Tồn dư kháng sinh: “Kìm chân” con tôm Việt

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản là vấn đề không mới nhưng chưa bao giờ hết nóng. Tồn dư kháng sinh trong tôm xuất khẩu đã được cảnh báo qua nhiều vụ việc trước đây. Tuy nhiên đến nay, tôm Việt Nam vẫn chưa thể vượt qua rào cản kháng sinh tại một số thị trường.

Tồn dư kháng sinh có xu hướng tăng

Theo báo cáo của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT), kết quả giám sát dư lượng hóa chất kháng sinh trong nuôi tôm cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2023 phát hiện 5/546 số mẫu phân tích (chiếm 0,9%) vi phạm dư lượng hóa chất, kháng sinh. Chỉ tiêu vi phạm là các loại kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản như: Enrofloxain, Ciprofloxacin, Ofloxacin, Ivermectin, Leucomalachite green.

So với các năm trước tình trạng tồn dư hóa chất, kháng sinh có xu hướng giảm. Tuy nhiên, đến năm 2023 tồn dư kháng sinh lại có xu hướng tăng lên rõ ràng khi chỉ trong 8 tháng đầu năm 2023 tỷ lệ dư lượng hóa chất, kháng sinh đã xấp xỉ bằng năm 2022 (Hình 1).

Chỉ tiêu vi phạm: Enrofloxain, Ciprofloxacin, Ofloxacin, Ivermectin, Leucomalachite green 

Hình 1: Biểu đồ giám sát dư lượng hóa chất, kháng sinh trong nuôi tôm

Ngoài ra, kết quả từ một cuộc khảo sát trên tổng số 360 trại nuôi tôm các trang trại được chọn từ 7 tỉnh, bao gồm Hải Phòng, Nam Định và Vĩnh Phúc ở phía Bắc; Đắk Lắk và Bình Định ở miền Trung; Đồng Nai và Đồng Tháp ở phía Nam. Các nhóm kháng sinh phổ biến nhất là Phenicol (11%), tiếp theo là Tetracycline (10%) và Sulfonamide (7%). Trang trại nuôi tôm, có sáu loại kháng sinh (10 loại kháng sinh khác nhau) được sử dụng. Kháng sinh phổ biến nhất các lớp là Tetracycline (21%).

Kết quả khảo sát cho thấy hai mục đích chính của kháng sinh là điều trị vật nuôi bị bệnh và phòng chống dịch bệnh. Sử dụng kháng sinh trong xử lý chiếm 83% ở trang trại nuôi tôm. Điều kỳ lạ đối với việc tham khảo ý kiến của các chuyên gia trước khi sử dụng kháng sinh trong các trang trại nuôi tôm thâm canh là cao hơn 3,4 lần (95%CI 2,2–5,4) so với trang trại quảng canh trong khi tỷ lệ sử dụng là 4,2 lần (95%CI 2,6–6,9) so sánh nuôi tôm thâm canh với nuôi quảng canh.

Kháng sinh “kìm chân” con tôm Việt

Hàng năm, kim ngạch xuất khẩu tôm chiếm từ 40-45% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành thủy sản. Tuy nhiên, ngành tôm hiện nay đang giảm sức cạnh tranh so với các quốc gia khác do giá thành sản xuất cao, không chỉ vậy mỗi năm Việt Nam còn mất đến 10.000 tỷ đồng để kiểm soát kháng sinh từ vùng nuôi đến nhà máy chế biến. Ngoài ra, còn phải chịu thêm rất nhiều chi phí kiểm soát kháng sinh ở các nước nhập khẩu, chi phí này sẽ được trừ vào giá bán khiến cơ hội bán hàng giảm đáng kể vì thời gian thông quan bị buộc kéo dài thêm để chờ lấy mẫu và kết quả kiểm tra kháng sinh khiến khả năng cạnh tranh của tôm Việt bị giảm sút. Chính những chi phí này khiến ngành tôm Việt Nam đang bị giảm cạnh tranh so với Ấn Độ, Ecuador tại thị trường chính là Hoa Kỳ và EU. S

ố liệu xuất khẩu tôm trong Quý III/2023 ước đạt 780 triệu USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Gần đây nhất, qua kiểm tra chất lượng, ATTP thủy sản nuôi trong 8 tháng đầu năm 2023, phát hiện số lô hàng tôm xuất khẩu bị cảnh báo tăng 92% so với cùng kỳ năm 2022.

8 tháng đầu năm 2023 có 25 lô hàng tôm bị cảnh báo trong đó 20 lô bị cảnh báo chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh; 04 lô cảnh báo chỉ tiêu bệnh thủy sản; 01 lô chỉ tiêu vi sinh. Trên thị trường cảnh báo nhiều như: Nhật Bản (12 lô); EU (7 lô); Úc (4 lô); Hàn Quốc (02 lô) (Hình 2).

