Ngành thủy sản: Vẫn còn dư địa tăng trưởng những tháng cuối năm

[Người Nuôi Tôm] – Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến tại buổi họp báo thường kỳ Quý III năm 2021 do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 5/10 vừa qua.

 

Giá thủy sản có chiều hướng tăng khi nới lỏng giãn cách

Sản lượng thủy sản nuôi trồng quý III/2021 ước đạt 1.215,3 nghìn tấn, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Cá đạt 766,4 nghìn tấn, giảm 11,1%; tôm đạt 300,4 nghìn tấn, giảm 5,2%.

Tính chung 9 tháng năm 2021, sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 3.320,1 nghìn tấn, giảm 1,0% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 2.224,1 nghìn tấn, giảm 3,1%; tôm đạt 699,8 nghìn tấn, tăng 4,3%; thủy sản khác đạt 396,2 nghìn tấn, tăng 1,9%.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan

 

Sản lượng thu hoạch tôm nuôi giảm mạnh trong quý III/2021 chủ yếu do các nhà máy chế biến giảm thu mua tôm, tạm ngưng hoạt động, giảm công suất hoặc khó khăn trong thu mua. Sản lượng tôm sú quý III/2021 đạt 81,5 nghìn tấn, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 204 nghìn tấn, giảm 6,3%.

Ước tính 9 tháng năm 2021, sản lượng tôm sú đạt 196,6 nghìn tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 462,2 nghìn tấn, tăng 5,5%. Sản lượng cá tra giảm do người nuôi giảm quy mô nuôi hoặc chuyển sang nuôi thủy sản khác khi giá nguyên liệu ở mức thấp kể từ năm 2019 đến nay. Sản lượng cá tra 9 tháng năm 2021 ước đạt 987,4 nghìn tấn, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm trước (quý III/2021 đạt 315,3 nghìn tấn, giảm 19,8%).

Từ giữa tháng 9/2021, một số tỉnh, thành phố phía Nam nới lỏng giãn cách xã hội, giá nguyên liệu thủy sản tăng trở lại. Tại tỉnh An Giang, ngày 30/9/2021, giá cá tra thịt trắng cỡ 1,2 kg/con trở lên tăng 1.000 -1.500 đ/kg so với ngày 16/9, lên 22.500 23.500 đ/kg; giá cá tra thịt trắng cỡ 0,7 1,1 kg/con tăng 500 đ/kg, lên 22.000 đ/kg. Tại tỉnh Cà Mau, giá tôm nguyên liệu tăng ở tất cả các kích cỡ.

 

Xuất khẩu thủy sản 9 tháng đầu năm tăng 2,4%

Tháng 9/2021, xuất khẩu thủy sản ước tính đạt 600 triệu USD, tăng 0,8% so với tháng 8/2021, nhưng vẫn giảm 26,8% so với tháng 9/2020. Tính chung 9 tháng năm 2021, xuất khẩu thủy sản ước đạt 6,17 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, xuất khẩu thủy sản giảm tháng thứ 2 liên tiếp do tác động của dịch Covid-19.

Theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 8/2021, xuất khẩu thủy sản các loại của Việt Nam đã giảm 30,6% về lượng và giảm 26,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu hầu hết các mặt hàng lớn như tôm, cá tra, cá ngừ, mực, bạch tuộc… đều giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên xuất khẩu thủy sản trong tháng 8/2021 vẫn có nhóm hàng chả cá và nghêu tăng so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản đạt 1,29 nghìn tấn, trị giá 5,57 tỷ USD, tăng 4,6% về lượng và tăng 7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu tôm các loại, cá da trơn, cá ngừ và Surimi tăng, trong khi xuất khẩu cá đông lạnh, cua ghẹ các loại giảm.

Dự báo, xuất khẩu thủy sản sẽ phục hồi trở lại kể từ tháng 10/2021 khi nhiều tỉnh, thành phố phía Nam dần nới lỏng giãn cách xã hội. Sau khi các tỉnh nới lỏng giãn cách, các doanh nghiệp ở miền Tây nhanh chóng khôi phục sản xuất, hầu hết các nhà máy thủy sản đạt trên 70% công suất làm việc so với trước khi xảy ra dịch Covid-19. Đây là thời điểm các doanh nghiệp sản xuất để đáp ứng nhu cầu dịp cuối năm từ các thị trường nhập khẩu lớn. Với nhu cầu từ Hoa Kỳ, EU ở mức cao, xuất khẩu thủy sản trong các tháng cuối năm dự báo sẽ phục hồi mạnh trở lại.

Ảnh minh họa: ST

 

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) cho biết, “Phấn đấu hết năm, tăng trưởng đạt 2,8%, như vậy trong Quý 4 phải tăng khoảng 3%, muốn tăng được thì phải dựa vào chăn nuôi và vào thủy sản, còn lĩnh vực trồng trọt hiện còn rất ít dư địa. Tuy nhiên, chăn nuôi và thủy sản đang gặp nhiều khó khăn bởi giá vật tư nông nghiệp tăng cao. Nếu không đẩy mạnh 2 lĩnh vực này thì ngành khó có thể đạt được mục tiêu khi vật tư nông nghiệp tăng cao. Đây là bài toán lớn với ngành Nông nghiệp cần phải tháo gỡ”.

Cũng tại phiên họp, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, việc đạt mục tiêu trong nuôi trồng thủy sản không khó. Khi các doanh nghiệp chế biến hoạt động trở lại được thì việc khôi phục sản xuất sẽ đạt được. Ngành sẽ tổ chức lại khai thác hải sản, phát triển đa dạng các đối tượng nuôi để cố gắng đạt mục tiêu về sản xuất và xuất khẩu của năm nay.

Phạm Huệ

Ông Phùng Đức Tiến (Thứ trưởng Bộ NN&PTNT):

Cần phải quyết tâm nhiều hơn nữa để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm

Để đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm những tháng cuối năm, đặc biệt Tết Nguyên đán Nhâm dần 2022 và phục vụ xuất khẩu, ngành cần xác định 4 nhóm giải pháp. Theo đó, tập trung chỉ đạo sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện thời tiết, diễn biến dịch Covid-19 tại từng tỉnh, thành phố; tháo gỡ các rào cản đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và thúc đẩy xuất khẩu. Đồng thời, tăng cường các giải pháp phòng, chống thiên tai hiệu quả.

Khó khăn từ nay đến cuối năm là rất lớn, để kim ngạch xuất khẩu đạt được mục tiêu 44 tỷ USD không phải dễ vì nguồn nguyên liệu hiện nay còn gặp khó khăn, hơn nữa do khống chế dịch bệnh nên lưu thông, vận chuyển khôi phục lại sản xuất là bài toán phải tháo gỡ.

Tin mới nhất

T6,26/04/2024