Một số quy định mới trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản

Một số quy định mới trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Ngày 01/01/2019, Luật Thủy sản năm 2017 (được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 04 ngày 21/11/2017) chính thức có hiệu lực thi hành. Để hướng dẫn thi hành Luật, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản (gọi tắt là Nghị định số 26/2019/NĐ-CP). Nhìn chung, các quy định trong lĩnh vực thủy sản nói chung và hoạt động nuôi trồng thủy sản nói riêng thể hiện tinh thần đổi mới về phương thức quản lý, đảm bảo tính chặt chẽ, phù hợp yêu cầu thực tiễn và nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước. Theo đó, một số điểm mới có tác động lớn trong hoạt động NTTS thời gian tới như sau:

1. Cơ sở nuôi thủy sản lồng bè và nuôi đối tượng thủy sản chủ lực phải đăng ký với Cơ quan quản lý Nhà nước về thủy sản cấp tỉnh

– Tại Điểm đ Khoản 1 Điều 38 Luật Thủy sản quy định đối với điều kiện Cơ sở nuôi trồng thủy sản: “Phải đăng ký đối với hình thức nuôi trồng thủy sản lồng bè và đối tượng thủy sản nuôi chủ lực”.

– Tại Quyết định số 50/2018/QĐ-TTg ngày 13/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định đối tượng thủy sản nuôi chủ lực, bao gồm: tôm sú, tôm chân trắng, cá tra.

Như vậy, các cơ sở nuôi 03 đối tượng này trên địa bàn tỉnh Kiên Giang bắt buộc phải đăng ký với Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang.

* Hồ sơ đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè và nuôi đối tượng thủy sản chủ lực (theo Khoản 2 Điều 36 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP) bao gồm:

(1) Đơn đăng ký theo Mẫu số 26.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP;

(2) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi được giao, cho thuê đất để nuôi trồng thủy sản hoặc giấy phép hoạt động nuôi trồng thủy sản trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, thủy điện hoặc quyết định giao khu vực biển hoặc hợp đồng thuê quyền sử dụng đất, khu vực biển để nuôi trồng thủy sản;

(3) Sơ đồ mặt bằng vị trí ao/lồng nuôi có xác nhận của chủ cơ sở.

cơ sở nuôi lồng bè và cấp Giấy phép NTTS trên biển (Nguồn: Vĩnh Thái)

2. Cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển, ngoài đăng ký với cơ quan chức năng, phải được cấp phép theo quy định tại Khoản 3 Điều 38 Luật Thủy sản; Điều 37 và Điều 38 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP

* Thẩm quyền cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển:

– Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh thực hiện cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển cho tổ chức, cá nhân Việt Nam trong phạm vi vùng biển tính từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm đến 06 hải lý thuộc phạm vi quản lý;

– Tổng cục Thủy sản thực hiện cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển cho tổ chức, cá nhân Việt Nam trong khu vực biển ngoài 06 hải lý, khu vực biển giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, khu vực biển nằm đồng thời trong và ngoài 06 hải lý.

– Bộ NN&PTNT cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển cho nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

* Hồ sơ cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển bao gồm:

(1) Đơn đăng ký theo Mẫu số 29.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP;

(2) Bản thuyết minh dự án nuôi trồng thủy sản theo Mẫu số 30.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này;

(3) Báo cáo đánh giá tác động môi trường nuôi trồng thủy sản hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường được cơ quan có thẩm quyền thẩm định theo quy định;

(4) Sơ đồ khu vực biển kèm theo tọa độ các điểm góc của khu vực biển đề nghị giao.

3. Quy định xử phạt hành chính đối với một số hành vi vi phạm trong hoạt động nuôi trồng thủy sản

Ngày 16/5/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản (có hiệu lực thi hành từ ngày 05/7/2019). Theo đó, quy định xử phạt hành chính đối với một số hành vi vi phạm trong hoạt động nuôi trồng thủy sản như sau:

– Khoản 1 Điều 17 quy định: “Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với hành vi không đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè hoặc không đăng ký đối tượng thủy sản nuôi chủ lực”.

– Khoản 3 Điều 17 quy định: “Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi nuôi trồng thủy sản trên biển không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định”.

Ngoài các quy định trên, Luật Thủy sản năm 2017, Nghị định số 26/2019/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn Luật cũng quy định một số điểm mới so với trước đây như: Cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện NTTS; trước khi đưa sản phẩm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản ra thị trường lưu thông, Cơ sở sản xuất, nhập khẩu chỉ gửi thông tin qua Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản hoặc gửi thông tin sản phẩm về Tổng cục Thủy sản để cập nhật trên hệ thống (không quy định phải đăng ký lưu hành sản phẩm như trước đây).

N.N.T

Tin mới nhất

T5,18/04/2024