Đơn hàng giảm sút, doanh nghiệp thủy sản cơ cấu lại thị trường xuất khẩu

Trước những khó khăn do đơn hàng giảm sút tại các thị trường chủ lực như châu Âu, Hoa Kỳ… doanh nghiệp thủy sản đang đổi mới sản phẩm, xúc tiến thương mại, tìm mọi cách để tiếp cận nhu cầu thị trường.

Trong đó, doanh nghiệp đặc biệt cơ cấu lại thị trường, có giải pháp cho từng ngành hàng, từng thị trường, đồng thời sẵn sàng nguồn hàng cho cao điểm cuối năm.

Tập trung vào thị trường Đông Á

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) 5 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 3,47 tỷ USD, giảm đến 25,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, con số này không có ý nghĩa quá tiêu cực, bởi năm 2022 ngành thủy sản Việt Nam đã tăng trưởng đột phá.

Điều đáng quan tâm là, một số thị trường truyền thống của thuỷ sản Việt Nam như: châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc đều có dấu hiệu giảm sút mạnh, nhất là nhu cầu hải sản tươi sống. Trong đó, Hoa Kỳ giảm tới hơn 50%, Trung Quốc giảm 37%.

Trước tình hình này, các doanh nghiệp Việt Nam tập trung vào những đối tác thường xuyên đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia, Canada. Song song đó, doanh nghiệp có những chính sách linh hoạt về giá để tăng sức cạnh tranh, gia tăng xúc tiến thương mại trên các nền tảng thương mại điện tử đối với các sản phẩm thủy sản chế biến có giá trị gia tăng cao.

Để chia sẻ khó khăn chung, không có giải pháp nào hiệu quả hơn là cùng hài hoà lợi ích với đối tác. (Ảnh: NQ)

Bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: Trong khi việc tiếp cận thị trường châu Âu còn khó, sức mua thấp thì giải pháp tiếp nhận nguồn nguyên liệu từ khu vực này để chế biến cung cấp sang cho thị trường Đông Á đang được doanh nghiệp Việt Nam thực hiện linh hoạt. Đồng thời, các hiệp định thương mại tự do không chỉ mở ra cơ hội xuất khẩu mà còn giúp Việt Nam chủ động được nguồn nguyên liệu cho sản xuất.

“Lợi thế rất lớn chính là chúng ta có được nguồn cung nguyên liệu khi mà chúng ta đang bị thiếu hụt nguồn cung ở trong nước, đặc biệt là hải sản khai thác… Đó là lợi thế giải thích cho câu chuyện hàng nhập khẩu để sản xuất, xuất khẩu và chế biến, gia công, xuất khẩu lại cho thị trường như: EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc tăng rất mạnh trong những năm gần đây, nhất là giai đoạn năm 2022 và năm 2023” – bà Lê Hằng nói.

Một số nhà nhập khẩu hàng thủy sản của Việt Nam cũng cho rằng, các thị trường nhập khẩu đều đang khó khăn. Vì vậy, để chia sẻ, doanh nghiệp Việt không có giải pháp nào hiệu quả hơn là cùng điều chỉnh linh hoạt về giá, hài hoà lợi ích với đối tác.

Ông Nguyễn Hoài Ân, Trưởng đại diện Công ty Hanwa tại Việt Nam, một đơn vị chuyên nhập khẩu thuỷ sản vào Nhật Bản nói: “Giai đoạn này phía Nhật cũng thật sự đang rất khó khăn, cho nên về giá cả cần được đơn vị xuất khẩu hỗ trợ tốt hơn hoặc dời thời hạn nhập khẩu lại chậm một chút. Những tháng tới có thể tỷ giá đồng Yên sẽ tốt hơn, lúc đó những nhà nhập khẩu sẽ tăng sản lượng nhập khẩu hàng cho cao điểm cuối năm”.

Hồi phục từ quý 3

Suy thoái kinh tế đang ngấm sâu vào đời sống của nhiều quốc gia trên thế giới khiến sức tiêu thụ các mặt hàng thủy sản giảm sút trong năm 2023 này. Nhưng VASEP dự báo thị trường xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ hồi phục dần từ quý 3.

Việt Nam có gần 280 doanh nghiệp ngành thủy sản và 2/3 trong số đó là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong bối cảnh khát đơn hàng, khó khăn bủa vây như hiện nay, nhiều doanh nghiệp có phương án phân bổ thị trường, đẩy mạnh giao dịch qua sàn thương mại điện tử.

Bà Nguyễn Thị Thúy, Đại lý ủy quyền của sàn thương mại điện từ Alibaba tại Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp vừa và nhỏ cần quan tâm đến tối ưu nhân sự trong vận hành, chăm sóc khách hàng để phát triển thị trường.

Khó nhất là làm sao để có dữ liệu khách hàng, căn cứ vào đó mà tối ưu khâu người mua lẫn người bán và nắm rõ yêu cầu thông tin mặt hàng, chất lượng, mẫu mã… Đặc biệt, doanh nghiệp cũng còn lúng túng trong các thủ tục về giấy tờ, vận chuyển khi giao dịch trên thương mại điện tử.

Theo bà Thúy, doanh nghiệp thuỷ sản nhỏ và vừa cần tìm được đối tác tin cậy để làm thương mại điện tử: “Những khách hàng nhu cầu muốn tìm một đơn vị chuyên về thủy sản để xuất hàng đi, chỉ cần để lại thông tin cần sản lượng bao nhiêu, yêu cầu chất lượng, mẫu mã như thế nào. Phía Alibaba sẽ kết nối đơn hàng đó và hỗ trợ đưa thông tin này về cho doanh nghiệp xem có kết nối, tiếp cận được với khách hàng nào hay không. Quan trọng nhất vẫn là logistics, giấy tờ thủ tục thì chúng tôi sẽ kết nối 2 – 3 đơn vị để hỗ trợ cho doanh nghiệp cần về thủ tục hoặc khâu vận chuyển”.

Với tình hình hiện nay, cơ cấu lại thị trường, tăng cường xúc tiến thương mại với từng đối tượng ngành hàng, từng thị trường… là những giải pháp hiệu quả để mở rộng thị trường tiêu thụ thuỷ sản. Cùng với đẩy mạnh đàm phán trực tiếp để đa dạng hóa nông sản được xuất khẩu chính ngạch sang nhiều thị trường thì giao dịch qua sàn thương mại điện tử đang được nhiều doanh nghiệp thực hiện. Đây là một phần trong kế hoạch tối ưu hóa các chi phí hoạt động xuất khẩu trong bối cảnh khó khăn./.

Nguyễn Quang

VOV-TP.HCM

Tin mới nhất

CN,13/10/2024