Nguồn cung khan hiếm – cơ hội cho ngành xuất khẩu bột cá Việt Nam đi Trung Quốc
Năm 2023, nhập khẩu bột cá Peru vào Trung Quốc giảm 50% xuống còn 430.202 tấn sau sự kiện El Nino tác động khiến sản lượng cá cơm Peru giảm nghiêm trọng. Nhờ đó Trung Quốc đã tăng nhập khẩu tới gần 262 nghìn tấn bột cá từ Việt Nam, với giá trị 425 triệu USD, tăng 24% về khối lượng và tăng 48% về giá trị.

Thị trường lớn nhất cho bột cá

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ bột cá lớn nhất thế giới, tuy nhiên bấy lâu nay bột cá nhập khẩu vào Trung Quốc phụ thuộc khá lớn vào Peru. Bột cá Peru được Trung Quốc sử dụng cho các ngành nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi mũi nhọn. Với sự suy giảm sản lượng bất đắc dĩ của Peru, các nhà sản xuất bột cá lớn như Việt Nam, Nga, Thái Lan, và Ấn Độ đã nắm bắt cơ hội để lấp “lỗ hổng” thị trường. Sự gia tăng nhanh chóng của dân số và thu nhập làm tăng nhu cầu tiêu thụ thức ăn chăn nuôi, từ đó Trung Quốc có nhu cầu tiêu thụ lớn về bột cá để phục vụ ngành công nghiệp chăn nuôi gia súc và gia cầm, tạo ra cơ hội lớn cho nhập khẩu bột cá từ các quốc gia sản xuất.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu 1,65 triệu tấn bột cá từ các nước trên thế giới, giảm 9% so với năm 2022. Trong đó, Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam gần 262 nghìn tấn bột cá, hiện Việt Nam là nước cung cấp bột cá lớn thứ 2 cho Trung Quốc, sau Peru. Vì nhu cầu lớn, nên thị trường bột cá ở Trung Quốc có tính cạnh tranh rất cao. Các doanh nghiệp cần tìm kiếm nguồn cung ứng bột cá ổn định và đáng tin cậy để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Theo ông Jean-Francois Mittaine, một chuyên gia phân tích thủy sản, nhu cầu về protein tại Trung Quốc vốn đã cao nhưng nay càng cao hơn. Nhu cầu về bột cá ở Trung Quốc không ngừng tăng khiến công việc chế biến bột cá trở thành một trong những nghề “hot” trên thế giới.

Với con số 1,766 USD/tấn, đây là mức giá nhập khẩu trung bình của Trung Quốc cao nhất trong lịch sử, kể từ năm 2000. Giá bột cá tăng vọt trong năm 2023 đã trở thành động lực, nguồn cảm hứng cho các nhà sản xuất thức ăn thủy sản tiến hành tăng cường nghiên cứu nhằm cắt giảm khối lượng những vẫn bảo toàn được tính toàn vẹn dinh dưỡng.

Tuy nhiên thị trường bột cá Trung Quốc không hề dễ tính, Trung Quốc áp dụng các quy định và tiêu chuẩn nhập khẩu nghiêm ngặt đối với sản phẩm thủy sản, bao gồm cả bột cá. Doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định này để có thể xuất khẩu sản phẩm một cách hiệu quả vào thị trường này.

Tiềm năng và cơ hội cho ngành xuất khẩu bột cá của Việt Nam

Việt Nam có lợi thế về nguồn nguyên liệu thủy sản phong phú và chi phí lao động thấp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất và xuất khẩu bột cá. Tiềm năng này mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc mở rộng thị trường và tăng cường xuất khẩu bột cá sang Trung Quốc.

Theo ông Trương Đình Hòe (VASEP), mỗi năm Việt Nam sản xuất 530.000 – 540.000 tấn bột cá. Trong đó, xuất khẩu 200.000 – 280.000 tấn, bao gồm cả bột cá sản xuất từ cá biển và bột cá sản xuất từ phụ phẩm cá tra, kim ngạch xấp xỉ 200 triệu USD. Việt Nam cũng đồng thời nhập khẩu 130-140 nghìn tấn/năm bột cá có hàm lượng protein cao. Trong 10 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 108 triệu USD bột cá các loại và nhập khẩu khoảng 89 triệu USD. Ước tính năm nay, kim ngạch xuất khẩu bột cá của Việt Nam 120-130 triệu USD và nhập khẩu khoảng 100-110 triệu USD.

“Nhóm sản phẩm bột cá chiếm vị trí quan trọng trong ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi. Hoạt động nuôi trồng thủy sản của Việt Nam cũng như trên thế giới trong những năm gần đây ngày càng tăng cả về diện tích và sản lượng. Nhu cầu về thức ăn thủy sản tăng nhanh và dự kiến xu hướng này sẽ còn tiếp tục tăng trong vài năm tới. Do đó, bột cá, một trong những nguồn nguyên liệu chính để sản xuất thức ăn chăn nuôi nói chung và thức ăn thủy sản nói riêng, cũng tăng theo đáng kể”, ông Trương Đình Hòe chia sẻ.

