2 tấn tôm hùm chết nghi do “sốc nước ngọt”

Tại một số vùng nuôi tôm hùm đã diễn ra hiện tượng tôm chết đột ngột nghi do bị “sốc” nước ngọt. Do đó, người nuôi cần quản lý, theo dõi trong suốt quá trình nuôi và có biện pháp xử lý kịp thời.

Hiện tượng “sốc nước ngọt” do đâu?

Theo ghi nhận vào tháng 10/2022 vừa qua, số tôm hùm nuôi của 21 hộ dân ở phường Xuân Thành (thị xã Sông Cầu, Phú Yên) chết nhiều. Nguyên nhân là do mưa lớn kéo dài đã làm cho khả năng trao đổi nước ở tầng mặt và tầng đáy kém, dẫn đến sự phân tầng của nước gây ra hiện tượng thiếu ôxy cục bộ khiến tôm, cá bị chết đột ngột.


Cần khắc phục tình trạng sốc nước ngọt đối với tôm hùm. Ảnh: tongcucthuysan.gov.vn

Tôm hùm bị chết với nhiều trọng lượng khác nhau. Đối với tôm hùm mới chết được thương lái thu mua với giá từ 400.000 – 410.000 đồng/kg, giảm hơn nửa so với bán tôm sống. Tuy nhiên, đối với tôm chết ngợp lâu người dân không bán được, phải đổ bỏ. Chính vì thế thiệt hại cho người tôm nuôi hùm khi tôm chết là rất lớn.

Cách khắc phục tôm bị sốc nước ngọt

Hạ lồng nuôi xuống thấp và cách đáy khoảng 1 – 1,5m để tránh thiếu ôxy cục bộ và ảnh hưởng từ ô nhiễm nền đáy.

Đối với vùng có nguy cơ cao nên di chuyển lồng bè nên nơi an toàn hơn, có điều kiện phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của tôm.

Nếu cần thiết, người nuôi có thể sử dụng biện pháp sục khí tạm thời và hạn chế đưa lồng, bè nuôi lên tầng mặt vì mưa lớn làm nước tầng mặt bị ngọt hóa.

Vào thời điểm này, người nuôi nên xuất bán khi tôm đạt kích cỡ thương phầm và hạn chế thả nuôi mới.

Vệ sinh sát trùng toàn bộ lưới lồng, dụng cụ nuôi bằng thuốc sát trùng, treo túi vôi xung quanh lồng nuôi để tạo điều kiện trao đổi nước trong và ngoài lồng nuôi.

Thường xuyên theo dõi lồng nuôi và kiểm tra sức khỏe tôm nuôi để có những giải pháp xử lý kịp thời.

Trường hợp phát hiện môi trường có biến đổi bất thường hoặc tôm có biểu hiện ngạt cần nhanh chóng thực hiện các biện pháp ganh lồng lên gần mặt nước, áp dụng các biện pháp tạo ôxy (sục khí, viên tạo ôxy) nhằm tăng hàm lượng ôxy hòa tan trong nước.

Không di chuyển lồng bè từ những vùng nuôi có tôm bệnh sang vùng nuôi chưa xuất hiện bệnh nhằm hạn chế sự lây lan.

Biện pháp phòng tránh tôm bị sốc nước ngọt

Đáy lồng cách đáy biển ít nhất 1m vào lúc thủy triều thấp nhất, nên đặt lồng nơi có độ sâu tối thiểu khi triều thấp 4m (đối với lồng găm) hoặc 4 – 8m (đối với lồng nổi), cách xa cửa sông để tránh nước ngọt đổ ra vào mùa mưa.

Khoảng cách giữa các lồng trong cùng 1 bè hoặc cùng cụm lồng tối thiểu 1m, giữa các bè hoặc 1 cụm lồng phải từ 50m trở lên.

Mật độ lồng nuôi từ 30 – 60 lồng/ha. Khi có gió giật mạnh cần gia cố lại hệ thống dây neo, phao, khung lồng và lưới lồng.

Không nuôi tôm với mật độ dày, tránh hiện tượng thiếu ôxy cục bộ tại lồng nuôi cùng như không tăng số lượng lồng.

Cần tăng cường vệ sinh lồng nuôi, thu gom vỏ tôm lột, võ nhuyễn thể làm thức ăn cho tôm và các bao đựng thức ăn phải được xử lý theo đúng quy định nhằm tạo sự thông thoáng cho lồng và vùng nuôi.

Không sử dụng thức ăn bị ươn, thối cho tôm. Thức ăn phải được bảo quản tốt, còn tươi và phải có nguồn gốc từ những vùng không có dịch bệnh, thức ăn cho tôm hùm cần được rửa sạch.

Tùy giai đoạn nuôi mà thức ăn có thể để nguyên hoặc cắt nhỏ, sau đó để ráo nước rồi nhúng vào dung dịch thuốc tím (KmnO4) với 3 – 5mg/ lít nước biển, trộn đều và ngâm khoảng 10 – 20 phút để sát trùng.

Ngoài ra, cần bổ sung vitamin, khoáng chất, vào thức ăn cho tôm để tăng sức đề kháng và hạn chế phát sinh bệnh.
Chi cục Thủy sản cần hướng dẫn người nuôi thực hiện các quy định hiện hành về NTTS, các biện pháp, kỹ thuật nuôi, ứng phó biến đổi môi trường. Tích cực thu mẫu quan trắc, đặc biệt vào thời điểm thời tiết chuyển đổi đột ngột, nắng nóng kéo dài, tại những vùng có nguy cơ cao về các sự cố môi trường để cảnh báo cho người nuôi chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh hiệu quả. Vận động người nuôi vớt thủy sản chết, thức ăn thừa, rác thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản đem vào bờ xử lý để hạn chế việc ô nhiễm môi trường vùng nuôi.

Nhất Linh

Tép Bạc

Tin mới nhất

T5,21/11/2024