Xuất khẩu thủy sản 2021: Số 1 vẫn là tôm

[Người Nuôi Tôm] – Năm 2021, mặc dù gặp nhiều điều kiện khó khăn, tuy nhiên, ngành tôm vẫn đạt được rất nhiều kết quả tích cực. Trong đó, diện tích tôm nước lợ thả nuôi ước đạt 740 nghìn ha; sản lượng tôm ước đạt 931 nghìn tấn, bằng 105,5% so với năm 2020. Về kim ngạch xuất khẩu, ước đạt 3,8 tỷ USD, tăng 2,7% so với năm 2020

Xuất khẩu tôm năm 2021 cán đích gần 3,9 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2020 – Ảnh: Diệu Lữ

 

Tăng trưởng về sản lượng

Theo báo cáo của Tổng Cục Thủy sản, năm 2021 tổng diện tích nuôi tôm nước lợ ước đạt 737.000 ha, không tăng so với năm 2020. Tuy nhiên, xét về sản lượng, năm 2021 cả nước đạt 931 nghìn tấn, tăng 5,5% so với cùng kỳ 2020 (883 nghìn tấn). Trong đó, sản lượng tôm sú đạt 265 nghìn tấn và tôm thẻ chân trắng đạt 666 nghìn tấn.

Sóc Trăng là tỉnh dẫn đầu cả nước về sản lượng tôm nước lợ năm 2021, với tổng sản lượng ước đạt trên 180.000 tấn, tiếp đến là Cà Mau (trên 175.000 tấn) và Bạc Liêu (trên 135.000 tấn). Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu các tỉnh khu vực miền Bắc về sản lượng nuôi tôm với tổng sản lượng năm 2021 ước đạt gần 15.000 tấn.

Ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Nhìn chung, mùa vụ nuôi tôm năm 2021 tỉnh Sóc Trăng đã cơ bản thành công về kế  hoạch diện tích, sản lượng và tỷ lệ thiệt hại chỉ xảy ra ở mức khoảng 6%, đây là  một tín hiệu khả quan và đã phát huy hiệu quả tốt công tác chỉ đạo sản xuất và  phòng chống dịch bệnh”.

 

Xuất khẩu vẫn là “điểm sáng”

Mặc dù gặp nhiều điều kiện khó khăn, tuy nhiên năm 2021, ngành tôm vẫn đạt được rất nhiều kết quả tích cực. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,8 tỷ USD, tăng 2,7% so với năm 2020.

Theo lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, nhu cầu nhập khẩu tôm của thế giới năm 2021 tăng trở lại, đặc biệt ở các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong khi đó, nguồn cung tôm từ một số quốc gia như Ấn Độ và một số nhà cung cấp khác giảm do chịu tác động xấu từ đại dịch Covid-19, đã tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu tôm của Việt Nam do có lợi thế từ các FTA, EVFTA, cùng với sự ổn định trong nuôi tôm thương phẩm và chế biến thủy sản.

Đặc biệt, từ tháng 11/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP chuyển chiến lược phòng chống dịch Covid-19 từ “Zero Covid-19” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Theo đó, xuất khẩu tôm đã bật tăng mạnh mẽ.

Đại diện VASEP, ông Nguyễn Hoài Nam nhận định, năm 2021 ngành thuỷ sản xuất khẩu đã trải qua những cung bậc thăng trầm vì dịch Covid-19. “Nửa đầu năm, xuất khẩu thuỷ sản khá thuận lợi nhờ thị trường hồi phục, sản xuất trong nước ổn định. Thế nhưng đến quý 3, sản xuất và xuất khẩu thuỷ sản gần như rơi vào bế tắc vì giãn cách xã hội và quy định sản xuất ‘3 tại chỗ’ để phòng chống dịch Covid-19. May mắn là từ đầu tháng 10, Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ với quyết sách chống dịch thích ứng, linh hoạt, đã mang đến luồng sinh khí mới cho ngành thủy sản”, ông Nam cho biết.

