Những ao tôm bị “cuốn trôi”: Người nuôi trắng tay sau mưa lũ

[Người Nuôi Tôm] – Liên tiếp hứng chịu sự đổ bộ của hai cơn bão lớn, những ngày vừa qua người nuôi tôm các tỉnh ven biển miền Trung đứng ngồi không yên, bất lực nhìn “khối tài sản” của mình cuốn trôi theo dòng nước lũ…

 

Những ao tôm bị ‘xóa sổ’, thiệt hại hàng chục tỷ đồng

Cơn bão số 5 đổ bộ khiến người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi bị thiệt hại nặng nề. Mưa lớn, kèm theo lượng nước khổng lồ từ thượng nguồn đổ về đã cuốn trôi ra biển tất cả niềm hy vọng về cuộc sống ấm no của người dân nuôi tôm trên địa bàn xã Bình Đông (Bình Sơn, Quảng Ngãi).

Theo chia sẻ của người dân, hộ nuôi của chị Nguyễn Thị Kim Tự chịu tổn thất nặng nề nhất. Tổng cộng 6.000 m2 nuôi tôm, ước tính sản lượng 2 tấn tôm sắp đến kỳ xuất bán của gia đình chị Tự gần như mất trắng, chỉ cứu được khoảng 15%. Do không lường trước được mức độ nghiêm trọng của cơn bão, chị Tự bàng hoàng nhìn ao tôm, nghẹn ngào chia sẻ: “Ngoài thiệt hại tôm nuôi, gia đình còn mất trắng 3 ao nuôi cua và cá đối, tính sơ cũng khoảng 400 triệu đồng bị cuốn mất chỉ sau một đêm. Giờ gia đình nhờ bà con lặt đầu số tôm còn lại rồi phơi khô bán cho thương lái, gỡ được đồng nào hay đồng đấy”.

Ngoài chị Tự, nhiều hộ nuôi khác trong xã cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Cảm, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Đông, cơn bão số 5 đi qua để lạ nhiều thiệt hại cho bà con nuôi thủy sản trong xã. Chỉ sau một đêm, ước tính thiệt hại ban đầu về diện tích nuôi thủy sản là trên 10 tỷ đồng. Ước thiệt hại của mỗi hộ dân từ 300 – 600 triệu đồng, có hộ thiệt hại lên tới 800 triệu đồng, gần như mất trắng…

Tương tự, mưa lớn liên tiếp nhiều ngày vừa qua đã khiến các hộ nuôi tôm tại Nghệ An mất ăn mất ngủ. Quỳnh Lưu và Hoàng Mai là hai huyện tập trung nhiều diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng của tỉnh. Sau đợt mưa lũ vừa rồi, gần như các ao nuôi ở đây đều bị ngập lụt, ước tính có khoảng 155 ha nuôi tôm bị thiệt hại tại hai địa phương trên. Gia đình anh Nguyễn Văn Chắt, xã Quỳnh Diễn (Quỳnh Lưu, Nghệ An) là một trong những hộ nuôi tôm bị thiệt hại lớn trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu. Khi trò chuyện, anh Chắt vẫn chưa hết bần thần vì xót của: “Gia đình có 1,7ha nuôi trồng các loại cá truyền thống và 3 sào tôm thẻ chân trắng, tuy nhiên mưa lớn liên tiếp nhiều ngày vừa rồi đã khiến toàn bộ ao, hồ của gia đình ngập băng, cá tôm tràn hết ra ngoài, ước tính thiệt hại của gia đình khoảng 100 triệu đồng. Đến thời điểm này nước vẫn chưa rút nên chưa thể khắc phục được thiệt hại”, anh Chắt tâm sự.

