Ấn Độ: Lo ngại về nguy cơ bị Mỹ áp thuế CVD 6-10%

Trong một diễn biến gần đây, Mỹ cáo buộc rằng xuất khẩu tôm của Ấn Độ được trợ cấp, gây lo ngại về khả năng Ấn Độ bị áp thuế chống bán phá giá (AD) và thuế chống trợ cấp (CVD). Nếu Ấn Độ không thuyết phục được Mỹ và bị áp các mức thuế này, chi phí xuất khẩu tôm Ấn Độ sang Mỹ có thể tăng từ 6 đến 10%.

Hiệp hội các nhà chế biến tôm Mỹ (ASPA) đã khởi xướng động thái này bằng cách kêu gọi Bộ Thương mại Mỹ áp thuế đối với tôm nhập khẩu từ các quốc gia cụ thể, với lý do gây tổn hại cho ngư dân địa phương. Tháng 11/2023, Bộ đã chấp nhận yêu cầu này và mở cuộc điều tra đối với tôm nhập khẩu từ Ấn Độ, Ecuador, Indonesia và Việt Nam, những quốc gia chiếm 90% tổng lượng tôm nhập khẩu vào Mỹ.

Ấn Độ, với giá trị xuất khẩu tôm hàng năm khoảng 2,4 tỷ USD, sẽ phải đối mặt với tác động đáng kể nếu Mỹ quyết định áp thuế. Chỉ riêng bang Gujarat đã đóng góp khoảng 72 triệu USD vào giá trị xuất khẩu này. Hiệp hội các nhà xuất khẩu thủy sản Ấn Độ (SEAI) và Cơ quan Phát triển xuất khẩu sản phẩm thủy sản Ấn Độ (MPEDA) đang tích cực hợp tác với các cơ quan Hoa Kỳ, cung cấp dữ liệu cần thiết và phản bác các cáo buộc do ASPA đưa ra.

Jagdish Fofandi, Phó Chủ tịch MPEDA và Chủ tịch SEAI, giải trình sau tuyên bố của ASPA rằng xuất khẩu của Ấn Độ được chính phủ Ấn Độ trợ cấp thông qua chương trình RoDTEP. Fofandi nhấn mạnh rằng họ đang nỗ lực thuyết phục các nhà chức trách Hoa Kỳ rằng chương trình này phù hợp với sự tuân thủ của WTO và nhằm mục đích hoàn trả thuế nội địa cho các nhà xuất khẩu.

Nếu Ấn Độ không thuyết phục được chính quyền Mỹ và bị áp đặt thuế, điều này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho các nhà xuất khẩu Ấn Độ. Mức thuế được đề xuất 6% đến 10% sẽ làm tăng giá thành sản phẩm của Ấn Độ tại thị trường Mỹ, đòi hỏi phải giảm giá thu mua và ảnh hưởng trực tiếp đến ngư dân Ấn Độ.

Diễn biến này làm tăng thêm những thách thức mà các nhà xuất khẩu Ấn Độ phải đối mặt, bao gồm cả suy thoái kinh tế ở Trung Quốc (thị trường NK 50% lượng xuất khẩu của Gujarat) và nhu cầu chậm chạp từ thị trường châu Âu bị ảnh hưởng bởi lạm phát. Với lượng khách đến nhà hàng giảm trong giai đoạn nhu cầu thủy sản Ấn Độ tăng, tình hình này đặt ra thách thức kép cho các nhà xuất khẩu thủy sản ở Ấn Độ.

Kim Thu

Nguồn: vasep.com.vn

Tin mới nhất

T3,30/04/2024