Cần quy hoạch nuôi tôm tập trung để nâng sức cạnh tranh của tôm Việt

Đặc điểm của nuôi tôm ở Việt Nam là nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình, mỗi gia đình chỉ nuôi từ 1-3 ha, và không có kênh cấp thoát nước riêng. Nước người này xả ra thì người khác lại lấy vào. Do vậy, nên tỷ lệ sống của tôm thấp. Chính việc nuôi tôm nhỏ lẻ cũng khiến đầu tư cơ sở hạ tầng, đường xá, giao thông cho vùng nuôi rất khó khăn. Việc vận chuyển con giống, thức ăn vào đến vùng nuôi cũng không dễ dàng. Chỉ đi được xe nhỏ để vào thu mua tôm. Thậm chí ở ĐBSCL phổ biến thu hoạch tôm bằng xe máy, phải vài cây số mới tới đường cái nên chất lượng sau thu hoạch bị giảm đi và giá thành sản xuất tăng lên.

Tôm Việt đang bị giảm sức cạnh tranh so với tôm Ecuador, Ấn Độ

So sánh giá thành sản xuất tôm giữa 3 đối thủ cạnh tranh là Việt Nam, Ecuador, Ấn Độ thì giá thành nuôi tôm cỡ 50 con/kg của Ecuador chỉ từ 2,2-2,4 USD, Ấn Độ từ 3,4-3,8 USD trong khi Việt Nam từ 4,8-5,0 USD. Tôm Ấn Độ, Ecuador dù giá bán thấp, nhưng họ vẫn có lời vì giá thành sản xuất của họ thấp.


DN chế biến của Việt Nam phải xoay sở để giá mua tôm nguyên liệu không bị thấp quá vì lo ngại giá nguyên liệu thấp, bà con sẽ không nuôi tôm nữa. DN sau đó tìm cách sản xuất hàng giá trị gia tăng, tiện lợi để nâng giá bán thì mới mong thu được đồng lời.

Năm nay, tình hình thị trường tiêu thụ xấu trong khi Ecuador, Ấn Độ giảm giá tôm liên tục. Hàng khó tiêu thụ, dòng tiền tắc nghẽn, DN buộc lòng phải giảm giá mua, hiện giá thu mua nguyên liệu của Việt Nam cũng chỉ tương đương hoặc cao hơn một chút so với giá Ấn Độ. Nên giá tôm nguyên liệu của Việt Nam năm nay thấp, bà con nuôi tôm sẽ lỗ do giá thành sản xuất cao.

Giá thành sản xuất tôm Việt Nam cao chủ yếu do tỉ lệ nuôi thành công thấp bình quân nói chung dưới 40% trong khi tỷ lệ thành công của tôm Ấn Độ là 60-70%, của Ecuador là hơn 80%.

Sản xuất tôm giống của Việt Nam rất nhỏ lẻ, có những cá nhân thuê trang trại để sản xuất giống, giá bán thấp 20-30 đồng/con nhưng chất lượng kém, dân nuôi giống đó bị tỉ lệ chết nhiều. Giá thành sản xuất con giống chuẩn ít nhất 40-50 đồng/con cộng với chi phí bán hàng, tiếp thị, vận chuyển thì giá tôm post chuẩn phải từ 120-150 đồng/con mới có thể đảm bảo chất lượng. Trong khi giá tôm post của Ecuador từ 180-200 đồng/con, của Ấn Độ từ 150-180 đồng/con. Các DN sản xuất tôm giống của Việt Nam cũng phải cạnh tranh khốc liệt và không có lời.

Vì tỷ lệ sống thấp, giá thành cao, bà con nuôi lỗ, nên các nhà máy thức ăn, các công ty bán vật tư không dám bán thẳng cho người nuôi mà người nuôi phải mua qua đại lý nên giá thức ăn cũng bị đội lên từ 40- 60%. Nên yếu tố cốt lõi để ngành tôm phát triển là nuôi phải có lợi nhuận tốt, lợi nhuận bền vững.

Quy hoạch để giảm giá thành, nâng sức cạnh tranh

Từ trước dịch Covid, Minh Phú cũng đã tài trợ cho các tỉnh quy hoạch cả chuỗi giá trị ngành tôm từ con giống, nuôi đến chế biến XK.