Toàn bộ tôm, cá của gia đình ông Chắt, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã bị nước lũ cuốn trôi – Ảnh: Hồng Diện

 

Không chỉ gia đình anh Chắt, mà đây còn là tình trạng chung của hàng ngàn hộ nuôi thủy sản trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu. Thống kê sơ bộ, đến sáng ngày 26/09, mưa lũ đã khiến gần 500ha nuôi trồng thủy sản nước ngọt, 80ha nuôi tôm tại các xã Quỳnh Bảng, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Lương, Quỳnh Hồng, Quỳnh Diễn… bị cuốn trôi, thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Bên cạnh đó, khi nước lũ rút đi ngoài những thiệt hại về tôm nuôi, những thiết bị ao nuôi cũng bị cháy, hư hỏng nặng. Người nuôi tôm sẽ phải tốn thêm một khoản chi phí lớn để khắc phục và đầu tư nuôi lại vụ mới.

 

Khẩn trương khắc phục hậu quả

Sau mưa bão, môi trường ao nuôi bị ảnh hưởng nặng nề, người nuôi tôm cần nhanh chóng xử lý, kịp thời triển khai các phương án phòng chống dịch bệnh bùng phát. Trước tình hình đó, Chi cục Thủy sản các tỉnh đã đề nghị các địa phương khẩn trương thống kê thiệt hại nuôi trồng thủy sản trong đợt mưa lũ để có phương án xử lý, hỗ trợ kịp thời. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng chỉ đạo các địa phương sẵn sàng huy động nhân lực, tổ chức làm sạch môi trường các vùng nuôi bị thiệt hại khi nước rút. Sử dụng thuốc, hóa chất để tiêu độc, khử trùng và xử lý môi trường nước sau khi mưa, bão, áp thấp nhiệt đới, lũ tan. Song song với đó cần nhanh chóng rà soát, dự kiến nhu cầu con giống thủy sản, thức ăn, chất xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản để phục vụ công tác phục hồi sau mưa bão.

Gia đình anh Nguyễn Văn Hòa, xã Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh) hiện đang nuôi 2 hồ tôm thẻ chân trắng, quy mô 60 vạn con. Mưa lớn những ngày qua khiến mực nước trong hồ dâng cao (tầm 25 – 30 cm). Anh Hòa cho hay: “Hiện nay, hàm lượng axit trong nước mưa nhiều, độ mặn, độ pH trong nước bị giảm đột ngột. Nếu không có các biện pháp xử lý kịp thời sẽ dẫn đến nguy cơ tôm nuôi bị sốc môi trường. Nếu nhẹ sẽ khiến tôm giảm ăn, nặng thì bỏ ăn và chết. Luôn theo dõi dự báo thời tiết, lường trước được sự việc nên trước đó chúng tôi đã nhập 1 tấn vôi bột và 5 tạ khoáng để phục vụ cho việc xử lý nguồn nước. Những ngày qua, chúng tôi cũng tiến hành sục khí 24/24h để tôm không bị thiếu oxy”.

Ông Lưu Quang Cần, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho biết: “Để đảm bảo an toàn cho tôm, người nuôi cần xả bớt nước trên tầng mặt để giảm bớt lượng nước mưa trong ao; tiến hành chạy máy quạt nước, sục khí nhằm hạn chế sự phân tầng nước đối với những ao nuôi thâm canh có mật độ cao. Ngoài ra, người nuôi cần sử dụng hóa chất để tiêu độc, khử trùng và xử lý môi trường nước sau khi mưa (nếu bị ô nhiễm). Trường hợp tôm bị chết, cần xử lý theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn để tiêu độc, khử trùng…”.

Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương và ngành chuyên môn cần liên tục tăng cường kiểm tra, hướng dẫn người nuôi tôm xử lý các yếu tố môi trường nước đảm bảo trong giới hạn cho phép. Khuyến cáo người nuôi chủ động bổ sung vitamin C hoặc chế phẩm sinh học vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm. Thường xuyên theo dõi sức khỏe của tôm để có biện pháp xử lý kịp thời. Nếu trời mưa lớn kéo dài thì người nuôi sẽ phát sinh thêm nhiều chi phí và lo ngại sẽ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của tôm.

Ngoài ra, để giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra, nhiều địa phương đã khuyến cáo người nuôi nên chủ động thu hoạch sớm những ao tôm đã đủ tuổi xuất bán, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người nuôi.

HẠ NHIÊN (Tổng hợp)

Tin mới nhất

CN,28/04/2024