Xâm nhập con đường tận diệt nhuyễn thể

Xâm nhập con đường tận diệt nhuyễn thể

Con đường tận diệt

Giữa cái nắng như đổ lửa một ngày cuối năm, chúng tôi về vùng biển La Gi và nghe người dân nơi đây kể như than về nạn cào nhám (một nhuyễn thể nhỏ như con chằn chằn). Bà Ng.T.P – một người trong số họ nói: Ghe cào có nhiều loại từ nhỏ đến lớn, kéo theo sau những khung cào hình trụ có chiều dài từ 1,2 – 1,4m. Khi khung cào được thả xuống, các răng cào cắm sâu xuống đáy biển từ 3 – 4 phân, cứ như thế ghe chạy đến đâu khung cào chạy tới đó, cuốn theo và quét sạch tất cả những gì dưới đáy biển, từ sò, ốc hương, nhám… vào túi lưới, thử hỏi còn gì nữa. Con nào còn sót lại cũng chết.

Trước bức xúc của người dân, chúng tôi vào cảng La Gi trong vai là một người đi mua thức ăn cho tôm. Nơi đây tàu thuyền ra vào tấp nập, nhiều chiếc đầy ắp khoang những sản vật của biển. Phần lớn sản vật là nhuyễn thể hai mảnh vỏ đủ loại từ nhỏ đến lớn lẫn lộn. Trên cảng, đầu nậu chờ sẵn, chỉ cần ghe cập bến là có “đội quân” bốc vác từ ghe lên cho “đội quân” khác ngồi sàng phân loại nhuyễn thể đóng bao. Sở dĩ có sự liên kết chặt chẽ giữa chủ ghe và đầu nậu, trước đó hai bên đã thống nhất giá cả và địa điểm. Nhìn đống nhuyễn thể, nhiều vô số con sò lông, sò lá, sò quạt, ốc hương… quá nhỏ chưa đủ lớn nằm mở miệng như khóc van xin người cho về biển cả, lẫn trong những con nhám bất động. Tất cả chúng sẽ được đưa đến nhiều cơ sở nuôi tôm ngoài tỉnh.

Xâm nhập con đường tận diệt nhuyễn thể

Khi nghe chúng tôi có nhu cầu tìm mối mua thức ăn cho tôm, bà M – một đầu nậu nói, tôi đang bỏ mối ở Cam Ranh. Ở Phú Yên, chủ yếu là sò lông, bữa nay gió quá nên không có nhiều, có khoảng mấy chục bao. Mấy bữa trước cả ngàn bao/ngày. Bà M xin số điện thoại của chúng tôi, bàn chuyện phương tiện vận chuyển và giá cả. Bà M nói: “Ghe của tôi thì nhiều lắm, có bữa đi về đóng 1.500 bao hoặc hơn, cũng có khi 300 – 500 tùy theo tôi không bán mắc, chỉ cần lấy tiền liền thôi, làm ăn đàng hoàng”.

Trong lúc bà M đang điện thoại cho đối tác, chúng tôi dạo một vòng điểm “làm ăn” của bà M. Nhiều người làm thuê cho bà M với đủ giọng nói Bắc – Nam mãi lo sàng phân loại nhuyễn thể. Một trong số họ nói, mấy hôm trước tôi làm cho bà chủ nhiều lắm, hôm nay ít, 1 bao loại nào ra loại đó bán giá 30.000 đồng… Trong khi, một ngư dân khác nói, ở đây có nhiều cơ sở làm nghề thu mua nhuyễn thể, người ta bỏ mối hết rồi, không chỉ ở Cam Ranh, Nha Trang, Sông Cầu (Phú Yên) mà còn sang cả Trung Quốc.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhuyễn thể sau khi được đóng bao, bà M cung cấp cho hơn 50 mối hàng ở ngoài tỉnh. Bà vẫn đang tiếp tục tìm các mối khác. Bà M nói, hiện nay đã có người đến đặt vấn đề mua số lượng lớn lên đến cả tỷ đồng, nhưng chưa muốn bán vì hai bên chưa nhất trí khâu vận chuyển.

