Thức ăn nuôi tôm tăng giá: Cứ đến hẹn… lại lên

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Đã từ lâu, năm nào cũng vậy cứ đầu năm là các công ty thức ăn nuôi tôm lại có thông báo tăng giá. Thời điểm hiện tại, thức ăn cho tôm tính trung bình chạm ngưỡng 34.000 – 38.000 đồng/ kg, đẩy người nuôi, đại lý và doanh nghiệp vào thế khó…

Giá thức ăn nuôi tôm tăng cao, từ người nuôi đến doanh nghiệp rơi vào thế khó… 

Thức ăn tôm tăng liên tiếp gây ức chế cho người nuôi

Từ năm 2020 đến nay, có thể thấy thức ăn nuôi tôm đã có trên 10 lần điều chỉnh tăng giá bán. Trung bình mỗi lần tăng từ 500-1.000 đồng/kg hoặc hơn. Liên tiếp phải đối mặt với những thông báo tăng giá bán từ doanh nghiệp, đại lý thức ăn tôm, điều này đã khiến người nuôi mang tâm trạng ức chế. Một đại lý thức ăn tôm tại Cà Mau chia sẻ, giá thức ăn tôm tăng liên tiếp và đồng loạt.

Một đại lý có thể bán hàng cho 3-4 doanh nghiệp, vừa mới nhận thông báo tăng giá từ doanh nghiệp này thì hôm sau lại tiếp tục nhận thêm thông báo của những doanh nghiệp khác. Đại lý vừa mới thông báo với người nuôi về giá bán mới thì không lâu sau đó lại tiếp tục cập nhật giá mới cho người nuôi. Mặc dù trước đó có nhận được thông báo tăng giá từ phía doanh nghiệp nhưng đại lý và người nuôi vẫn không tránh khỏi cảm giác khó chịu.

Anh Q.N (TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) chia sẻ, vụ vừa qua, mặc dù nuôi tôm đạt năng suất và kích cỡ tốt nhưng lợi nhuận không nhiều do giá thức ăn tăng cao. Hiện nay, giá tôm giống, thức ăn cho tôm vẫn ở mức cao và đang tăng thêm so với vụ trước, trung bình mỗi bao thức ăn tăng gần 50.000 đồng. Theo ước tính, chi phí sản xuất vụ này tăng khoảng 10% so với vụ trước. “Giá thức ăn cứ tăng đều như thế này, trong khi giá tôm nguyên liệu gần như không có biến động nhiều khiến cho lợi nhuận người nuôi tôm giảm đi rất nhiều. Hiện tại, nếu không áp dụng mô hình an toàn dịch bệnh, nuôi sinh học với khả năng, tỉ lệ sống đạt trên 80% coi như người nuôi không có lãi”.

Ông Nguyễn Văn Bé, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng cũng chia sẻ: “Bà con ở xã Hòa Tú 2, huyện Mỹ Xuyên nuôi theo mô hình bán thâm canh, thả thưa, có cho thức ăn. Tuy nhiên, gần đây giá thức ăn tăng quá cao khiến nhiều hộ không dám thả nuôi”.

Việc các công ty tăng giá thức ăn vào thời điểm khó khăn hiện nay đẩy cả đại lý và người nuôi vào thế khó. Bởi lẽ, đại lý tăng giá thì dễ mất khách nhưng nếu không tăng giá thì không có lời. Nhiều đại lý cũng phải vay ngân hàng để mua cám vì công ty không bán nợ. Trong khi đó, người nuôi lại có xu hướng “Ăn trước trả sau” nếu được mùa mới có tiền trả đại lý, còn không thì nợ “dai dẳng” từ năm nay qua tháng nọ khiến đại lý rơi vào thế khó. Cái khó của người nuôi những năm qua là vấn đề dịch bệnh nên khi nuôi lại gặp giá thức ăn tăng khiến người nuôi khó khăn nay lại càng khó khăn hơn.

Doanh nghiệp đồng cảm với người nuôi

Ngay từ những ngày đầu của vụ nuôi 2023, giá thức ăn tôm tiếp tục được điều chỉnh lên một mức giá mới. Cụ thể, từ ngày 15/2/2023, Công ty TNHH Nutreco International (Việt Nam) chi nhánh Thuận Đạo điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm thức ăn cho tôm thêm 1.500 đồng/kg. Nguyên nhân được công ty đưa ra là do nguồn nguyên liệu nhập khẩu khan hiếm và tăng giá liên tục từ Quý 3/2022. Nhằm đảm bảo, nâng cao chất lượng sản phẩm, lựa chọn nguồn nguyên liệu tốt nhất và duy trì giá bán ổn định trên thị trường. Công ty TNHH Thức ăn Thủy sản GROWMAX áp dụng giá bán mới với các thức ăn tôm ở mức 1.500 đồng/kg và tăng 800 đồng/kg đối với sản phẩm Specific, giá mới được áp dụng từ ngày 18/02/2023. Công ty TNHH Uni-President Việt Nam cũng điều chỉnh mức tăng 1.200 đồng/kg đối với các sản phẩm thức ăn cho tôm. Grobest điều chỉnh tăng 1.000 đồng/kg thức ăn. Tương tự, Công ty Khoa Kỹ sinh vật Thăng Long sau nhiều lần im lặng giữa cơn bão giá cũng buộc phải đưa ra thông báo điều chỉnh mức giá bán sản phẩm thức ăn tôm từ lên 1.200 đồng/kg so với trước đó.

