R.E.P Biotech: Cung cấp giải pháp sử dụng kháng sinh có kiểm soát trong chăn nuôi, NTTS

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Kết quả xét nghiệm MIC – Giải pháp sử dụng kháng sinh có kiểm soát có thể giúp đánh giá hiệu quả, chọn lựa kháng sinh sử dụng hợp lý và tối ưu hóa liều dùng kháng sinh để đạt hiệu quả cao. Góp phần hạn chế sự gia tăng và lan truyền của chủng vi khuẩn kháng thuốc, đồng thời giảm chi phí do việc điều trị không hiệu quả.

 

Đó là nội dung chính trong phiên hội thảo với chủ đề “Tầm soát dịch bệnh trong chăn nuôi” do Công ty Cổ phần sinh học R.E.P (R.E.P Biotech) tổ chức ngày 4/8, trong khuôn khổ triển lãm ILDEX Vietnam 2022 diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, từ 3-5/8/2022.

Với chủ đề hấp dẫn, hội thảo do Công ty R.E.P Biotech tổ chức thu hút đông đảo đại biểu tham dự (Ảnh: Phạm Huệ)

 

Lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, NTTS – Lợi bất cập hại

Theo khảo sát của Cục Thú y (2019) với 208 trang trại chăn nuôi gia cầm tại Tiền Giang, lượng kháng sinh sử dụng trong chăn nuôi tại Việt Nam tăng 6 lần so với một số nước châu Âu. Trong đó, 84% kháng sinh được sử dụng để phòng bệnh. Ở mỗi chu kỳ chăn nuôi, 72% số trang trại sử dụng ít nhất một loại kháng sinh để phòng bệnh, trị bệnh hoặc kích thích tăng trưởng.

Theo báo cáo của Ths. Phạm Thái Bình, giảng viên bộ môn Xét nghiệm, Đại học Y Dược TP. HCM; Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu – Phân tích – Xét nghiệm – Tầm soát R.E.P tại hội thảo, kết quả khảo sát tại 55 trại chăn nuôi tại hai tỉnh Đồng Nai và Bình Dương cho thấy, 13 loại kháng sinh được sử dụng nhiều nhất lần lượt từ cao xuống thấp là: Tylosin, amoxillin, gentamycin, enrofloxacin, penicillin, lincomycin, tiamulin, colistin, streptomycin, norfloxacin, tetracylin, ampicyllin và florphenicol.

Ths. Phạm Thái Bình, giảng viên bộ môn Xét nghiệm, Đại học Y Dược TP. HCM; Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu – Phân tích – Xét nghiệm – Tầm soát R.E.P (Ảnh: Phạm Huệ)

 

Việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đang trở thành vấn đề nhức nhối hơn bao giờ hết. Lượng tồn dư kháng sinh trong thực phẩm không chỉ ảnh hưởng tới vật nuôi mà còn nguy hại tới sức khỏe con người khi tiêu thụ thực phẩm, đồng thời góp phần tạo nên cuộc “khủng hoảng kháng sinh” hiện nay. Hậu quả của việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản có thể phá vỡ cân bằng tự nhiên của hệ vi sinh vật đường ruột, gây rối loạn quá trình tiêu hóa. Mối nguy chính của lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản chính là sự đề kháng kháng sinh của vi khuẩn. Bất cứ kháng sinh nào dùng để chữa bệnh cho người và động vật, nếu còn tồn dư một lượng dù nhỏ nhất cũng có thể gây kháng thuốc của E. coli. Khi E. coli đã kháng thuốc thì nó có thể truyền plasmid kháng thuốc của nó cho các loại vi khuẩn gây bệnh khác sống trong đường ruột.

 

MIC – Giải pháp sử dụng kháng sinh có kiểm soát

Vấn đề hạn chế sử dụng kháng sinh được đánh giá thông qua giá trị MIC (Minimum Inhibitory Concentration) là nồng độ tối thiểu của kháng sinh ức chế được vi khuẩn để tối ưu hóa liều dùng, đáp ứng các nhu cầu xét nghiệm.

Theo Ths. Phạm Thái Bình, xét nghiệm kháng sinh đồ định tính chỉ đánh giá định tính vi khuẩn kháng hoặc nhạy với kháng sinh, kết quả mang lại không phù hợp với thực tế. Trong khi đó, kết quả xét nghiệm MIC có thể giúp đánh giá hiệu quả của kháng sinh, chọn lựa kháng sinh sử dụng hợp lý và tối ưu hóa liều dùng kháng sinh để đạt hiệu quả cao. Từ đó, không chỉ góp phần hạn chế sự gia tăng và lan truyền của chủng vi khuẩn kháng thuốc, mà còn giảm chi phí do việc điều trị không hiệu quả.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Ngô Quốc Cường, CEO Công ty R.E.P Biotech cho hay, ngành chăn nuôi là một ngành khoa học nên tất cả dữ liệu cần phải được định lượng hóa. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay chúng ta mới chỉ dừng lại ở mức độ làm theo cảm tính. Chính vì vậy, Trung tâm Nghiên cứu – Phân tích – Xét nghiệm – Tầm soát R.E.P sẽ có thể giúp các trang trại, nhà chăn nuôi nhận định cụ thể hóa mọi vấn đề.

“Một vấn đề mà R.E.P Biotech luôn trăn trở đó là so với những quốc gia trong khu vực, năng suất chăn nuôi của chúng ta chưa cao. Trong khi đó về nguồn gen, thức ăn chăn nuôi, trang thiết bị chúng ta không thua kém các nước bạn. Như vậy, vấn đề mà chúng ta đang đối mặt đó chính là an toàn sinh học. Đối với R.E.P Biotech, chúng tôi nhận thấy rằng, muốn hạn chế kháng sinh thì cần phải kiểm soát kháng sinh, từ đó giúp nâng cao năng suất sản xuất”, ông Ngô Quốc Cường cho hay.

