Bình Định: Tạo tiền đề phát triển nuôi tôm công nghệ cao

Theo kế hoạch của ngành nông nghiệp về phát triển nuôi tôm công nghệ cao, hiện Chi cục Thủy sản Bình Định đang phối hợp với Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT), các địa phương ven biển xây dựng lộ trình chuyển đổi các vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh đủ điều kiện sang áp dụng công nghệ cao, tăng năng suất và thu nhập cho người dân.

Phân tích của cán bộ chuyên môn Phòng nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản), trước khi áp dụng công nghệ cao toàn diện trong nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, việc chuyển đổi có lộ trình sang một bước trung gian là Semi – Biofloc rất quan trọng. Việc chuyển đổi như thế giúp người nuôi tôm thích ứng dần với kỹ thuật, công nghệ đồng thời không chịu quá nhiều áp lực về vốn đầu tư. Hơn nữa còn giúp ngành chức năng có thêm dữ liệu để điều chỉnh và quy hoạch vùng nuôi công nghệ cao, trong lúc đó người nuôi tôm có thể tích lũy thêm nguồn lực (vốn, kỹ thuật…).

Nhờ tham gia các lớp hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ vay vốn ưu đãi, ông Lương Văn Thân ở huyện Phù Mỹ mạnh dạn chuyển từ nuôi tôm kiểu cũ sang nuôi áp dụng công nghệ Semi – Biofloc. Ảnh: THU DỊU

Trên cơ sở đó, năm 2023, toàn tỉnh đã triển khai chuyển đổi tổng cộng 50 ha vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh sang áp dụng công nghệ Semi – Biofloc. Ông Phạm Thanh Nhân, Trưởng Phòng Nuôi trồng thủy sản (Sở NN&PTNT), trao đổi: Toàn tỉnh hiện đã xây dựng được 6 vùng nuôi tập trung với diện tích 170 ha. Đây là cơ sở để chúng tôi từng bước thực hiện chuyển đổi sang áp dụng công nghệ Semi – Biofloc trong giai đoạn 2023 – 2025; mục tiêu tới năm 2025 sẽ có 148 ha tôm nuôi công nghệ cao. Hiện nay, Chi cục Thủy sản phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, các địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, xây dựng các điểm trình diễn ở Phù Cát, Phù Mỹ và Hoài Nhơn để người dân nắm bắt và học hỏi. Ngoài việc được hỗ trợ về kỹ thuật, người nuôi tôm ở tỉnh có thuận lợi lớn về nguồn giống từ các công ty chuyên sản xuất tôm giống hàng đầu ngay tại địa phương. Chuyển sang áp dụng công nghệ Semi – Biofloc, năng suất tôm cao hơn nhiều đồng thời cũng dễ kiểm soát, giám sát dịch bệnh.

Nói về lợi ích của việc chuyển đổi, ông Lương Thanh Tân (thôn An Xuyên, xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ), cho hay, khoảng 3 năm trở lại đây, nhờ hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ ngành nông nghiệp, gia đình ông chuyển đổi 750 m2 ao nuôi kiểu cũ sang nuôi phủ bạt và sử dụng các chế phẩm vi sinh, ủ rỉ mật đường để nuôi tôm theo công nghệ Semi – Biofloc. Kết quả, 2 ao nuôi giảm dịch bệnh và năng suất tôm đạt khá. “Chuyển đổi sang nuôi theo công nghệ Semi – Biofloc, tôi nuôi 2 vụ/năm, sử dụng tôm giống của Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam. Cách thức nuôi tôm tôi học từ các lớp tập huấn do huyện tổ chức, tham quan mô hình đã có ở Cát Minh và điều chỉnh phù hợp với vùng nuôi của gia đình. Tôi đầu tư 400 triệu đồng cải tạo ao nuôi, trong đó vay một phần từ vốn ưu đãi tạo việc làm của Ngân hàng CSXH huyện Phù Mỹ thông qua kênh của Hội Nông dân xã Mỹ Chánh, nhờ vậy giảm áp lực về tài chính”, ông Tân nói.

Đến nay, tỉnh ta đã có 2 cơ sở nuôi tôm được chứng nhận công nghệ cao với diện tích 164,3 ha, trong đó Công ty TNHH Việt Úc Phù Mỹ 116 ha, Công ty TNHH Thành Ly (Phù Cát) 48 ha. Bình Định đặt mục tiêu đến năm 2025 có thêm 148 ha ao hồ nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, đến năm 2030 tăng lên 197 ha. Để đạt được mục tiêu này, việc chuyển đổi các diện tích nuôi tập trung đủ điều kiện sang áp dụng công nghệ Semi – Biofloc là một bước rất quan trọng. Do vậy, Chi cục Thủy sản tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật; đầu tư xây dựng nâng cấp hạ tầng các vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh tập trung để phù hợp cho việc chuyển đổi về sau.

Thu Dịu

Nguồn: Baobinhdinh.vn

Tin mới nhất

T7,27/04/2024