Lý giải cho nguyên nhân tăng giá, đại diện Tập đoàn Thăng Long chia sẻ, thời gian qua giá nguyên liệu đầu vào dùng trong sản xuất thức ăn tôm tăng cao và chưa có dấu hiệu dừng, một loạt các doanh nghiệp liên tiếp điều chỉnh giá bán sản phẩm. Thấu hiểu và đồng cảm với khách hàng của mình, Thăng Long vẫn cố gắng duy trì để người nuôi có thể hưởng mức giá tốt nhất trong thời gian dài nhất. Thời điểm này, doanh nghiệp buộc phải đưa ra thông báo điều chỉnh mức giá bán để có thể cân đối được sản xuất. Việc kéo dài thời gian trước khi điều chỉnh giá bán này có thể coi là một sự chia sẻ gánh nặng chi phí cho người nông dân của doanh nghiệp.

Tương tự, nhằm giảm bớt áp lực cho người nuôi tôm tại thời điểm khó khăn này, Grobest Việt Nam đã áp dụng giải pháp tăng giá đối với từng loại sản phẩm mỗi đợt. Cụ thể, tháng 1 năm 2023, doanh nghiệp đưa ra mức điều chỉnh tăng giá bán mặt hàng thức ăn thường và đến tháng 3/2023, doanh nghiệp mới tiếp tục điều chỉnh mức giá bán dòng sản phẩm tăng trọng.

Theo Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), từ giữa năm 2020, giá nguyên liệu làm thức ăn thuỷ sản, thức ăn chăn nuôi có dấu hiệu đi lên và càng đến gần cuối năm 2020 đầu năm 2021 giá càng tăng mạnh. Đến nay, giá vẫn chưa có chiều hướng giảm. Các doanh nghiệp thức ăn thuỷ sản, thức ăn chăn nuôi được coi là đối tượng ảnh hưởng đầu tiên khi hầu hết đều trong tình trạng thiếu hụt nguồn cung, vừa sản xuất, vừa chờ nguyên liệu dẫn đến hoạt động sản xuất đình trệ. Nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn tôm không thể mua nguyên liệu theo quý, theo năm như trước mà chỉ mua theo từng tháng. Theo thông tin từ một số doanh nghiệp, một số nguyên liệu tăng cao nhất có thể kể đến như: Bã nành, lecithin (phụ gia), dầu cá nước ngọt, bột thịt gà, sắn lát, cám gạo nguyên dầu… Điều này lý giải cho nguyên nhân giá một số loại thức ăn tôm cũng tăng từ 1.000 – 1.700 đồng/kg. Ông Bùi Phước Kỳ Nam, Giám đốc Marketing mảng thức ăn chăn nuôi Công ty CJ Vina Agri cho rằng, rất khó để can thiệp vào những thách thức chung của thị trường, như lạm phát, sự tăng giá các nguyên liệu sản xuất.

Có thể thấy, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn nuôi tôm cũng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, áp lực, khi vừa phải đối mặt với giá nguyên liệu sản xuất, logistics tăng vừa phải tìm giải pháp duy trì những khách hàng của mình.

Chung tay vượt khó

Trước tình hình giá thức ăn tăng cao, Bộ NN&PTNT đã đề ra nhóm các nhiệm vụ. Trọng tâm là triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm kiểm soát chất lượng và giá thức ăn thủy sản, giúp cho người nuôi trồng ổn định sản xuất. Tránh lợi dụng để tăng giá bán thức ăn thủy sản bất hợp lý.

Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục đàm phán với các nước cung cấp nguyên liệu chính cho ngành sản xuất thức ăn thủy sản để có nguồn cung ổn định với giá thành phù hợp. Chỉ đạo các cục, vụ, viện phối hợp nghiên cứu, tìm kiếm giải pháp công nghệ về nguồn cung thay thế các nguyên liệu đang khan hiếm và có giá thành cao để sản xuất thức ăn thủy sản.

Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị các tỉnh, thành phố quan tâm đầu tư phát triển các mô hình liên kết chuỗi để giảm trung gian, giảm giá thành sản xuất thức ăn thủy sản nói riêng, chăn nuôi nói chung. Đồng thời, các doanh nghiệp tích cực đồng hành, không tăng giá thức ăn để chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi trong giai đoạn hiện nay.

Có thể nói, đây là thời điểm khó khăn chung kể cả từ người nuôi cho đến doanh nghiệp sản xuất. Doanh nghiệp có cách tự cứu mình bằng cách tăng giá. Người nuôi tôm có thể tự cứu mình bằng cách tìm phương án giảm chi phí sản xuất như nuôi thưa, nuôi về kích thước lớn, nuôi tận dụng thức ăn tự nhiên… Thông cảm cho nhau chính là cách tốt nhất để cùng vượt qua khó khăn trong giai đoạn này.

 Ngọc Anh

Tin mới nhất

T3,30/04/2024