Cà Mau phát triển nghề nuôi tôm theo hướng hiện đại

Thủy sản Cà Mau đã có hơn 20 năm “bơi trên biển lớn” nhờ sớm thích ứng với cơ chế thị trường bằng những sản phẩm hàng hóa chất lượng, uy tín, được thế giới công nhận.

Không ngủ quên trên chiến thắng, ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau đang tập trung phát triển sản phẩm thủy sản chủ lực là tôm trên nền tảng liên kết chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng, từng bước đưa thủy sản Cà Mau trở thành ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững.

Nhiều vùng nuôi đạt tiêu chuẩn quốc tế

Là tỉnh duy nhất trong cả nước có 3 mặt giáp biển, Cà Mau có thế mạnh nuôi trồng thủy sản, trong đó, tôm là mặt hàng tạo ra giá trị lớn nhất và là sản phẩm gắn bó mật thiết với đời sống, sinh kế của người dân. Tôm Cà Mau được thả nuôi theo nhiều hình thức: Quảng canh, quảng canh cải tiến, thâm canh, siêu thâm canh… Ðặc biệt, tôm sinh thái Cà Mau có chất lượng và giá trị cao từ hình thức nuôi xen canh tôm-rừng, luân canh tôm-lúa. Đây là thế mạnh không nơi nào có được, góp phần tạo nên thương hiệu tôm Việt Nam nổi tiếng thế giới.

Sản phẩm tôm sinh thái của Công ty Cổ phần Chế biến Thủy sản và Xuất nhập khẩu Cà Mau (Camimex) xuất sang thị trường châu Âu, Hàn Quốc..

Không chỉ phong phú về mô hình, chất lượng tôm Cà Mau còn được đánh giá cao. Là một trong những đơn vị tiên phong trong phát triển mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng, từ năm 2013 đến nay, qua 10 năm kiên trì thực hiện, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã phát triển hơn 9.500ha, với 2.100 hộ nuôi, đạt được 7 chứng nhận quốc tế trong chuỗi sản xuất tôm rừng. Ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, cho biết: “Ngày 26-6-2023, tôm rừng của Việt Nam nói chung, Cà Mau nói riêng đã được cấp chứng nhận BAP. Đây là chứng nhận đầu tiên trên thế giới về mô hình BAP của Mỹ, được xem là lợi thế của tôm Cà Mau khi cạnh tranh với thị trường thế giới. Chúng tôi vận động, tuyên truyền người dân phải bảo đảm về tỷ lệ rừng, bảo đảm về mặt vệ sinh môi trường, đồng thời chấp hành lịch thời vụ nuôi, áp dụng khoa học-công nghệ để nuôi tôm bảo đảm năng suất, chất lượng. Chúng tôi phấn đấu đến năm 2030 sẽ tăng gấp 3 lần diện tích hiện tại”.

Ngoài chứng nhận BAP của Mỹ, hiện hơn 19.000ha mô hình nuôi tôm rừng sinh thái của Cà Mau được nhiều tổ chức chứng nhận theo các tiêu chuẩn quốc tế như: Naturland, EU Organic, Selva Shrimp, ASC…

Cùng với tôm rừng, theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, mới đây, tại huyện Thới Bình, Tổ chức Chứng nhận quốc tế toàn cầu độc lập trong quản lý và giám sát hàng hóa (Control Union) đã trao chứng nhận đạt chuẩn ASC Group cho 565ha tôm sú được nuôi xen canh trên đất trồng lúa tại xã Trí Lực, huyện Thới Bình. Đây không chỉ là diện tích tôm sú được nuôi trên đất lúa đạt chứng nhận ASC Group đầu tiên tại Việt Nam mà còn là đầu tiên của thế giới.

Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh ngành tôm toàn cầu 2023, đoàn chuyên gia, doanh nghiệp đến từ các quốc gia: Bangladesh, Bỉ, Anh, Trung Quốc, Costa Rica, Đan Mạch, Ecuador, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Mozambique, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Colombia, Hoa Kỳ… đánh giá cao mô hình nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu tôm của Cà Mau. Tiến sĩ George Chamberlain, Chủ tịch Trung tâm Thủy sản có trách nhiệm (TCRS) của Hoa Kỳ, nhận định: “Tiềm năng để phát triển thị trường tôm của Cà Mau rất lớn. Cà Mau đang có hệ thống nuôi và chế biến tôm rất chặt chẽ. Chúng tôi cũng đang tham khảo quy trình bảo quản tôm của Cà Mau. Sau khi nghe các nhà sản xuất của Cà Mau nói về sản phẩm, tôi thấy Cà Mau rất nghiêm túc với hình thức nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn, ít tác động đến môi trường. Với hình thức này, con tôm có giá trị cao, mẫu mã đẹp hơn, mang lại những giá trị lớn. Chính vì vậy, đây là lúc các bên cần hợp tác đưa ra những hành động cụ thể và cải thiện những hạn chế để cùng nhau liên kết đưa ngành tôm tiến xa hơn”.

Tăng cường liên kết nâng giá trị xuất khẩu

Cà Mau đặt mục tiêu phát triển ngành tôm trở thành trung tâm lớn nhất vùng Ðồng bằng sông Cửu Long và cả nước, với mô hình tổ chức sản xuất phù hợp, áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Cà Mau, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái, mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế của tỉnh và cả nước. Theo kế hoạch Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Cà Mau vừa được UBND tỉnh ban hành, đến năm 2030, Cà Mau đặt mục tiêu sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 570.000 tấn/năm.

Việc đạt được chứng nhận ASC Group là bước khởi đầu, tạo tiền đề cho tỉnh Cà Mau trong việc đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có hơn 40.000ha lúa-tôm đạt được một trong các chứng nhận quốc tế về ASC Group và một số chứng nhận về hữu cơ khác. Từng bước đưa sản phẩm tôm sú Cà Mau đến với hầu hết thị trường khó tính trên thế giới, không chỉ góp phần nâng cao giá trị con tôm sú địa phương mà còn nâng cao thu nhập bền vững cho nông dân.

Để đạt mục tiêu đề ra, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau đã chủ động, quyết liệt trong quản lý và hỗ trợ người nuôi tôm bằng nhiều giải pháp, như: Tăng cường kiểm soát chất lượng của toàn chuỗi giá trị (từ con giống, thức ăn, thuốc, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản đến quy trình sản xuất, chế biến) nhằm tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế, thực hiện truy xuất nguồn gốc, nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền, hỗ trợ kỹ thuật, ao nuôi cho bà con nông dân…

Đồng chí Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, để ngành tôm Cà Mau phát triển bền vững, theo hướng hiện đại, địa phương đang xây dựng chuỗi liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ giống, thức ăn, thuốc thú y đầu vào cho sản xuất; liên kết giữa người nuôi tôm với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản, thậm chí liên kết với các nhà phân phối, nhà bán lẻ để bảo đảm sản xuất, chế biến, phân phối tôm nằm trong chuỗi khép kín. Tới đây, địa phương sẽ tăng cường chuyển giao, ứng dụng công nghệ, đẩy mạnh việc nhân rộng mô hình nuôi có hiệu quả trong điều kiện biến đổi khí hậu. Khuyến khích áp dụng các quy trình kỹ thuật nuôi mới, hiệu quả, thân thiện môi trường như Biofloc, các mô hình nuôi ít thay nước, nuôi 2-3 giai đoạn, nuôi trồng thủy sản hữu cơ, tiết kiệm năng lượng… Tổ chức lại sản xuất theo hướng hình thành các vùng nuôi quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế vùng, phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

“Cuối năm nay, tỉnh Cà Mau sẽ tổ chức Festival tôm nhằm giới thiệu với bạn bè trong nước và quốc tế về tiềm năng, thế mạnh nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, các quy trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, trong đó chủ lực là con tôm, góp phần kết nối giao thương giữa các vùng, trong và ngoài nước. Qua đó, khẳng định vị thế con tôm là ngành hàng chủ lực, là động lực thúc đẩy kinh tế tỉnh Cà Mau phát triển bền vững”, đồng chí Lê Văn Sử nhấn mạnh.

Bài và ảnh: THÚY AN

Nguồn: qdnd.vn

Tin mới nhất

CN,28/04/2024