Quảng Nam: Tạo lực đẩy cho nghề nuôi tôm
Tôm thẻ chân trắng là vật nuôi chủ lực của nghề thủy sản Quảng Nam. Để khai phóng tiềm năng, cần những giải pháp về ứng dụng công nghệ, tạo chuỗi liên kết gắn với bảo vệ môi trường sinh thái…
Một mô hình nuôi tôm công nghệ cao trong tỉnh. Ảnh: Q.VIỆT

Nhận diện thực trạng

Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh trong năm 2023 là 2.660ha, sản lượng đạt 17.920 tấn. Trong năm, diện tích tôm bị bệnh hơn 189,4ha, trong đó bệnh do đốm trắng 20,8ha, hoại tử gan tụy 21,8ha, bệnh do vi bào tử trùng 1ha, còn lại là bệnh do các yếu tố môi trường. Vòng luẩn quẩn nuôi tôm tác hại đến môi trường rồi do môi trường biến động khiến tôm chết hàng loạt diễn ra “đều đặn” năm này qua năm khác.

Ông Trần Quảng Nam – Trưởng phòng Nghiệp vụ thủy sản (Chi cục Thủy sản Quảng Nam) cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, bệnh trên tôm liên tục xảy ra khiến nhiều hộ nuôi thua lỗ. Giá vật tư đầu vào gồm thức ăn, con giống, thuốc… tăng liên tục nên chi phí sản xuất cao, nhưng giá bán tôm thương phẩm giảm.

Thực tế tại Quảng Nam cho thấy, nuôi tôm nhiều giai đoạn đem lại lợi nhuận cao. Ở giai đoạn 1, tôm được nuôi trong ao ương có diện tích nhỏ, có mái che, các yếu tố môi trường ổn định giúp tôm phát triển tốt, tỷ lệ sống cao. Chi phí xử lý nước, chế phẩm vi sinh, chất khoáng… ở giai đoạn này thấp hơn so với cách nuôi truyền thống.

Ở giai đoạn 2, tôm giống bắt đầu sinh trưởng nhanh, lượng thức ăn được điều tiết, tránh dư thừa. Khi tôm đến giai đoạn 3 thì xác định chính xác định lượng thức ăn phù hợp cộng với bổi sung vitamin, khoáng chất nên lớn nhanh. Áp dụng quy trình nuôi tôm nhiều giai đoạn mang lại hiệu quả kinh tế cao, hạn chế rủi ro nhưng do nguồn lực hạn chế nên ít nông hộ đầu tư thả nuôi theo mô hình này.

Nghề nuôi tôm đã chuyển từ phương thức quảng canh sang thâm canh nên diện tích ao nuôi tôm công nghiệp tăng lên. Nhờ điều chỉnh cơ cấu nuôi tôm hợp lý, phát triển các vùng nuôi tôm tập trung ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường…, nên sản lượng tôm đã tăng mạnh qua các năm. Con tôm khẳng định là đối tượng chủ lực của nghề nuôi thủy sản, nhưng nhìn chung nghề nuôi tôm trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu bền vững.

Cần đầu tư vùng nuôi thâm canh

Ông Phạm Viết Tích – Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, phát triển chuỗi liên kết nuôi tôm là bệ đỡ cho nghề nuôi thủy sản. Sở NN&PTNT xây dựng kế hoạch để chuyển đổi và xây dựng mới các vùng nuôi tôm nước lợ thâm canh, tập trung tại các địa phương.

Nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các vùng nuôi tôm thâm canh. Để nghề nuôi tôm phát triển theo chuỗi đạt hiệu quả cao, các địa phương cần rà soát và tổ chức lại mô hình sản xuất đơn lẻ theo hộ cá thể thành sản xuất liên kết, hợp tác.

Tổ chức cộng đồng hoặc hợp tác xã, tổ hợp tác sẽ tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, cung ứng dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm tôm nuôi sau sơ chế hoặc chế biến sâu đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ông Võ Văn Long – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho rằng, để vừa giảm áp lực môi trường, tạo động lực phát triển bền vững, nhất là nâng cao giá trị thu được trên một đơn vị sản xuất thủy sản, đơn vị thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong nuôi tôm nước lợ.

Áp dụng khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nuôi tôm. Thực hiện chuyển đổi sang nuôi tôm hữu cơ thích ứng với diễn biến phức tạp của thời tiết cực đoan. “Người nuôi tôm cần ý thức được việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm chung của cộng đồng. Đây là một trong những giải pháp giúp nuôi tôm nước lợ đạt hiệu quả hơn, hạn chế dịch bệnh” – ông Long nói.

Ông Trần Quảng Nam cho biết, trong năm 2024, sẽ chú trọng hơn nữa quan trắc cảnh báo môi trường nuôi tôm nước lợ để vừa hướng dẫn sản xuất hiệu quả hơn vừa phòng chống dịch bệnh cho tôm nuôi.

“Những thành quả của nghề nuôi tôm nước lợ năm 2023 sẽ được phát huy trong năm 2024. Ngành thủy sản hỗ trợ, hướng dẫn, tổ chức các chủ thể nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao theo hướng công nghiệp để nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí, lao động và giảm giá thành sản xuất” – ông Nam nói.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần kiểm soát tôm giống chặt chẽ nhằm giảm thiểu rủi ro cho người nuôi. Cần có chính sách đầu tư thủy lợi các vùng nuôi tôm trọng điểm, nhất là có giải pháp thu hút đầu tư của doanh nghiệp lớn để hình thành nhiều trang trại nuôi tôm đạt chuẩn quốc tế.

Nguyễn Quang 

Báo Quảng Nam

Tin mới nhất

T3,30/04/2024