Hình 2: Biểu đồ lô tôm bị cảnh báo theo chỉ tiêu và theo thị trường

Thương lái ép giá vì tồn dư kháng sinh

Không những giá tôm nguyên liệu liên tiếp giảm mạnh, hạn chế về mặt kỹ thuật cũng như kiểm soát hóa chất, kháng sinh bán tràn lan trên thị trường khiến nhiều hộ nuôi ngán ngẩm. “Lâu lâu thì mấy chú kỹ thuật tới lui, chỉ xem rồi nhắc nhở thuốc men chứ đâu có coi kỹ lưỡng ao nuôi của mình đâu! Hễ họ vào thì sẽ phát sinh thêm đủ thứ chi phí”, ông Nguyễn Hoàng Hiện (ấp Thuận Lợi A, xã Tân Thuận, huyện Ðầm Dơi, tỉnh Cà Mau) lắc đầu.

Trong quá trình nuôi, một số kỹ thuật viên của công ty, đại lý còn lạm dụng kháng sinh doxycycline, amoxicillin, cefotaxim… ồ ạt xuống đầm tôm. Ðến khi thu hoạch tôm nhiễm dư lượng kháng sinh cao, sản phẩm không thể bán cho các công ty thuỷ sản lớn, thậm chí các thương lái nhỏ cũng không tiêu thụ hoặc ép giá xuống khoảng 20-30%.

Thắt chặt giám sát, kiểm dịch kháng sinh

Nhằm đưa ra phương án xử lý, ngày 9/9/2023, tại Cần Thơ đã diễn ra Hội nghị bàn giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản trong bối cảnh mới. Tại đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thẳng thắn chỉ ra, chế phẩm sinh học được xem là tác nhân kiểm soát dịch bệnh lại được bán tràn lan trên thị trường. Thậm chí có những trường hợp tiếp tay bán sản phẩm không chất lượng, khiến tôm chết, năng suất thấp. Thứ trưởng đặt ra câu hỏi: “Công tác rà soát, kiểm tra, hậu kiểm có làm chặt không?”.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, phải cùng nhau ngăn chặn các yếu tố, cảnh báo mới giảm sử dụng kháng sinh. Kháng sinh phải kiểm soát chặt chẽ từ khâu bán tới khâu sử dụng. Đồng thời hướng dẫn, tập huấn cho người dân và truyền thông rộng rãi để người dân hiểu và thực hiện đúng.

Vừa qua, đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, công nghệ để tìm hướng xử lý dịch bệnh trên tôm nhưng lại chưa mang lại hiệu quả. Sắp tới, Bộ NN&PTNT sẽ xét duyệt chặt chẽ, đi sâu vào các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ để các công trình nghiên cứu đi vào thực tiễn, mang lại những giải pháp tối ưu, hiệu quả cho người nuôi và doanh nghiệp.

Những tháng cuối năm, Cục Thú y đề nghị các địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh công tác giám sát dịch bệnh chủ động. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc lưu thông, mua bán, sử dụng chế phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản; sử dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật. Tăng cường tuyên truyền và nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; tiến hành nghiên cứu và nhân rộng các mô hình nuôi trồng thuỷ sản công nghệ cao đảm bảo an toàn thực phẩm. Tăng cường lấy mẫu kiểm soát các loại thuỷ sản để kiểm tra các nhóm chất cấm trong nuôi trồng thuỷ sản đặc biệt là những khu vực có quy mô nuôi trồng phát triển. Các đơn vị nuôi trồng cần chủ động kiểm soát dư lượng các chất cấm trong các khu vực nuôi trồng, từ nguyên liệu, môi trường cho tới sản phẩm đầu ra.

Đã đến lúc việc sử dụng kháng sinh cần được nhìn nhận nghiêm túc, trách nhiệm và hành động vì sự phát triển của chính bản thân người chăn nuôi trong ngành thủy sản nói chung và ngành tôm nói riêng.

 Ngọc Anh

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký đã Quyết định số 1121/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chiến lược đề ra 4 mục tiêu cụ thể: 1- Nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền địa phương và hiểu biết của nhân viên y tế, thú y và người dân về phòng, chống kháng thuốc; 2- Củng cố hệ thống giám sát kháng thuốc để cảnh báo kịp thời về sự xuất hiện, lan truyền, mức độ và xu hướng kháng thuốc của các vi sinh vật; 3- Giảm sự lan truyền của vi sinh vật và bệnh truyền nhiễm; 4- Sử dụng thuốc kháng vi sinh vật ở người và động vật hợp lý, an toàn và có trách nhiệm.

Chiến lược phấn đấu đến năm 2045 kiểm soát cơ bản tình trạng kháng thuốc, có hệ thống giám sát kháng thuốc, sử dụng, tiêu thụ kháng sinh hoạt động hiệu quả tương đương với các nước phát triển.

 

Tin mới nhất

T2,29/04/2024