Ông Ngô Quốc Cường, CEO Công ty CP CNSH R.E.P (Ảnh: Phạm Huệ)

 

Với Giải pháp tầm soát trong chăn nuôi – MIC, tất cả dữ liệu sẽ được số hóa và lưu trữ trên “cloud”, mỗi khách hàng sẽ được cung cấp một mã Code để theo dõi. Những dữ liệu đó phục vụ cho việc tầm soát dịch bệnh và đưa ra giải pháp cho trang trại. Từ đó, ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản Việt Nam sẽ dần tiến đến câu chuyện hạn chế, sử dụng một cách có kiểm soát kháng sinh.

 

Multiplex Realtime PCR: Cuộc cách mạng trong nghiên cứu và ứng dụng y sinh học

Cũng tại phiên hội thảo, TS. BS Phạm Hùng Vân, Chủ tịch Hội Vi sinh lâm sàng TP. HCM; Chủ tịch Hội sinh học Phân tử Y Khoa Việt Nam đã có bài chia sẻ với chủ đề “Ứng dụng Multiplex Realtime PCR & Giải trình tự gen vào tầm soát dịch bệnh cho trang trại”.

Theo TS. BS Phạm Hùng Vân, PCR (Polymerase Chain Reaction) là kỹ thuật khuếch đại của một đoạn DNA dựa vào các chu trình nhiệt. Đây được xem là một cuộc cách mạng trong nghiên cứu và ứng dụng y sinh học. Cơ sở của Multiplex Realtime PCR là kết hợp nhiều cặp mồi và probe có các màu huỳnh quang khác nhau để phát hiện nhiều chỉ tiêu cùng một lúc. Thiết kế Multiplex Realtime PCR dễ hơn Multiplex PCR nhờ các nồng độ mồi và probe trong realtime PCR thấp hơn so với PCR.

“Multiplex Realtime PCR là một công cụ hữu hiệu trong việc tầm soát dịch bệnh ở trang trại khi có thể khuếch đại nhiều trình tự DNA chỉ trong một phản ứng PCR nên rút ngắn được thời gian xét nghiệm, tiết kiệm chi phí trong chăn nuôi hiện đại”, TS. BS Phạm Hùng Vân nhấn mạnh.

Cũng trong bài chia sẻ, theo TS. BS Phạm Hùng Vân, không chỉ Multiplex Realtime PCR, Sequencing cũng rất cần thiết kế trong kiểm nghiệm. “Phương pháp giải trình tự gen giúp truy xuất nguồn gốc của virus, vi khuẩn. Góp phần hiệu quả trong tầm soát dịch bệnh ở trang trại”, TS. BS Phạm Hùng Vân cho biết thêm.

Bên cạnh đó, xuyên suốt 3 ngày diễn ra triển lãm ILDEX Vietnam 2022, R.E.P Biotech đã có gian hàng tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn – SECC, Quận 7. Sự kiện đã diễn ra thành công tốt đẹp và tạo cơ hội để đội ngũ R.E.P Biotech gặp gỡ, trao đổi với các khách hàng và đối tác tiềm năng.

 

Một vài hình ảnh của Công ty R.E.P Biotech tại ILDEX Vietnam 2022:

BS Phạm Hùng Vân, Chủ tịch Hội Vi sinh lâm sàng TP. HCM; Chủ tịch Hội sinh học Phân tử Y Khoa Việt Nam với bài chia sẻ “Ứng dụng Multiplex Realtime PCR & Giải trình tự gen vào Tầm soát dịch bệnh cho Trang trại” (Ảnh: Phạm Huệ)

Chủ đề hấp dẫn của R.E.P Biotech nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẻ của khách mời (Ảnh: Phạm Huệ)

Gian hàng của R.E.P Biotech tại ILDEX Vietnam 2022 (Ảnh: R.E.P Biotech)

Gian hàng của Công ty R.E.P Biotech thu hút đông đảo khách tham quan trong nước và quốc tế (Ảnh R.E.P Biotech)  

Gian hàng của Công ty R.E.P Biotech thu hút đông đảo khách tham quan trong nước và quốc tế (Ảnh R.E.P Biotech)

ILDEX Vietnam 2022 là cơ hội để R.E.P Biotech gặp gỡ các khách hàng, đối tác tiềm năng (Ảnh: R.E.P Biotech)

ILDEX Vietnam 2022 là cơ hội để R.E.P Biotech gặp gỡ các khách hàng, đối tác tiềm năng (Ảnh: R.E.P Biotech)

Phạm Huệ

R.E.P Laboratories: Cam kết “Kịp thời – Chính xác – Khách quan – Bảo mật”

R.E.P Laboratories thực hiện các xét nghiệm góp phần sử dụng kháng sinh có kiểm soát:

  • Xét nghiệm tấm soát tác nhân gây bệnh định kỳ
  • Xét nghiệm MIC bằng phương pháp vi pha loãng theo chuẩn mực của CLSI
  • Xét nghiệm MIC phối hợp kháng sinh

Dữ liệu xét nghiệm được lưu trữ vĩnh viễn trên “cloud”. Mỗi khách hàng sẽ được cung cấp tài khoản và mã Code để có thể truy cập mọi lúc, mọi nơi.

Tháng 6/2022, R.E.P Laboratories được công nhận ISO/IEC 17025:2017, khẳng định năng lực, chất lượng và cơ sở trang thiết bị của Trung tâm.

Website: https://repbiotech.com/

Tin mới nhất

T5,25/04/2024