Thả nuôi tôm công nghệ, nông dân Phù Mỹ bỏ ‘một vốn’ thu hơn ‘bốn lời’

Sự kết hợp hài hòa giữa thiên thời, địa lợi và nhân hòa đã tạo ra một môi trường phát triển thuận lợi cho nghề nuôi tôm tại HTX Thủy sản Mỹ Thành (xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ, Bình Định). Nuôi tôm theo hướng công nghệ cao không chỉ là cơ hội lớn cho người dân địa phương mà còn là động lực để HTX nâng cao chất lượng sản phẩm và góp phần bảo vệ môi trường.

Vụ 1 nuôi tôm nước lợ năm 2024 – vụ chính trong năm, đang khởi động, các thành viên HTX Thủy sản Mỹ Thành đang tất bật cải tạo ao nuôi, triển khai các biện pháp theo khuyến cáo của ngành chức năng để hạn chế rủi ro, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho tôm nuôi, với mong muốn một vụ nuôi tôm mới thành công.

Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa

HTX Thủy sản Mỹ Thành được thành lập vào tháng 7/2020, hoạt động trên lĩnh vực nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng an toàn sinh học, cung cấp các dịch vụ nuôi trồng thủy sản. Ðây là HTX nuôi tôm đầu tiên trong tỉnh Bình Định được thành lập, với hy vọng sẽ mở ra được hướng phát triển bền vững cho nghề này. Trải qua nhiều khó khăn thách thức từ thời tiết khắc nghiệt đến biến động thị trường, người nuôi tôm ở xã Mỹ Thành nói riêng, huyện Phù Mỹ nói chung đang bước vào một mùa vụ mới với nhiều hy vọng và cơ hội đột phá mới.

Người nuôi tôm ở xã Mỹ Thành nói riêng, huyện Phù Mỹ nói chung đang bước vào một mùa vụ mới với nhiều hy vọng và cơ hội đột phá mới.

Theo đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp, các điều kiện tự nhiên như độ pH, nhiệt độ và độ mặn của nước biển tại xã Mỹ Thành thích hợp cho sự phát triển của các loại tôm, từ tôm thẻ chân trắng đến tôm sú.

Toàn xã Mỹ Thành hiện có gần 130 ha diện tích nuôi trồng thủy sản. Nghề nuôi tôm gắn bó từ lâu với người dân địa phương, song vẫn nuôi theo kiểu tự phát, chưa ai để ý áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất an toàn. Sau nhiều lần thảo luận, phân tích, 7 hộ nuôi tôm trong xã thống nhất thành lập HTX Thủy sản Mỹ Thành hoạt động trên lĩnh vực nuôi tôm, với mong muốn mở hướng đi mới cho nghề nuôi tôm ở địa phương.

“Từ năm 2004 trở về trước, ở đây chủ yếu nuôi tôm sú bằng ao đất, mỗi năm thả nuôi 2 – 3 vụ, nhưng về kỹ thuật thì sơ sài lắm, ao tôm chưa đầu tư bài bản, hiệu quả mang lại không cao. Từ năm 2005 đến nay, bà con chuyển qua nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng bằng ao trải bạt, sử dụng thức ăn công nghiệp, chế phẩm vi sinh. Xét về hiệu quả kinh tế thì có khá hơn trước, nhưng mạnh ai nấy làm, tiêu thụ bấp bênh, dịch bệnh phát sinh rất khó xử lý. Bởi vậy, 7 hộ chúng tôi đã bàn bạc, thống nhất thành lập HTX để huy động sức mạnh tập thể làm nghề”, ông Trương Văn Dũng, thành viên HTX kể.

Để giúp HTX hoạt động ổn định sau khi thành lập, UBND huyện Phù Mỹ đã chỉ đạo các ngành liên quan của huyện, UBND xã Mỹ Thành tạo điều kiện thuận lợi giúp HTX Thủy sản Mỹ Thành hoàn tất các thủ tục để sớm hoạt động có hiệu quả trên các lĩnh vực theo phương án sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, huyện khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp liên kết với HTX hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, góp phần phát triển bền vững nghề nuôi tôm.

“Sự phát triển của ngành nuôi tôm tại huyện Phù Mỹ nói chung và HTX Thủy sản Mỹ Thành nói riêng không chỉ là kết quả của thiên thời và địa lợi, mà còn nhờ vào sự nỗ lực và tinh thần hợp tác của các nhà nông, doanh nghiệp và cơ quan chức năng. Qua việc hợp tác trong việc chia sẻ kinh nghiệm, áp dụng công nghệ mới và thúc đẩy tiêu chuẩn sản xuất, ngành nuôi tôm tại địa phương đã từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm và củng cố vị thế trên thị trường”, lãnh đạo UBND huyện đánh giá. Năm 2023, HTX thu về hơn 7 tỷ lợi nhuận.

Thành công từ áp dụng công nghệ

Đến nay, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và kinh nghiệm tích lũy qua nhiều vụ mùa trước, các hộ nuôi tôm ở Phù Mỹ nói chung, thành viên HTX Mỹ Thành nói riêng đã chủ động áp dụng các công nghệ mới, từ quản lý nuôi tôm đến xử lý nước, nhằm tối ưu hóa hiệu suất sản xuất và giảm thiểu rủi ro.

