Ưu tiên lưu thông con giống – tránh tình trạng thiếu hụt nguồn nguyên liệu cuối năm

[Người Nuôi Tôm] – Đó là một trong những ý kiến được đề xuất tại Hội nghị trực tuyến Thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19, do Phó Thủ tướng Lê Văn Thanh chỉ đạo, tổ chức sáng ngày 13/9.

Cần ưu tiên vận chuyển con giống đến được với bà con nuôi tôm – Ảnh: Tuan Nguyen

 

Giãn cách xã hội khiến cho việc cung ứng con giống, thức ăn, hóa chất, vi sinh và các dịch vụ bảo hành, sửa chữa thiết bị nuôi tôm cũng đứt gãy, đẩy người nuôi tôm vào tình cảnh khốn đốn. Dự báo nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất những tháng cuối năm thiếu hụt 20-30% do giảm khai thác, thả giống, nhập khẩu; vật tư phục vụ chế biến thu hẹp, giảm công suất nguồn cung đến 50%.

Hiện nay, nông dân đang vào vụ thả tôm theo lịch thời vụ do ngành chức năng khuyến cáo. Tuy nhiên, một số nơi tôm nuôi của vụ trước đến kỳ thu hoạch không tiêu thụ được, tôm thương phẩm liên tục rớt giá, người nuôi tôm có nguy cơ thua lỗ. Một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tôm giống, thức ăn chăn nuôi và người dân đã phải “kêu cứu” vì việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn, …. “Có địa phương cứng nhắc đến mức người ta chở con giống về thả, để tái đàn mà cũng không cho vào”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thanh phát biểu tại Hội nghị.

Điều này nếu không giải quyết triệt để sẽ dẫn đến việc tái sản xuất vụ sau bị ảnh hưởng, và có khả năng sẽ không duy trì được sản xuất, không đảm bảo được nguồn cung nông – thủy sản phục vụ tiêu dùng trong thời gian tới.

Cũng trong phiên Hội nghị, Bộ NN&PTNT nhận định, nhìn chung, sản xuất nông nghiệp 8 tháng đầu năm 2021 cơ bản chủ động được nhu cầu lương thực, thực phẩm hiện tại của người dân các địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ, nhất là trong khâu lưu thông, vận chuyển sản phẩm nông sản và vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp để chuẩn bị cho vụ sản xuất tiếp theo, đảm bảo cung ứng đủ cho tiêu dùng trong nước những tháng cuối năm 2021, đầu năm 2022 và một phần cho xuất khẩu trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu tôm của thế giới đang tăng trở lại, đặc biệt ở những thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU. Thị trường Hoa Kỳ và EU đã nới lỏng giãn cách, mở cửa trở lại và vaccine được tiêm diện rộng. Nhu cầu nhập khẩu tôm từ các thị trường này rất cao từ nay đến tháng 11 để phục vụ Noel và đón năm mới, nhất là nhu cầu nhập khẩu tôm cỡ lớn. Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, đơn hàng được ký rất nhiều, chỉ lo sản xuất không đủ để đáp ứng. Như vậy, cơ hội cho Việt Nam tăng thị phần xuất khẩu tôm trong những tháng cuối năm 2021 là rất lớn. Tuy nhiên để tận dụng được cơ hội này, cần kịp thời tháo gỡ khó để ngành tôm khôi phục chế biến và xuất khẩu.

Xuất khẩu tôm từ tháng 7/2021 tăng chậm lại khi tình hình sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm và tiêu thụ trong nước gặp nhiều khó khăn, các nhà máy chế biến tôm phải giảm hoạt động, thu mua tôm bị đình trệ. Theo các doanh nghiệp chế biến tôm tại Cà Mau, Sóc Trăng và Bạc Liêu, ba địa phương dẫn đầu về sản lượng và sản xuất tôm của cả nước, hiện nay, các nhà máy phải giảm công suất chế biến 60-70%, thiếu hụt công nhân, chi phí tăng cao. Chi phí cho sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” rất cao vì doanh nghiệp phải thuê nhà trọ, khách sạn, thậm chí thuê cả đội xe vận chuyển công nhân… Vận chuyển nguyên vật liệu đầu vào cho nuôi tôm gặp nhiều ách tắc khi đi qua các chốt trạm. Doanh nghiệp giảm thu mua tôm nguyên liệu do giảm công suất chế biến đã tác động tới giá tôm. Người nuôi lo lắng giảm thả nuôi dẫn đến nguy cơ thiếu tôm nguyên liệu trong quý cuối năm nay.

Nhằm tạo điều kiện duy trì sản xuất nông nghiệp không thể chậm trễ, gián đoạn và gãy chuỗi cung ứng trong thời gian tới, các địa phương cần có hành động cụ thể, khẩn trương ngay từ lúc này. Quan tâm giải quyết bằng cách tạo “luồng xanh” để vận chuyển con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y thủy sản… để người dân yên tâm đầu tư tái sản xuất.

HẠ NHIÊN

 

 

Tin mới nhất

T3,30/04/2024