Minh Phú đã tài trợ theo từng tỉnh. Tỉnh Bến Tre, Trà Vinh đã được tỉnh phê duyệt phương án quy hoạch, sau đó tích hợp quy hoạch của tỉnh và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, quy hoạch chưa được phê duyệt. Minh Phú cũng tài trợ cho tỉnh Ninh Thuận để quy hoạch khu sản xuất tôm giống chất lượng cao tập trung.

Việc quy hoạch rất quan trọng vì giúp tạo ra khu sản xuất tập trung, diện tích lớn, đầu tư được hệ thống cấp thoát nước riêng, đồng bộ được cơ sở hạ tầng, giảm các loại chi phí đầu tư và chi phí vận chuyển. Do vậy, bước tiếp theo, Minh Phú mong muốn phá bỏ được tình trạng sản xuất manh mún, hình thành được những khu nuôi tôm tập trung như khu nuôi công nghệ cao tập trung, khu nuôi tôm rừng tập trung, khu nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến tập trung, khu nuôi tôm lúa tập trung…Chỉ những khu nuôi tập trung mới có thể đảm bảo được hệ thống cấp thoát nước riêng.

Minh Phú muốn cả ngành tôm Việt Nam vào cuộc để nâng được năng lực cạnh tranh của ngành tôm Việt Nam từ con giống nuôi tôm, thức ăn, chế biến XK. Ngành chế biến, XK cũng phải nâng cao năng lực liên tục. Hiện năng lực chế biến của Việt Nam thuộc top đầu thế giới nhưng các đối thủ Ecuador, Ấn Độ cũng đang vận động, phấn đấu và có thể đuổi kịp chúng ta giống như Việt Nam trước đây đã đuổi kịp Thái Lan. Trong khi Ấn Độ, Ecuador đã có nhiều thế mạnh về nuôi tôm rồi, nếu họ phát triển tốt khâu chế biến nữa thì chỉ 10 năm nữa, Việt Nam khó có thể cạnh tranh.

Hiện tình trạng nuôi tôm có kháng sinh tiêu tốn khoảng 10 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Đó là chi phí lấy mẫu kiểm kháng sinh tại vùng nuôi, trong nhà máy, trước khi nhập cảnh, thời gian lưu bãi và các chi phí này cộng hết vào giá tôm. Chính tình trạng này khiến Nhật Bản kiểm tra 100% hàng từ Việt Nam trong khi Ấn Độ, Thái Lan không bị. VASEP cần đẩy mạnh hơn nữa trong việc đấu tranh chống bơm chích tạp chất, kháng sinh… trong ngành tôm. Bên cạnh đó, DN cũng phải quan tâm đến các chứng nhận quốc tế. Ngành tôm hiện có 3 chứng nhận chính là BAP, ASC và Global GAP. DN cần quan tâm và hợp tác để triển khai thực hiện.

VASEP cần đẩy mạnh tập hợp sức mạnh đoàn kết

Kỉ niệm 25 năm là một dấu mốc quan trọng, thời gian qua về hoạt động của VASEP, tôi thấy VASEP làm tốt mảng vận động chính sách, giúp DN vượt qua được quy định chưa phù hợp, nâng cao khả năng năng lực của DN. Công tác tổ chức hội chợ, xúc tiến thương mại của VASEP rất tốt. Nhờ đó, có tạo gian hàng chung của Việt Nam, làm cho thương hiệu hình ảnh của thủy sản Việt Nam được nâng lên. Hoạt động đào tạo của VASEP cũng hữu ích, giúp nâng cao trình độ kiến thức cho cán bộ, nhân viên DN.

Tuy nhiên, VASEP cần đẩy mạnh hơn nữa việc tập hợp sức mạnh đoàn kết và liên kết hợp tác được các hội viên. Chuỗi giá trị ngành tôm không chỉ gồm chế biến mà còn có cả giống, nuôi, thức ăn nên các DN phải có sự liên kết chặt chẽ hơn thì mới có thể phát triển thành công.

Thời gian tới, VASEP nên tập trung xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa các bên về nhiều chủ đề ví dụ như liên minh sản xuất con giống, liên minh người nuôi trồng để cộng tác với nhau, nói cho người nuôi hiểu phải xóa bỏ tình trạng nhỏ lẻ, tạo thành khu nuôi tôm tập trung, cùng nhau làm giàu.

Nguồn: VASEP

Tin mới nhất

CN,28/04/2024