Tại Việt Nam, sản phẩm bột cá bền vững duy nhất là từ cá ngừ, tôm và cá tra vụn, không phải bột cá từ nghề cá nói chung hoặc nghề cá làm thức ăn gia súc quy mô nhỏ. Các nước sản xuất bột cá đang nhắm mục tiêu bán hàng ở Trung Quốc để tận dụng giá bột cá tăng. Ở mức 1.766 USD/tấn, giá nhập khẩu trung bình của Trung Quốc cao nhất trong lịch sử kể từ năm 2000. Dù thị trường rộng mở như vậy nhưng sản phẩm bột cá tại Việt Nam cũng chưa đáp ứng được về mặt chất lượng, do độ đạm trong bột cá sản xuất tại Việt Nam ở mức thấp nên không phù hợp yêu cầu của nhiều thị trường nhập khẩu. Ngoài ra, vấn đề xử lý về môi trường cũng gây khó khăn cho sản xuất hai mặt hàng này. Bởi vậy, ngành thủy sản cần ban hành một quy trình, quy chuẩn thống nhất đối với sản phẩm bột cá.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch VASEP, cho biết “vấn đề lớn nhất của ngành chế biến bột cá là quy trình bảo quản cá đánh bắt, nước thải môi trường và nguồn nhân công tay nghề cao. Nếu giải quyết được những vấn đề này thì ngành bột cá sẽ sớm gia nhập vào câu lạc bộ tỉ USD trong tương lai gần”.

Không dễ tăng ngay nguồn cung bột cá

Các kế hoạch đảm bảo chất lượng cũng đã lan rộng khắp thế giới để chống lại các hoạt động bất hợp pháp, không được báo cáo và không được kiểm soát đã góp phần gây ra nạn đánh bắt quá mức thời gian qua. Do đó, phần lớn nguyên liệu thức ăn thuỷ sản hiện nay đến từ các phụ phẩm chế biến cá thay vì chỉ đánh bắt, trong khi 1/3 sản lượng hiện nay đến từ các phụ phẩm nuôi trồng thuỷ sản.

Các thông tin thị trường ở Ấn Độ cho biết giá bột cá loại 65% hiện ở mức 1.700 USD/tấn, trong khi loại 67% ở mức 1.800 USD/tấn nhưng vẫn thiếu hàng chất lượng cao. Ở Thái Lan, bột cá cao cấp và loại bột cá từ Thái Lan cũng đang phải đối mặt với tình trạng nguồn cung hạn chế, với biến động giá tương ứng và nhu cầu ngày càng tăng.

Tại Trung Quốc, số liệu tồn kho gần đây vào ngày 29/1 công bố tổng cộng là 184.370 tấn. Theo các nguồn tin, mặc dù lượng hàng đến tăng chậm và lượng tiêu thụ ổn định, thị trường đang chứng kiến xu hướng nguồn cung giảm, chủ yếu là do các nhà máy thức ăn chăn nuôi cố gắng dự trữ hàng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán ở nước này.

Hơn nữa, các cuộc thảo luận về giá bột cá nêu bật sự khan hiếm bột cá siêu cao cấp của Peru, với giá dao động quanh mức 17.000-17.100 CNY (2.386-2.400 USD)/tấn tại Trung Quốc.

Sau khi đạt mức cao kỷ lục 2.600 USD/tấn, CFR Trung Quốc, đối với bột cá siêu nguyên chất của Peru, mức giá đã giảm xuống gần mức 2.100 – 2.200 USD/tấn. Những người trong ngành đã nhiều lần bày tỏ sự lạc quan đối với mùa đánh cá sắp tới ở Peru, mặc dù có những điều không chắc chắn. Dự báo vào tháng 4 – 5/2024, hiện tượng El Nino sẽ ở mức trung tính và đến tháng 6 – 7, nó sẽ giảm hết hẳn sang La Nina. Điều này có nghĩa là cá cơm của Peru có thể hồi phục. Nhưng các nước sản xuất bột cá khác cũng sẽ không từ bỏ thị phần mới có được tại Trung Quốc. Các thị trường này sẽ cạnh tranh nhau. Trên thực tế, Ấn Độ, một trong 5 nguồn cung nhập khẩu về bột cá của Trung Quốc, đang có bột cá giá rẻ hơn Peru 100 USD/tấn và chất lượng sản phẩm của họ cũng đang được cải thiện.

Với nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm điều kiện thời tiết và các biện pháp can thiệp pháp lý, người mua và nhà sản xuất bột cá không có nhiều hy vọng thị trường bột cá ổn định hơn vào cuối năm nay. Vẫn chưa biết khi nào giá bột cá sẽ giảm thêm.

Hải Đăng

tongcucthuysan.gov.vn

Tin mới nhất

T7,27/04/2024