Biofloc: Giải pháp mới cho nghề nuôi cá kèo

Đại học Cần Thơ đã cho ra kết quả nghiên cứu thành công về ứng dụng công nghệ Biofloc trong nuôi cá kèo thương phẩm – giải pháp mới cho nghề nuôi cá kèo, góp phần phát triển mô hình nuôi cá kèo bền vững và thân thiện với môi trường.

Lợi ích nuôi theo công nghệ biofloc

Cá kèo (Pseudapocryptes lanceolatus) sống nhiều ở vùng nước lợ, mặn và thường phân bố ở bãi bồi và các vùng rừng đước, sú, vẹt ven biển ĐBSCL và trở thành một trong những loài thủy sản có giá trị kinh tế.

Việc nuôi thương phẩm cá kèo được quan tâm nghiên cứu với các hình thức khác nhau như: nuôi cá kèo trong ao đất, trong bể tuần hoàn và nuôi luân canh trong ao tôm sú. Thực tế, cá kèo chủ yếu được nuôi luân canh trong các ao nuôi tôm với mật độ dao động từ 50 – 150 con/m2 và năng suất đạt trung bình 14,4 tấn/ha/vụ. Khi mật độ nuôi ngày càng cao thì năng suất cá nuôi cũng tăng lên nhưng khả năng gây ô nhiễm môi trường nuôi ngày càng lớn. Biofloc là tập hợp các loại vi sinh vật khác nhau kết lại thành dạng hạt bông có hàm lượng chất lượng dinh dưỡng cao rất tốt cho cá nuôi. Lợi ích của Biofloc là chuyển hóa chất dinh dưỡng từ chất thải hữu cơ thành nguồn protein của cá nuôi làm tăng năng suất và sản lượng. Do đó, sử dụng công nghệ nuôi Biofloc nuôi cá kèo giúp xử lý chất thải hữu cơ và là nguồn dinh dưỡng tốt cho cá sử dụng góp phần kiểm soát chất lượng nước và giảm lượng thức ăn cần cung cấp cho cá. Giải pháp này góp phần nâng cao tính bền vững đối với ao nuôi cá kèo thâm canh do tăng sự tích lũy nitơ vào sản phẩm thu hoạch, giảm nhu cầu protein đối với thức ăn và giảm lượng nước thải chứa nitơ ra môi trường.

>>>> Công nghệ Biofloc: Kích thích phản ứng miễn dịch ở tôm nuôi

Thiết kế hệ thống nuôi

Bể nuôi

Cá được nuôi trong bể composite, bể nuôi được sục khí liên tục, nước nuôi có độ mặn là 15‰.

Mật độ thả

Sự tăng trưởng của cá kèo giảm theo sự tăng mật độ nuôi có thể do nhiều nguyên nhân trong đó chất lượng nước ao nuôi là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng và tỷ lệ sống của cá nuôi. Mật độ nuôi cá kèo theo công nghệ Biofloc là 200 con/m3 trong bể là phù hợp nhất.

Thả giống

Trước khi thả giống kiểm tra lại các chỉ tiêu môi trường nước ao ương, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cá giống, đảm bảo cá không bị sốc với môi trường mới.

Thức ăn

Cho cá ăn bằng thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm 40%. Cá được cho ăn 4 lần/ngày. Lượng thức ăn của cá hằng ngày được xác định dựa theo hướng dẫn của nhà sản xuất, với khẩu phần ăn dao động từ 3 – 10% khối lượng thân/ngày. Trong suốt thời gian nuôi, không thực hiện thay nước và không xi phông.

Gây floc

Nhóm nghiên cứu của Đại học Cần thơ sử dụng bột gạo làm nguồn Carbon để gây floc. Định kỳ bón bột gạo 3 ngày/lần, lượng bột gạo bón vào bể nuôi được tính theo lượng thức ăn cho cá ăn để đạt được tỷ lệ C:N = 15:1. Trước khi bón, bột gạo được khuấy đều với nước 400C theo tỷ lệ 1 bột gạo: 3 nước và được ủ kín trong 48 giờ. Có thể dùng nguyên liệu khác để bổ sung nguồn carbon như rỉ mật đường.

Chăm sóc, quản lý

Thường xuyên theo dõi, kiểm tra các yếu tố môi trường đảm bảo môi trường nuôi ổn định và nằm trong khoảng thích hợp cho sự phát triển của cá nuôi. Cá kèo nuôi theo công nghệ Biofloc cho tỷ lệ sống đạt 91% và sinh khối đạt 2,6 kg/m3, tỷ lệ sống và sinh khối tốt hơn so nuôi trong bể hay trong ao đất. Hệ số thức ăn trung bình: 1,5.

Tuy nhiên, đây mới là kết quả nghiên cứu thử nghiệm trên bể, do đó khi nuôi với quy mô lớn cần có thêm thử nghiệm để xác định tỷ lệ C:N tối ưu trong nuôi cá kèo, cải thiện tốc độ tăng trưởng, năng suất và giảm hệ số thức ăn. Có thể triển khai ứng dụng nuôi cá kèo theo công nghệ ở quy mô lớn hơn.

 Nguyễn Hà

>>> Nuôi tôm trong môi trường Biofloc: Ảnh hưởng của các yếu tố sinh học và phi sinh học

Khi nghề nuôi tôm đang gặp khó khăn lớn về vấn đề dịch bệnh thì việc cá kèo nuôi thành công theo công nghệ Biofloc sẽ giúp người nuôi có thể tận dụng nuôi luân canh với tôm hoặc khi nuôi tôm bị rủi ro thì có thể sử dụng hệ thống bể, ao để nuôi cá kèo.

Tin mới nhất

T5,12/09/2024