Cũng từ Cảng La Gi chúng tôi đã lần tìm ra được nhiều cơ sở chuyên thu mua nhuyễn thể và hải sản khác, số lượng nhuyễn thể cung cấp cho các cơ sở nuôi tôm nhiều hơn gấp nhiều lần cơ sở của bà M. Như cơ sở T.Đ sử dụng máy móc để phân tách từng loại sau khi các nhuyễn thể được đưa lên bờ. Chủ cơ sở T.Đ từ chối khi chúng tôi hỏi mua hàng nói với lý do: “Tôi bỏ mối hết rồi. Ở đây không có ai bán, người ta để dành bỏ mối…”.

Chưa có biện pháp xử lý hiệu quả

Rời cơ sở T.Đ ồn ào bởi tiếng máy phân tách, ghe thuyền ra vào, người lao động đông đúc, chúng tôi gặp anh B – người chuyên bốc vác nhuyễn thể cho các cơ sở thu mua hải sản ở La Gi đang ngồi nghỉ gần đó. Anh chia sẻ: Tôi là người bốc vác, ai thuê đâu thì làm đó, tôi không làm người khác cũng làm, còn việc khai thác nhuyễn thể vô tội vạ là cơ chế giữa đầu nậu và chủ ghe. Nói chung cào con nhám thì không có gì để nói, nhưng đâu chỉ có nhám mà cả sò lông, sò lá nhỏ xíu như thế này thì rất tiếc… Nhiều khi thấy đau lòng, tôi nghĩ cứ tình trạng này, trong thời gian tới hải sản ở vùng biển La Gi sẽ bị cạn kiệt, chúng tôi sẽ thất nghiệp… tương lai con cái của chúng ta chẳng còn gì để ăn. Ông P. Ng – một người đang làm trong ngành hải sản ở La Gi cũng ngao ngán nói, ngày xưa đi bắt sò chủ yếu là lặn chọn những con to bắt, ngày nay cào sạch thế này, còn gì tài nguyên. Tôi cũng đã ra tận Viện Hải dương học để hỏi về con nhám này, họ bảo: Con này là nguồn thức ăn dồi dào cho các loài sinh vật biển – góp phần mang lại nguồn lợi kinh tế biển.

Xâm nhập con đường tận diệt nhuyễn thể

Trao đổi vấn đề này với ông Tân Nhất Trí – Phó trưởng Trạm quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản La Gi, hiện có hơn 20 ghe cào sò, ngoài ra còn của các nơi khác đến. Thời gian qua chúng tôi đã bắt và xử lý nhiều ghe, nhưng vẫn không xuể vì lực lượng mỏng không thể kiểm soát hết, đặc biệt vào mùa bấc. Vì lợi nhuận, nhiều người đã bất chấp pháp luật để đi cào, cứ bắt phạt tiền hôm nay, hôm sau họ đi cào nhiều hơn để bù lại tiền phạt.

Ông Huỳnh Quang Huy – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận cho biết, con nhám không nằm trong diện quản lý, cho nên người thu mua không bị xử lý. Chỉ xử lý thiết bị sử dụng (cào) của ghe thuyền vì nó chưa được Nhà nước cho phép. Thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp với các địa phương tuyên truyền đến ngư dân và đã xử lý nhiều ghe, tịch thu toàn bộ thiết bị, phạt 6 triệu đồng.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện có nhiều ghe địa phương và ngoài tỉnh hoạt động hết công suất ở vùng biển La Gi. Người dân cho rằng có thể các tỉnh, thành khác đã “mạnh tay” với nạn cào nhám nên họ mới tập trung về đây. Người dân cũng đề nghị nên có biện pháp mạnh với đối tượng thu mua, vì hình thức cào nhám thuộc dạng cào tổng hợp…

Lê Ninh
Nguồn: Báo Bình Thuận