Ngành tôm Việt: Gập ghềnh chặng đua nước rút

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Thông thường, từ tháng 9 trở đi, câu chuyện của ngành tôm thường xoay quanh mối liên hệ giữa nguồn cung nguyên liệu và thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, năm nay, mọi thứ đã không còn như quy luật hàng năm khi nguồn cung dù đã giảm mạnh, nhưng giá tôm vẫn còn ở mức khá thấp và chuyện thiếu hụt tôm nguyên liệu thì vẫn không hề xảy ra.

Chế biến, xuất khẩu đã tăng trở lại nhưng doanh nghiệp ngành tôm vẫn chưa hết khó

Từ đầu tháng 10 đến nay, giá tôm tại khu vực ĐBSCL có chiều hướng tăng nhẹ tại hầu hết các kích cỡ. Giá tôm thẻ loại 100 con/ kg từ mức chỉ 65.000 – 70.000 đồng/kg hiện đã tăng lên 81.000 – 91.000 đồng/ kg. Loại 30 con/kg giá 142.000 – 150.000 đồng/kg; loại 50 con/kg giá 112.000 – 123.000 đồng/kg… Riêng tôm thẻ loại 20 con/kg thuộc loại hàng hiếm nên có giá khoảng 181.000 – 188.000 đồng/kg. Với mức giá trên, người nuôi đã bắt đầu có lời, nhưng nhìn chung vẫn chưa thật sự hấp dẫn người nuôi tiếp tục thả giống do vụ này người nuôi rất dễ gặp rủi ro về thời tiết, môi trường và dịch bệnh, nên chủ yếu là hộ nuôi ao lót bạt, có điều kiện kiểm soát tốt môi trường mới dám thả nuôi.

Không xảy ra tình trạng thiếu tôm nguyên liệu

Nguồn cung tôm nguyên liệu từ vùng nuôi tôm trọng điểm ĐBSCL hiện không còn nhiều, nên giá tôm có phần tăng nhẹ, nhưng tình trạng thiếu hụt tôm nguyên liệu vẫn không hề xảy ra. Lý giải về điều này, ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam (Vinacleanfood), cho biết: “Mặc dù từ tháng 9, xuất khẩu tôm bắt đầu tăng khá mạnh và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng từ nay đến hết tháng 11, nhưng khó khăn đối với doanh nghiệp và ngành tôm thì vẫn còn đó, bởi áp lực về sự cạnh tranh, về tình hình lạm phát… nên giá tôm xuất khẩu đến giờ vẫn chưa được cải thiện nhiều. Hơn nữa, do đây là thời điểm doanh nghiệp tập trung làm hàng giá trị gia tăng nên tốc độ chế biến sẽ không nhanh như bình thường. Mặt khác, do xuất khẩu gặp khó trong hơn nửa năm nên hầu như doanh nghiệp nào cũng tồn kho một lượng tôm nhất định. Đây là cơ hội để xả kho và mua vào ở mức vừa phải, nhằm không để lỡ cơ hội khi thị trường phục hồi, nên tình trạng khan hiếm nguyên liệu không xảy ra và giá tôm trong nước chỉ tăng được chút ít”.

Không những thế, các doanh nghiệp còn cho biết, giá tôm từ nay đến cuối năm cũng rất khó tăng, do các hợp đồng giao hàng từ nay đến cuối năm có giá không cao. Ngay như tại Sóc Trăng, nơi tập trung nhiều doanh nghiệp chuyên chế biến tôm giá trị gia tăng có tỷ suất lợi nhuận cao, nhưng do giá xuất khẩu từ đầu năm đến nay quá thấp nên họ cũng không hỗ trợ được nhiều về giá mua tôm nguyên liệu cho người nuôi.

Ông Phục cho biết thêm: “Do đơn giá hợp đồng từ nay đến cuối năm phần lớn đều không được tốt, nên rất khó để doanh nghiệp hỗ trợ thêm cho người nuôi về giá. Điều này được thể hiện qua lượng tôm xuất khẩu của các doanh nghiệp đều đã tăng đáng kể từ đầu Quý III đến nay, nhưng doanh số tiêu thụ thì không tăng tương ứng”.

Người nuôi không mặn mà thả giống

Mặc dù, số lượng hàng xuất khẩu bắt đầu tăng mạnh kể từ tháng 9 và dự kiến còn kéo dài đến gần cuối năm, nhưng nhìn chung, theo các doanh nghiệp, doanh số xuất khẩu năm nay vẫn sẽ giảm khoảng 10 – 16%. Tuy nhiên, điều mà các doanh nghiệp lo lắng hơn là khó khăn của năm 2023 này liệu có tiếp tục kéo dài sang những tháng đầu năm của năm 2024 hay không. Ông Phục chia sẻ: “Riêng Vinacleanfood, doanh số xuất khẩu năm nay dự kiến giảm khoảng 15 – 16% so với năm ngoái. Nhưng điều mà tôi đang lo là bước qua Quý I/2024, tình hình xuất khẩu có khả năng sẽ còn tệ hơn bây giờ nữa”. Với giá tôm như hiện nay, theo dự báo, dù độ mặn năm nay có lên sớm đi chăng nữa cũng có rất ít người thả nuôi do rủi ro lớn mà lợi nhuận không cao và một phần lớn hộ nuôi hiện đang kiệt quệ về nguồn vốn trong khi sự đầu tư của các đại lý cũng bị hạn chế do lo sợ rủi ro.

Hiện chỉ những diện tích đầu tư ao lót bạt là còn tiếp tục thả nuôi với hy vọng giá tôm sẽ còn tăng thêm trong những tháng đầu năm 2024

Xuất khẩu khó khăn kéo theo cả ngành tôm gặp khó, bởi như nhận xét của ông Phục trước đây rằng, sự tăng trưởng của ngành tôm Việt Nam thời gian qua chủ yếu dựa vào nền tảng chế biến, chứ chưa dựa vào khâu nuôi trồng. Đây là một nghịch lý mà về lâu dài, nếu không khắc phục được, ngành tôm sẽ rơi vào khó khăn, đánh mất vị thế của mình trên thương trường. Điều này được thể hiện khá rõ qua giá thành nuôi tôm của Việt Nam luôn cao hơn rất nhiều so với các nước, khiến lợi thế cạnh tranh của con tôm Việt Nam chỉ còn ở phân khúc sản phẩm giá trị gia tăng.

Hiện tại, nguồn cung tôm nguyên liệu về cơ bản vẫn đáp ứng đủ cho nhu cầu chế biến, xuất khẩu và theo báo cáo từ Sở NN&PTNT các tỉnh trọng điểm ĐBSCL, như: Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng, sản lượng tôm năm nay nhiều khả năng vẫn sẽ đạt theo kế hoạch. Tuy nhiên, với việc phần lớn hộ nuôi thua lỗ kéo dài suốt cả vụ tôm, việc khôi phục lại diện tích thả nuôi ở những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024 sẽ rất khó khăn, nguy cơ thiếu hụt nguồn tôm nguyên liệu cho những tháng đầu năm 2024 nhiều khả năng sẽ xảy ra một khi sức tiêu thụ thị trường được phục hồi.

Hoàng Nhã

Tin mới nhất

T2,29/04/2024