theo ông Hòe, năm 2023, tôm Việt sẽ gặp phải sự cạnh tranh mạnh hơn từ Ecuador và Ấn Độ. Đồng thời, giá tôm nhập khẩu trên thị trường thế giới giảm dần từ cuối năm 2022 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm khi nguồn cung toàn cầu tăng lên khoảng 6 triệu tấn. Giá tôm nguyên liệu trong nước lại có xu hướng tăng dẫn đến khả năng huy động nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu rất khó khăn.

Ngoài ra, với tồn kho còn lớn, nhập khẩu tôm của Mỹ chưa thể phục hồi trong nửa đầu năm nay. Nhu cầu vẫn sẽ tập trung nhiều hơn vào tôm size nhỏ, lợi thế nghiêng về Ecuador vì nguồn cung dồi dào hơn và lợi thế về vị trí địa lý.

Xuất khẩu tôm sang châu Âu lại có phần kém tích cực khi nền kinh tế khu vực này tiếp tục khó khăn trong năm 2023.

Trong bối cảnh ngành tôm vẫn còn nhiều khó khăn, ông Hòe cho rằng, vấn đề nguồn nguyên liệu là yếu tố sống còn cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Chính vì vậy, các đơn vị phải xem lại xu hướng thị trường để thay đổi cơ cấu sản phẩm; thiết lập các vùng nuôi riêng để chủ động nguồn tôm và giá cả. Doanh nghiệp cũng cần tìm kiếm và xuất khẩu sản phẩm mang tính chất đặc thù của Việt Nam, như tôm rừng, tôm lúa, tôm quảng canh, sinh thái…

Lê Hồng Nhung

Nguồn Mekongasean.vn

Tin mới nhất

T6,22/11/2024