Khuyến cáo thả giống tôm nước lợ đầu vụ nuôi năm 2023

Từ đầu năm 2023 đến nay, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ thâm canh của tỉnh Bến Tre thả giống đạt hơn 4 ngàn ha. Đối tượng tôm nước lợ được người nuôi chọn thả giống nuôi đa số là tôm thẻ chân trắng. Các cơ sở thu hoạch tôm nuôi đạt sản lượng khá cao. Giá tôm nước lợ nuôi thương phẩm trên địa tỉnh mạng lại lợi nhuận cho người nuôi tôm nước lợ đạt mức khá.

Tuy nhiên, từ khoảng giữa tháng 4-2023 đến nay, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn. Giá tôm nguyên liệu liên tục giảm. Giá tôm nước lợ thương phẩm tương đương giá thành sản xuất nên đa số các ao nuôi tôm nước lợ thu hoạch thời gian này lợi nhuận rất thấp.

Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sau quý II-2023, thị trường xuất khẩu sẽ khởi sắc hơn. Lúc này, điều kiện thời tiết dần ổn định. Môi trường đang thuận lợi để thả giống. Diễn biến các bệnh nguy hiểm ngoài môi trường tự nhiên qua quan trắc các đợt gần đây có chiều hướng giảm là thời điểm chính vụ nuôi tôm nước lợ năm 2023.

Để vụ nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh từ nay đến cuối năm 2023 có hiệu quả, Chi cục Thủy sản khuyến cáo, các cơ sở nuôi đảm bảo điều kiện tiếp tục thả giống tôm nuôi vụ 1. Nếu thả vụ 2 thì cải tạo ao kỹ, có thời gian cách ly để ổn định môi trường ao nuôi. Các cơ sở nên thả giống rải vụ, thả cuốn chiếu, nhằm giảm rủi ro (nếu có nhiều ao nuôi). Tuân thủ đúng các bước quy trình kỹ thuật từ khâu cải tạo ao, xử lý nước, chọn giống, quản lý môi trường…

Do đang vào đầu mùa mưa, thường xuất hiện các cơn mưa lớn cục bộ nên môi trường nước những ao tôm đang nuôi sẽ thay đổi đột ngột, cần kiểm tra và phải theo dõi kỹ. Tăng cường mở quạt nước, chủ động dùng các sản phẩm chống sốc như: Yuca, C – Tạt và các sản phẩm ổn định môi trường như các loại vôi, khoáng để xử lý trước, trong và sau các cơn mưa theo hướng dẫn nhà sản xuất hoặc cán bộ kỹ thuật.

Thả tôm giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Chọn cơ sở có uy tín và được xét nghiệm sạch các bệnh nguy hiểm. Mật độ và kích cỡ giống thả nuôi phù hợp với quy định (tôm chân trắng từ 60 – 80 con/m2, cỡ PL≥12mm; tôm sú từ 20 – 25 con/m2, cỡ PL≥15mm).

Đối với những hộ có điều kiện nên ương lên giống cỡ lớn trước khi thả nuôi thương phẩm. Diện tích ao ương từ 200 – 500m2(ao ương lót bạt cả đáy và 2 bờ). Mật độ ương từ 1.000 – 1.500 con/m2. Thời gian ương từ 20 – 25 ngày, khi điều kiện thuận lợi thì tiến hành thả ra ao nuôi để rút ngắn thời gian, quản lý tốt dịch bệnh và giảm chi phí sản xuất.

Giá bán tôm nước lợ nuôi thương phẩm đang ở mức rất thấp xấp xỉ giá thành sản xuất. Do đó, người nuôi tôm nước lợ nên áp dụng đồng bộ các giải pháp quản lý, nhằm giảm chi phí. Theo dõi dự báo thông tin thị trường để có kế hoạch sản xuất phù hợp. Mặc khác, các cơ sở nuôi tôm nước lợ nên liên kết tạo thành vùng sản xuất lớn và áp dụng các tiêu chuẩn như: ASC, BAP, GLOBALGAP… để nâng giá trị tôm thương phẩm, ổn định đầu ra, từ đó, giá bán sẽ tốt hơn.

Đang vào đầu mùa mưa nên độ mặn một số kênh rạch tự nhiên bắt đầu giảm. Vì vậy, các hộ nuôi nên dự trữ nước để chủ động sản xuất. Thường xuyên theo dõi thông tin về thời tiết, các khuyến cáo, thông báo kết quả quan trắc môi trường do Chi cục Thủy sản thực hiện định kỳ 3 đợt/tháng, để chủ động kế hoạch sản xuất và áp dụng đúng các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Để vụ nuôi tôm nước lợ năm 2023 đạt kết quả cao, Chi cục Thủy sản đề nghị Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, UBND các xã, thị trấn có nuôi tôm nước lợ triển khai các nội dung khuyến cáo này đến các tổ chức, hộ nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh để vận dụng tốt vào sản xuất đạt hiệu quả.

Trần Quốc

Nguồn tin: Báo Báo Đồng Khởi,

Tin mới nhất

T2,29/04/2024