Thức ăn thủy sản 2024: Hướng tới tự động hóa và sử dụng nguyên liệu thô mới

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Xu hướng thức ăn thủy sản năm 2024 sẽ tập trung nhiều vào tính bền vững, tiêu thụ năng lượng và thay đổi hướng tới các nguồn năng lượng xanh. Quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh cần nhiều thời gian và sẽ được chú trọng trong những năm tiếp theo.

Xu hướng thức ăn thủy sản năm 2024 sẽ tập trung nhiều vào tính bền vững, thay đổi hướng tới các nguồn năng lượng xanh

Hướng tới tự động hóa

Trong bối cảnh hiện tại, tăng cường tự động hóa là một trong những trọng tâm chính của các nhà máy thức ăn thủy sản. Ông Rob Strathman, Chủ tịch Công ty Famsun-USA cho biết, sự kết hợp giữa áp lực kinh tế và sự tập trung ngày càng tăng vào tính bền vững đã thúc đẩy các nhà máy thức ăn chăn nuôi tích cực theo đuổi hiệu quả hoạt động trên tất cả các khía cạnh sản xuất. Họ đang tìm kiếm thiết bị tiên tiến và công nghệ tự động hóa giúp hợp lý hóa hoạt động, đồng thời mang lại nhiều lợi ích trong việc giảm chất thải trong hoạt động sản xuất thức ăn thủy sản.

Còn ông Javier Solano, Giám đốc kinh doanh khu vực của LATAM tại KSE Process Technology cho biết, sự phát triển đáng kể về sự đa dạng và số lượng các thành phần cần thiết cho sản xuất thức ăn thủy sản cũng như chất lượng thức ăn thủy sản ngày một nâng cao. Điều này đòi hỏi một cách tiếp cận hiệu quả và chính xác hơn để xử lý các thành phần vi mô. Các công ty đã bắt đầu tìm kiếm các giải pháp tự động hóa nhà máy.

Tình trạng thiếu lao động thủ công tại các nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản trên toàn thế giới đã khiến việc định lượng theo phương pháp thủ công ngày càng trở nên khó khăn. Việc nâng cao mức độ tự động hóa là giải pháp tối ưu để giải quyết vấn đề nguồn lao động.

Tăng tính hiệu quả

Tăng hiệu quả cũng là điều vô cùng quan trọng và đôi khi không cần đầu tư quá nhiều. Nhiều dây chuyền sản xuất không hoạt động tối ưu do mắc phải một số lỗi như rò rỉ đường khí nén, hệ thống hơi nước không thu hồi được hơi nước ngưng tụ, động cơ không chạy bằng VFD…

Ông Sønderskov, Giám đốc kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thủy sản tại Process Integration nhận thấy xu hướng này ở các nhà máy sản xuất thức ăn cho tôm. Nếu ngành sản xuất thức ăn cho cá hồi tập trung vào tự động hóa và dây chuyền công suất cao hiệu quả thì ngành thức ăn cho tôm vẫn đang trong giai đoạn học hỏi và có thể hiệu quả hơn về năng lượng, thời gian hoạt động và OEE (tổng thể – hiệu quả thiết bị), cuối cùng là tối ưu hóa chi phí vận

hành và lợi nhuận của việc sản xuất thức ăn thủy sản.

“Việc nâng quy trình sản xuất lên có thể nâng cao hiệu quả đáng kể. Điều này bao gồm giảm yêu cầu bảo trì, tối ưu hóa sử dụng nguyên liệu thô, giảm lao động thủ công và cải thiện chất lượng sản phẩm. Đồng thời, giảm lây nhiễm chéo và tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc thành phần. Hơn nữa, các nhà máy nên xem xét tới việc giảm mức tiêu thụ năng lượng hoặc thực hiện các biện pháp sử dụng năng lượng thông minh hơn”, ông Solano nhận định.

Sử dụng năng lượng tối ưu

Năng lượng là một trong những vấn đề chính của năm 2022 và năm 2023. Ông Chao Luan, người đứng đầu phân khúc thị trường thủy sản, Công ty TNHH Bühler (Thường Châu) cho biết: “Quy trình sản xuất thức ăn thủy sản phức tạp hơn động vật trên cạn nên năng lượng luôn là chủ đề quan trọng. Bühler có các dịch vụ khác nhau và liên tục phát triển các giải pháp mới cho phép khách hàng giảm mức tiêu thụ năng lượng và giảm đáng kể lượng khí thải CO 2 cho đến khi đạt được nhà máy thủy sản trung tính CO2”.

