Thuỷ sản Việt những tháng cuối năm – Vẫn còn nhiều chông gai, thử thách

Mặc dù thị trường xuất khẩu thuỷ sản đã có những dấu hiệu phục hồi nhẹ từ đầu tháng 7, tuy nhiên cũng không thể nói trước được điều gì. Từ nay đến cuối năm vẫn là cả một chặng đường với nhiều thách thức cần khắc phục và vượt qua.

Ngày 28/ 08, tại Hội nghị toàn thể hội viên Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam (VASEP) tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp,  đơn vị và mắt xích quan trọng trong ngành thuỷ sản, hầu hết đều nhận định sự tăng trưởng của xuất khẩu thuỷ sản Việt trong những tháng cuối năm 2019 là chưa chắc chắn.

Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu thuỷ sản đã giảm gần 2% so với cùng kỳ năm 2018, sang tháng 7 thì ghi nhận những tín hiệu phục hồi nhẹ đưa tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản 7 tháng đầu năm 2019 đạt 4.7 tỷ USD, tương đương với cùng kỳ năm ngoái.

Về thị trường xuất khẩu, thị trường Trung Quốc có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ, chỉ trong tháng 7 đã tăng trưởng vượt bậc 51%; thị trường Mỹ và Nhật Bản tăng trưởng khá trong khi xuất khẩu sang EU và Hàn Quốc tiếp tục giảm mạnh. Đáng lưu ý, giá trị xuất khẩu 2 sản phẩm chủ lực là tôm và cá tra đều giảm, xuất khẩu tôm giảm sâu đến 8% so với cùng kỳ năm 2018 là một thách thức lớn đối với sự tăng trưởng của toàn ngành.

Theo ông Ngô Văn Ích – Chủ tịch VASEP, chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam mặc dù lớn mạnh và phát triển liên tục nhưng vẫn chưa thoát khỏi một quốc gia cung cấp nguyên liệu đơn thuần. Minh chứng rõ nhất cho nhận định này đó là tôm và các chiếm đến 60% tổng giá trị xuất khẩu thuỷ sản, nhưng chỉ mới 25% sản phẩm tôm xuất khẩu và 10% sản phẩm cá tra xuất khẩu có giá trị gia tăng.

Một thách thức nổi bật và cũng là vấn đề luôn được đề cập nhiều, tuy nhiên hướng giải cần lâu dài và khó mà thấy ngay hiệu quả, đó là việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm thuỷ sản chủ lực. Hiện nay, thuỷ sản Việt vẫn đang vận hành đơn thuần, đã có tư duy manh nha về việc xây dựng thương hiệu, nhưng vẫn còn yếu ớt, khó kiểm soát và khó đồng bộ, vẫn còn lệ thuộc nhiều vào diễn biến thị trường và chịu sức ép cạnh tranh lớn.

Một thách thức lớn trong nội lực thủy sản Việt Nam là chưa chủ động được nguồn nguyên liệu. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP phân tích, Việt Nam là nước có thế mạnh về nuôi trồng và khai thác thủy sản nhưng hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Trong năm 2018, Việt Nam đã nhập khẩu 1,7 tỷ USD nguyên liệu thủy sản.

Việc phải nhập một số lượng lớn nguồn nguyên liệu thuỷ sản và thức ăn chăn nuôi thuỷ sản khiến giá thành thuỷ sản Việt Nam tăng cao, giảm lợi nhuận biên, giảm hiệu quả sản xuất.

Trong bối cảnh đó, ông Trương Đình Hòe cho biết, VASEP sẽ tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn thông qua việc vận động chính sách liên quan đến quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm trong chuỗi giá trị thủy sản; hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các rào cản thương mại như thuế chống bán phá giá, khắc phục thẻ vàng IUU…

Song song đó, VASEP cũng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh cho thủy sản Việt Nam với mục tiêu giữ vững các thị trường chính là Mỹ, EU, Trung Đông và Trung Quốc, từng bước xây dựng, củng cố thương hiệu cho các phẩm thủy sản chủ lực như tôm, cá tra, cá ngừ.

Về lâu dài, hiệp hội phối hợp với các bộ ngành nâng cao chất lượng dự báo, phân tích thị trường để doanh nghiệp có chiến lược sản xuất, chế biến và xuất khẩu hiệu quả hơn.

Tin mới nhất

T5,25/04/2024