Giá thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long tăng cao

Giá cá tra, tôm ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long tăng mạnh do các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu đẩy mạnh thu mua.

 

Nhiều chủ ao lời bạc tỷ

 

Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy – chủ hai ao cá tra hơn 1,2ha ở xã An Nhơn, H. Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp – cho hay, gia đình chị đã bán hai đợt cá nuôi, tổng cộng hơn 800 tấn, giá bình quân 29.000 đồng/kg, lãi ròng hơn 3.000 đồng/kg.

 

Theo chị Thúy, nhiều tháng nay, giá cá tra ổn định ở mức cao và việc tiêu thụ cũng rất dễ dàng. Các nhà máy chế biến để xuất khẩu liên tục hỏi mua cá. Diễn biến này hoàn toàn trái ngược với năm 2020 và 2021 khi dịch COVID-19 hoành hành. Khi đó, cá tra quá kỳ thu hoạch nhưng khó bán dù giá thấp khiến nhiều hộ thua lỗ, nợ nần và dừng sản xuất.

 

Bán gần 900 tấn cá tra trong hai đợt thu hoạch, ông Nguyễn Hữu Trí – thành viên Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp – cho hay, với mức giá bán 30.000-31.000 đồng/kg, ông lãi 3.000-4.000 đồng/kg sau khi trừ mọi chi phí.

 

Giá tôm sú, tôm thẻ chân trắng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng đang ở mức cao, giúp người nuôi có lời. Hiện, tôm thẻ chân trắng loại 25 con/kg có giá 205.000 đồng/kg, tôm thẻ chân trắng loại 40 con/kg có giá 138.000 đồng/kg, tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg có giá 92.000 đồng/kg; tôm sú loại 20 con/kg có giá 240.000 đồng/kg, tôm sú loại 40 con/kg có giá 167.000 đồng/kg.


Chế biến cá tra xuất khẩu ở tỉnh An Giang. Ảnh: Huỳnh Trọng

 

Ông Trần Văn Việt – Giám đốc Hợp tác xã Nuôi tôm công nghiệp Thành Công (xã Tân Dân, H.Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) – cho biết, giá tôm các loại cao hơn hẳn năm trước nên nhiều hộ có lời. Ông dự đoán, giá tôm có thể tiếp tục tăng vào dịp cuối năm do các doanh nghiệp đẩy mạnh việc thu mua nhằm chế biến, xuất khẩu.

 

Sở công thương của nhiều tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long công bố, doanh thu từ xuất khẩu tôm trong chín tháng qua tăng. Chẳng hạn, từ đầu năm đến nay, doanh thu từ xuất khẩu tôm của tỉnh Sóc Trăng đạt 820 triệu USD, tăng hơn 13%; của tỉnh Bạc Liêu đạt khoảng 616 triệu USD, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu từ xuất khẩu thủy sản (chủ yếu là tôm) trong chín tháng qua của tỉnh Cà Mau ước đạt 899 triệu USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2021.

 

Vẫn còn nhiều thách thức

 

Theo ông Lê Văn Châu – Giám đốc Công ty TNHH MTV Giang Châu (tỉnh Cà Mau) – xuất khẩu thủy sản thuận lợi ngay từ đầu năm. Có lúc, nhu cầu mua tăng cao nhưng nguồn nguyên liệu không đủ để đáp ứng nên công ty phải hạn chế ký các đơn hàng xuất khẩu. Gần đây, các đơn hàng có giảm nhưng chỉ trong ngắn hạn, bởi sẽ tăng lại vào dịp cuối năm.

 

Lãnh đạo các doanh nghiệp chế biến cá tra để xuất khẩu dự báo, những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, một số thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc nhiều khả năng vẫn cần nhập khẩu cá tra với số lượng lớn. Hiện nay, người nuôi cá da trơn ở Mỹ gặp khó khăn do nắng nóng kéo dài, chi phí thức ăn và nhiên liệu tăng cao.

 

Tuy nhiên, ông Huỳnh Thanh Tân – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến thủy sản Cà Mau – nhận định, đơn hàng từ các thị trường nhập khẩu đang chững lại do ảnh hưởng của lạm phát và suy thoái. Đồng euro và đồng yên Nhật đang mất giá so với đồng USD nên lợi nhuận của các nhà nhập khẩu sẽ giảm, kéo theo nhu cầu nhập khẩu thủy sản giảm.

Mục tiêu xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD năm 2022 sẽ thành hiện thực và có thể được hoàn thành trong tháng 11. Ảnh: vietnamplus.vn

Theo ông, việc Trung Quốc kiểm soát nghiêm ngặt an toàn thực phẩm, dịch bệnh đối với hàng hóa nhập khẩu cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu cá tra. Giá cước vận tải tăng, giá nguyên, vật liệu tăng cũng sẽ tác động đến giá thành sản xuất và xuất khẩu thủy sản… Đây là những thách thức lớn đối với lĩnh vực nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới.

 

Ngoài ra, giá cá tra giống, giá thức ăn cho cá liên tục tăng cao, nguồn cung hạn chế cũng là thách thức đối với người nuôi cá. Ông Nguyễn Thanh Bình – Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp – cho hay, giá cá tra giống vừa tăng 4.000-6.000 đồng/kg, từ 24.000-26.000 đồng/kg lên 30.000 đồng/kg; giá thức ăn thủy sản từ 13.000 đồng/kg tăng lên 15.000 đồng/kg; giá các loại thuốc thú y thủy sản cũng tăng sẽ đẩy giá thành nuôi cá tra từ 24.000-25.000 đồng/kg hiện nay lên 27.000-28.000 đồng/kg trong các đợt tới.

 

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong chín tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt 3,4 tỷ USD, tăng 23%; xuất khẩu cá tra đạt 2 tỷ USD, tăng 82%; xuất khẩu các sản phẩm hải sản đạt 3,2 tỷ USD, tăng 33%. Mục tiêu xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD năm 2022 sẽ thành hiện thực và có thể được hoàn thành trong tháng 11.

 

Huỳnh Trọng – Nguyễn Tấn

Báo phụ nữ

Tin mới nhất

T7,20/04/2024