Theo nhận định từ đại diện VASEP, hiện nay tôm thẻ chân trắng và tôm sú xuất khẩu của Việt Nam có nhiều nước cạnh tranh nhất là tại những thị trường lớn như: Mỹ, Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh… Nhưng tôm Việt Nam có vị trí số 1 nhờ chất lượng ổn định, từ tôm nguyên liệu đông lạnh đến chế biến giá trị gia tăng có sản phẩm rất đa dạng phù hợp với mọi phân khúc thị trường cho các thị trường nhập khẩu.

Từ khi mở cửa trở lại, các doanh nghiệp thủy sản đã hồi phục mạnh mẽ để đạt được kết quả xuất khẩu ngoạn mục. 1 USD xuất khẩu đạt được trong bối cảnh này giá trị gấp nhiều lần so với ở thời điểm bình thường trước khi dịch Covid-19 xảy ra.

 

Thích ứng linh hoạt với tình hình xã hội

Đại dịch Covid-19 đã khiến cho nhiều doanh nghiệp Việt “điêu đứng” và để vượt qua được thì yếu tố quan trọng nhất đối với doanh nghiệp chính là sự thích ứng. Giữa lúc “bóng đen” Covid-19 hoành hành khiến nhiều ngành nghề “hụt hơi”, thì doanh nghiệp tôm Việt Nam đang tranh thủ “chớp thời cơ”.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá: Thị trường thuận lợi, giá tôm có xu hướng tăng cao là yếu tố quan trọng giúp ngành tôm Việt Nam nhanh chóng lấy lại cân bằng, nhất là các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm đã tận dụng tốt cơ hội nhanh chóng phục hồi sau đợt giãn cách xã hội kéo dài.

Nhận định của ông Ông Lê Bá Anh, phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, diễn biến covid-19 phức tạp ở giai đọan trọng điểm quý 3-4, tuy nhiên ngành thủy sản nước ta đã có sự vực dậy nhanh chóng. Từ việc đóng cửa tạm dừng hoạt động trên 200 doanh nghiệp thủy sản, các doanh nghiệp còn lại chỉ duy trì chỉ hoạt động ở mức 30-40% công suất. Tuy nhiên, nhìn vào những con số tăng trưởng, có thể thấy khả năng thích ứng linh hoạt của các doanh nghiệp, mang đến sự phục hồi ngoạn mục cho ngành thủy sản.

Trong những ngày giữa tháng 7 và tháng 8, việc xuất hiện nhiều ca nhiễm, ổ dịch mới tại các tỉnh ĐBSCL, trong đó, có không ít ca nhiễm, ổ dịch tại các nhà máy chế thủy sản, đã gây áp lực không nhỏ cho các nhà máy chế biến tôm trong việc đảm bảo an toàn và ổn định sản xuất. Song, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, người người nuôi tôm cũng như các doanh nghiệp thủy sản đã nhanh chóng thích ứng, ổn định sản xuất. Sản xuất trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp ở thủy sản đã chủ động áp dụng  mô hình “3 tại chỗ”. Tuy gặp nhiều khó khăn khi bước đầu áp dụng mô hình này, nhưng đây là cách duy nhất giúp doanh nghiệp tiếp tục sản xuất, kịp giao những đơn hàng cuối năm.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Sao Ta cũng cho biết, khi giãn cách xã hội, doanh nghiệp chỉ có thể duy trì 40% công suất, lực lượng công nhân từ giữa tháng 7 đến giữa tháng 8. Sau đó, tỉnh Sóc Trăng nới lỏng giãn cách xã hội, Sao Ta tăng dần công suất nhà máy, đạt 80% công suất vào ngày 16/9 và thời gian này, nhà máy hoạt động 100% để có sản phẩm trả đơn hàng cho các đối tác.

“Dù lượng tôm nuôi ở ĐBSCL giảm mạnh nhưng nhờ có tôm dự trữ và hơn 200ha tôm nuôi của công ty chưa thu hoạch nên chúng tôi vẫn tự tin hoàn thành chỉ tiêu doanh số xuất khẩu năm 2021 đã đề ra”, ông nói.

Phạm Huệ

 

“Tác động của dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng sản xuất và xuất khẩu bị đứt gãy. Tuy nhiên, ngành tôm Việt Nam đã thoát hiểm ngoạn mục và đạt được các chỉ tiêu kế hoạch đề ra về tăng trưởng và xuất khẩu”, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhận định.

Tin mới nhất

T7,27/04/2024