Vĩnh Phúc đầu tư nuôi tôm càng xanh sau thành công của mô hình nuôi cá rô phi công nghệ Israel

Tiếp nối thành công từ mô hình “Nuôi siêu thâm canh cá rô phi bằng công nghệ Biofloc của Israel”, Công ty Hoàng Hải triển khai ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN), xây dựng mô hình “Ương giống và nuôi thương phẩm tôm càng xanh toàn đực tại tỉnh Vĩnh Phúc”.

Chuẩn bị ao nuôi tôm càng xanh tại thôn Ba Gò, xã Trung Mỹ (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc)

Đây được cho là hướng đi mới của ngành thủy sản Vĩnh Phúc, khơi mào cho sự liên kết giữa nuôi trồng thủy sản và du lịch.

Câu tôm càng xanh kết hợp với những trải nghiệm thú vị từ tôm càng xanh, hứa hẹn sẽ tạo ra các sản phẩm du lịch nông nghiệp độc đáo, nâng cao giá trị ngành nông nghiệp của tỉnh trong giai đoạn mới.

Sau thời gian dài ấp ủ, áp dụng thành thục các kỹ thuật ương giống, đầu tháng 5/2023, những mẻ tôm giống toàn đực đầu tiên do Công ty Hoàng Hải (tại thôn Ba Gò, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) thực hiện đã ra lò.

Tôm giống càng xanh toàn đực ở giai đoạn PL15 (Post-Larvae 15) có chiều dài 1,0 – 1,5cm, sau 25 – 30 ngày ương, đạt kích cỡ 2 – 3cm, đáp ứng đủ tiêu chuẩn để thực hiện tiếp theo mô hình nuôi thương phẩm tôm càng xanh toàn đực.

Chỉ trong vòng 1 tháng, hơn 5 vạn tôm giống đã được thả xuống ao nuôi an toàn. Không khỏi bất ngờ, bởi tôm càng xanh vốn là đối tượng nuôi phổ biến tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nay lại được ương nuôi ngay tại khu vực trung du của Vĩnh Phúc.

Theo PGS.TS Thái Thanh Bình, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế, Kỹ thuật và Thủy sản, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT): Tôm càng xanh có sức chống chịu tốt, nhiệt độ thích hợp từ 26-30 độ C, pH từ 7-8,7…, được đánh giá là đối tượng nuôi còn nhiều tiềm năng phát triển, rất phù hợp với điều kiện tự nhiên tại các vùng trung du miền núi phía Bắc như Vĩnh Phúc.

Với giá trị thương phẩm cao, đầu ra ổn định, dễ dàng liên kết với các mô hình du lịch phát triển thành các tuor du lịch trải nghiệm, tôm càng xanh được đánh giá có những lợi thế lớn khi nhân rộng tại các tỉnh có chủ trương kết hợp giữa nông nghiệp và du lịch.

Đặc biệt, tôm càng xanh đực và cái có sự khác biệt lớn về tốc độ sinh trưởng, kích cỡ khi thu hoạch, sức chống chịu với sự thay đổi môi trường của tôm đực tốt hơn tôm cái, bởi vậy, chọn nuôi tôm càng xanh toàn đực giúp tăng năng suất, tận dụng tối đa nguồn thức ăn.

Nếu nuôi lẫn lộn, khi đến giai đoạn tôm cái ôm trứng, theo tập tính, 2 càng của tôm đực sẽ phát triển dài ra ôm con và bảo vệ con. Khi đó, cả tôm đực và tôm cái đều chậm lớn và ảnh hưởng đến chất lượng thịt tôm và hiệu quả nuôi trồng.

Tôm càng xanh có kích cỡ lớn, giá trị thương phẩm cao, được người tiêu dùng ưa chuộng

Ông Hoàng Hồng Hải, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và thương mại Hoàng Hải cho biết: Dự án “Ương giống và nuôi thương phẩm tôm càng xanh toàn đực” thuộc chương trình Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN thúc đẩy phát triển KT – XH nông thôn miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 – 2025 dưới sự hỗ trợ công nghệ từ Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, Bộ NN&PTNT.

Với đam mê làm nông nghiệp sạch, tạo ra các sản phẩm chất lượng tốt, giá trị cao, những năm qua, Công ty Hoàng Hải đã thực hiện thành công một số mô hình chuyển giao công nghệ trong nuôi trồng thủy sản, giúp nông dân trên địa bàn thành phố Phúc Yên nói riêng và trong tỉnh nói chung tiếp cận với kỹ thuật nuôi trồng thủy sản mới, với đầy đủ cơ sở khoa học, mở ra hướng phát triển, khai thác tốt tiềm năng về khí hậu, nguồn nước và du lịch của Vĩnh Phúc.

Theo quy trình nuôi, sau 6 tháng tôm có thể đạt trọng lượng trung bình ≥ 40 gam/con, giá bán dao động từ 160.000 – 180.000 đồng/kg, có thời điểm cao điểm lên tới 220.000 đồng/kg. Với diện tích ao nuôi khoảng 1 ha, năng suất tôm thu được dao động từ 2,2-2,5 tấn. Đây được đánh giá là đối tượng nuôi có nhiều tiềm năng trong phát triển kinh tế, tiết kiệm đất đai do áp dụng KHKT có thể nâng cao năng suất chất lượng.

Thời gian tới, Công ty Hoàng Hải sẽ áp dụng triệt để các tiến bộ KHCN và thông tin trong sản xuất; tổ chức nhiều buổi tập huấn cho bà con nông dân.

Dự kiến, đến cuối năm 2023, mô hình sẽ được nghiệm thu, sẽ có kết quả đánh giá chính xác nhất về khả năng sinh trưởng của tôm càng xanh trên đất Vĩnh Phúc. Từ đó, tạo cơ sở thực tiễn quan trọng để nhân rộng mô hình, mở ra hướng phát triển kinh tế cho người dân các vùng trung du của tỉnh Vĩnh Phúc.

Chu Kiều

Báo Vĩnh Phúc

Tin mới nhất

T2,29/04/2024