Các giải pháp kỹ thuật số có thể mang lại giá trị kinh tế to lớn cho các nhà sản xuất thức ăn thủy sản bằng cách nâng cao hiệu quả sản xuất và tiết kiệm chi phí năng lượng. Tại Trung Quốc, một số người nuôi thủy sản đã tiết kiệm được ~20% năng lượng nhờ sử dụng các giải pháp kỹ thuật số của Công ty Bühler.

“Trước những thách thức do áp lực lạm phát đặt ra, việc tập trung vào hiệu quả năng lượng vẫn là xu hướng phổ biến. Điều đáng chú ý là hoạt động sấy khô trong sản xuất thức ăn thủy sản là hoạt động tiêu tốn nhiều năng lượng nhất. Đáp ứng vấn đề đó, Famsun đã giới thiệu một hệ thống điều khiển máy sấy tiên tiến được thiết kế để điều chỉnh lượng khí thải cho phù hợp với tải bay hơi của máy sấy. Cách tiếp cận này cho phép máy sấy hoạt động hiệu quả ở các tốc độ sản xuất khác nhau trong khi vẫn duy trì hiệu quả sử dụng năng lượng tối ưu”, ông Strathman cho hay.

Sử dụng đa dạng nguyên liệu thô

Các thành phần mới đang được đưa vào sản xuất thức ăn chăn nuôi để thay thế nguồn nguyên liệu thô truyền thống khan hiếm và điều đó có tác động đến quá trình sản xuất, bao gồm cả hiệu quả của quá trình ép đùn và sấy khô.

Ông Sønderskov cho biết: “Bối cảnh hiện tại cũng làm tăng nhu cầu nâng cấp liên quan đến xử lý nguyên liệu thô mới và đưa vào các bước quy trình khác nhau như một cơ hội để sử dụng tốt hơn nhà máy thức ăn chăn nuôi và từ đó giảm chi phí thức ăn nhờ kỹ thuật thông minh. Một số thành phần mới có khả năng giữ lại một số đặc tính chức năng nhất định, đặc biệt là khả năng liên kết, khiến chúng trở thành nguồn nguyên liệu tiềm năng để ép đùn và nâng cao chất lượng viên”.

Ngoài ra, yêu cầu về công nghệ cho phép truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thô, thông số sản xuất và dữ liệu kiểm soát chất lượng cũng tăng lên. Điều quan trọng nữa là phải đảm bảo tuân thủ an toàn thức ăn chăn nuôi, thủy sản với các tiêu chuẩn và quy định của ngành, thúc đẩy niềm tin của người tiêu dùng và thị trường.

Sử dụng đa dạng nguyên liệu thô cũng làm tăng độ phức tạp trong việc bảo quản và định lượng nguyên liệu. Điều này làm tăng nhu cầu về thiết bị mang lại tính linh hoạt vượt trội trong công thức cho các nhà máy thức ăn thủy sản. Một số nguyên liệu thô cũng có thể đặt ra những thách thức về khả năng lưu chuyển, đây là một lĩnh vực cần có kinh nghiệm dày dặn.

Theo ông Mitchell, Tập đoàn Thức ăn thủy sản Wenger, nhu cầu toàn cầu về tôm và cá hồi ước tính tăng khoảng 5% mỗi năm trong thập kỷ tới. Điều này có nghĩa là sản lượng thức ăn chìm sẽ cao hơn. Sản xuất thức ăn chìm giàu dinh dưỡng, đặc biệt là ở kích thước vi mô có thể là một thách thức. Ngoài ra, thách thức cũng nằm ở những thay đổi về thành phần và công thức.

“Để kết hợp nhiều thành phần có nguồn gốc thực vật hơn trong công thức thức ăn cho tôm, việc sử dụng viên nén có độ ẩm cao và sự kết hợp giữa máy sấy và máy làm mát trong máy nghiền viên cho phép tạo viên thức ăn cho tôm bền vững và tiết kiệm năng lượng, nhất quán và chất lượng cao đồng thời tiết kiệm chi phí hơi nước và nguyên liệu thô”, ông Chang cho hay.

Điều gì sẽ xảy ra vào năm 2024?

Năm 2024, xu hướng tập trung nhiều vào tính bền vững, tiêu thụ năng lượng và thay đổi hướng tới các nguồn năng lượng xanh. Quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh này cần nhiều thời gian. Theo ông Sønderskov, ngành thức ăn chăn thủy sản đang đi đúng hướng và chắc chắn sẽ phát triển khi chi phí sản xuất được giảm xuống.

Triển vọng thức ăn thủy sản sẽ tích cực cho năm 2024, với hy vọng giải quyết được vấn đề nguồn cung nguyên liệu đầu vào. Điều quan trọng là có thể sản xuất quy mô lớn, với mức dinh dưỡng phù hợp và chất lượng ổn định, mang lại lợi nhuận.

Ngọc Anh (Theo Aquafeed)

Tin mới nhất

T3,30/04/2024