Tăng cạnh tranh cho ngành tôm Việt Nam

[Người nuôi tôm] – Thị trường tiêu thụ tôm toàn cầu năm 2019 được các doanh nghiệp đánh giá có nhiều triển vọng phát triển. Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường quốc tế, con tôm Việt sẽ gặp nhiều khó khăn. Để tăng năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm Việt Nam xác định chiến lược sản xuất và truyền thông tích cực, mở đường đi cho con tôm Việt trong năm 2019.

XU HƯỚNG TIÊU THỤ CAO

Sau những khảo sát thị trường tiêu thụ tôm toàn cầu, nhiều chuyên gia ngành tôm nhận định, thị trường Mỹ mặc  dù vẫn còn tồn kho nhưng người tiêu dùng có xu hướng tăng sản phẩm tôm trong bữa ăn. Thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc cũng tăng tiêu chuẩn nhập khẩu nhưng chú trọng sản phẩm chế biến sâu; đồng thời, sản lượng tôm nguyên liệu toàn cầu cũng có xu hướng tăng do nhiều quốc gia tăng diện tích sản xuất.

Cùng với nhu cầu tiêu thụ, thị trường này có những tiêu chuẩn buộc các nhà nhập khẩu tôm phải tuân thủ như: chứng nhận SIMP (tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt), truy xuất nguồn gốc, thuế chống bán phá giá… Điều này gây trở ngại cho con tôm của các quốc gia muốn vào thị trường Mỹ; trong đó có Việt Nam.

Tăng cạnh tranh cho ngành tôm Việt Nam

Song song với thị trường Mỹ, thị trường khó tính châu Âu cũng có những tiêu chuẩn chặt chẽ. Đó là khu vực Tây Âu và Bắc Âu luôn đòi hỏi con tôm từ vùng nuôi có chứng nhận ASC (Hội đồng Quản lý nuôi trồng thủy sản), 2 khu vực còn lại là Đông Âu và Nam Âu “dễ thở” hơn khi không đòi hỏi chứng nhận này trên con tôm, nhưng người tiêu dùng toàn châu Âu vẫn chú trọng vấn đề truy xuất nguồn gốc trên con tôm nói riêng và các mặt hàng thủy sản nói chung.

Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, xu hướng tiêu thụ tôm trong năm 2019 vẫn còn tăng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tôm Việt Nam thực hiện mục tiêu xuất khẩu 4,2 tỷ USD. Theo đó, các doanh nghiệp cần tập trung nâng cao chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế; đồng thời, cần có chiến lược truyền thông, tạo tâm lý tiêu dùng hướng đến sản phẩm tôm có chứng nhận ASC để đẩy mạnh xuất khẩu vào châu Âu.

Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm cũng sẽ tận dụng lợi thế từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTAs), phấn đấu đạt kim ngạch 1 tỷ USD tại thị trường châu Âu. Còn lại các thị trường còn lại như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đạt kim ngạch cộng dồn là 3 tỷ USD. Dự kiến, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 500 triệu USD tôm sang Hàn Quốc trong năm 2019, tăng 29,5% so với năm 2018.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng nhấn mạnh, với những sức ép hiện tại lên con tôm, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam phải chịu nhiều áp lực lớn về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm; giá tôm giảm do sản lượng tăng và thuế chống bán phá giá. Các doanh nghiệp cũng xác định chỉ có đầu tư mạnh vào các mặt hàng giá trị gia tăng mới không bị áp thuế chống bán phá giá.

Cùng với các thị trường khó tính trên thế giới, các doanh nghiệp cũng định vị Trung Quốc là thị trường lớn của tôm Việt Nam. Ngày nay, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính. Các doanh nghiệp muốn xuất khẩu vào Trung Quốc cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng do thị trường này đưa ra. Sự đa dạng về nhu cầu, quy cách chế biến, vận chuyển thuận lợi cũng như những ưu đãi về thuế quan là động lực để các doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc trong năm 2019.

ĐY MẠNH CHẾ BIẾN SÂU

Với dự báo sản lượng tôm thế giới bắt đầu tăng do Ấn Độ, Ecuador tăng diện tích sản xuất tôm để cung ứng ra thị trường thế giới. Con tôm Việt đã chịu thêm sự cạnh tranh về tôm nguyên liệu, cũng như giá xuất khẩu với tôm đến từ các quốc gia này. Bởi vậy, chế biến sâu là giải pháp được các doanh nghiệp ngành tôm chú trọng trong năm 2019, để có thể tăng năng lực cạnh tranh cho con tôm Việt.

Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Ủy ban Tôm, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, ngành công nghiệp chế biến tôm Việt Nam đã được hình thành từ nhiều năm nay với nhiều kinh nghiệm và lợi thế. Hiện, Việt Nam có gần 100 nhà máy chế biến tôm với công suất trung bình khoảng 500.000 – 700.000 tấn/năm, hệ thống nhà máy này có thể mở rộng quy mô gấp đôi trong thời gian ngắn. Ngành công nghiệp chế biến này đã khiến nhiều khách hàng thế giới chuyển sang lựa chọn mặt hàng tôm giá trị gia tăng cao của Việt Nam.

Có thể nói, Nhật Bản là một trong những thị trường khó tính có mức tiêu thụ cao nhất tôm chế biến của Việt Nam. Theo thống kê của Hải Quan Việt Nam, trong năm 2018, Việt Nam xuất khẩu tôm chế biến sang Nhật Bản đạt gần 640 triệu USD.

Từ khảo sát thị trường Nhật Bản của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm cho thấy, khi số người độc thân tại Nhật Bản gia tăng, tỷ lệ nội trợ giảm, do ngành kinh doanh thực phẩm ăn sẵn của Nhật Bản phát triển, các sản phẩm tôm chế biến sẵn với tính tiện dụng cao sẽ tăng trưởng tốt tại thị trường Nhật Bản thời gian tới. Dự kiến, trong năm 2019, sản phẩm tôm chế biến sâu lưu thông vào Nhật Bản sẽ tăng trưởng hơn 10% so với năm 2018.

Tuy nhiên, một trong những yếu tố gây khó khăn cho doanh nghiệp trong chế biến sâu các sản phẩm tôm đó là đầu tư công nghệ. Theo ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Cà Mau) chia sẻ, chế biến sâu cần một lượng nhân công rất lớn. Tuy nhiên, giá thành sản phẩm chế biến sâu lại trở thành yếu tố cạnh tranh mạnh khi ra thị trường thế giới.

Vì vậy, để giảm thiểu lao động thủ công, ngoài việc đầu tư công nghệ, rô bốt, máy tự động vào sản xuất, các doanh nghiệp thực hiện kế hoạch chế biến sâu các sản phẩm tôm, còn phải đầu tư thêm các thiết bị di động, bộ cảm biến trong sản xuất con tôm nguyên liệu chất lượng, phục vụ cho chế biến sâu. Có như vậy mới đưa được sản phẩm tôm Việt len lỏi vào tất cả các thị trường trong năm 2019.

H.N

Tin mới nhất

T7,09/11/2024