Nhờ giảm thiểu chi phí, tôm nuôi đạt năng suất cao, HTX Thủy sản Mỹ Thành thu về hơn 7 tỷ lợi nhuận trong năm 2023.

“Để vụ nuôi tôm đầu năm đạt thắng lợi, ngành chức năng huyện Phù Mỹ khuyến cáo người nuôi không thả tôm trước lịch thời vụ vì giai đoạn này thời tiết còn rét, khí hậu chưa thực sự ổn định, hơn nữa mùn bã hữu cơ của những vụ nuôi năm trước chưa phân giải được, dẫn đến tôm nuôi chậm lớn, dễ phát sinh dịch bệnh. Bên cạnh đó, không nên thả tôm muộn sau tháng 3 vì giai đoạn này sẽ gặp thời tiết nắng nóng gây bất lợi cho tôm nuôi”, một cán bộ ngành nông nghiệp cho biết.

Cụ thể, việc cải tạo ao nuôi là yếu tố quan trọng đầu tiên trong quy trình nuôi tôm nước lợ, nếu người nuôi cải tạo ao tốt, kết hợp các biện pháp xử lý nguồn nước đầu vào, chọn con giống tại các cơ sở có chứng nhận sẽ hạn chế mầm bệnh tồn lưu trong vụ nuôi trước, giúp giảm rủi ro trong quá trình nuôi.

Bên cạnh đó, nguồn nước ao nuôi không xả ra môi trường mà được xử lý để tái sử dụng theo một chu kỳ khép kín tuần hoàn, mọi yếu tố môi trường đều được kiểm soát tốt. Từ đó, cho phép nuôi dài ngày với mật độ cao, hạn chế dịch bệnh, tiết kiệm được nguồn nước, giảm chi phí sản xuất và tạo ra sản phẩm an toàn. Ngoài ra, tôm được nuôi bằng chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường giúp hấp thụ dinh dưỡng triệt để, tăng cường sức đề kháng.

Việc áp dụng các phương pháp nuôi tôm thông minh, như sử dụng hệ thống tuần hoàn nước và quản lý chất lượng nước hiện đại, đã giúp người nuôi tôm tại địa phương giảm chi phí, từ đó tăng cường sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường quốc tế.

Giảm chi phí, bảo vệ môi trường

Hệ thống tuần hoàn nước là công nghệ tiên tiến được áp dụng trong các mô hình nuôi tôm tại HTX. Theo đó, thay vì dùng nước mới liên tục, hệ thống này tái sử dụng và xử lý nước, giúp tiết kiệm nước và nguồn lực mà vẫn đảm bảo môi trường sống cho tôm. HTX cũng tích hợp các thiết bị và công nghệ xử lý nước tiên tiến, từ hệ thống lọc đa cấp đến việc sử dụng vi sinh vật có lợi, giúp kiểm soát được mức độ ô nhiễm và tạo ra môi trường sống thuận lợi cho tôm phát triển.

Để tăng cường sức đề kháng và tăng trưởng của tôm, một số hộ nuôi tôm đã áp dụng thêm các công nghệ sinh học vào quá trình nuôi. Việc sử dụng vi sinh vật có lợi và vi khuẩn probiotic không chỉ giúp cải thiện hệ miễn dịch mà còn giảm thiểu việc sử dụng thuốc kháng sinh trong quá trình nuôi tôm. Sự tiến bộ trong công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo đã mở ra khả năng giám sát và quản lý mô hình nuôi tôm từ xa. Hệ thống giám sát tự động cung cấp thông tin về nhiệt độ, độ mặn và chất lượng nước trực tuyến, giúp người nuôi phát hiện và xử lý vấn đề kịp thời.

“Nuôi bình thường không thể bán cho Công ty C.P. được. Họ khó tính và không bao giờ chấp nhận trong tôm có kháng sinh hoặc nhiễm hóa chất”, anh Đặng Minh Toan, thành viên HTX chia sẻ.

Đặc biệt, không chỉ dừng lại ở việc cải thiện kỹ thuật sản xuất, HTX cũng đang chú trọng đến việc xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp xuất khẩu, nhằm tạo ra chuỗi cung ứng ổn định và đảm bảo giá trị cho sản phẩm của mình trên thị trường quốc tế.

Ngoài ra, việc tập trung vào bảo vệ môi trường và phát triển bền vững cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của HTX trong mùa vụ mới này.

“Trong năm 2024, HTX quyết tâm đầu tư thêm nhiều công nghệ hiện đại để đảm bảo chất lượng trong quá trình nuôi tôm cũng như mở rộng mô hình, tạo công ăn việc làm ổn định cho bà con địa phương. Xuất khẩu tôm đến nhiều thị trường mới cũng là một mục tiêu mà thành viên HTX Mỹ Thành hướng tới trong năm nay”, ông Thực, thành viên HTX Mỹ Thành cho biết.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp huyện Phù Mỹ, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và sự biến động của thị trường, HTX Thủy sản Mỹ Thành đang thể hiện sự sáng tạo và quyết tâm vượt qua mọi thử thách, từ đó mở ra những triển vọng mới trong mùa vụ mới này và định hình lại ngành công nghiệp nuôi tôm của địa phương trong tương lai, phát triển kinh tế bền vững, ổn định.

Lê Hồng

Nguồn: vietnambiz.vn

Tin mới nhất

T7,27/04/2024