Ứng dụng mô hình, kỹ thuật mới trong nuôi trồng thủy sản

Trong điều kiện khó khăn trước thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng tổng sản lượng nuôi trồng thuỷ sản năm nay đạt hơn 19,2 ngàn tấn, tăng 4,67% so với năm trước. Đó là kết quả ghi nhận tại hội nghị tổng kết sản xuất thuỷ sản năm 2022 do Chi cục Thuỷ sản tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức ngày 16/12.


Thu hoạch cá

Nuôi tôm chân trắng trên cát toàn tỉnh đang có xu hướng phát triển, từng bước hướng đến nuôi chuyên nghiệp, tuy nhiên ở vùng Ngũ Điền gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh liên tục xảy ra.

Một số diện tích nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh phải chuyển sang nuôi ốc hương, cá kình, cá nước lợ nhưng với số lượng chưa nhiều. Tuy vậy, tín hiệu vui khi các hộ nuôi tôm chân trắng trên cát ở khu vực sông Bù Lu, xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc) đạt năng suất trung bình 12-15 tấn/ha. Một số hộ điển hình cho lãi ròng từ 900 triệu đến 1 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Phương-một hộ nuôi trồng thủy sản chia sẻ, thành công nuôi tôm trên cát trong năm nay phải kể đến việc ứng dụng các biện pháp nuôi an toàn, theo hướng công nghiệp; chú trọng việc chọn giống, thức ăn chất lượng. Quá trình nuôi, chủ yếu sử dụng các chế phẩm sinh học, hoàn toàn không sử dụng hoá chất, kháng sinh phòng trừ dịch bệnh.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh thông tin, trong điều kiện biến đổi khí hậu, môi trường thay đổi thất thường, đột ngột, ngành thuỷ sản cùng với các địa phương đang triển khai ứng dụng một số mô hình nuôi tôm công nghệ cao, bước đầu mang lại hiệu quả. Một số cơ sở nuôi tôm bắt đầu chuyển sang nuôi bằng ao tròn quy mô nhỏ, áp dụng nuôi tôm chân trắng “2-3 giai đoạn”, quy trình CPF combine, biofloc…có hiệu quả bước đầu.

Một số cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm công nghệ cao DEMO – “3 giai đoạn”, bằng ao tròn xây nổi, lót bạt tại xã Điền Hương (Phong Điền). Tuy nhiên, để mô hình mang lại hiệu quả ổn định, bền vững, ngành thuỷ sản đang tiếp tục triển khai mô hình thí điểm, trình diễn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho các hộ nuôi.


Từng bước chuyển sang nuôi bằng ao tròn

Nuôi thuỷ sản trong ao nước lợ vùng đầm phá chủ yếu là nuôi xen ghép nhiều đối tượng tùy theo địa phương. Đối tượng chính hiện đang được người dân chuyển sang nuôi là tôm chân trắng, cá kình, cua, tôm sú, cá dìa… Một số diện tích nuôi chuyên cá dìa, cá kình tiếp tục được duy trì có hiệu quả tốt. Hình thức nuôi ao nước lợ vùng đầm phá trong năm 2022 được đánh giá mang lại hiệu quả, khá bền vững. Năng suất bình quân ước đạt 0,6 – 0,8 tấn/ha, lãi 40-60 triệu đồng/vụ. Một số hộ nuôi điển hình đạt doanh thu hàng trăm triệu đồng, trừ chi phí đầu tư, lãi trên 100 triệu đồng/vụ.

Nuôi thủy sản lồng, bè tiếp tục mang lại hiệu quả khá cao và ổn định, giúp người dân cải thiện kinh tế đáng kể. Trong năm qua, số lồng nuôi trên các sông và đầm phá có giảm, tại một số địa phương đã quan tâm sắp xếp, bố trí lại khoảng cách các lồng nuôi nên giảm tình trạng cá nuôi lồng chết do thiếu oxy cục bộ. Tuy nhiên, việc sắp xếp hệ thống nuôi lồng bè, nuôi chắn sáo, nuôi giàn nhuyễn thể ở trên sông, vùng đầm phá tại một số địa phương chưa quyết liệt, chưa đúng với quy định của tỉnh.

Bên cạnh các đối tượng nuôi cá nước ngọt truyền thống cho năng suất và thu nhập ổn định, một số đối tượng thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao, được đầu tư cơ sở hạ tầng nuôi đảm bảo đã mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Chẳng hạn như nuôi cá lăng, cá chình bằng lồng trên sông, hồ chứa, nuôi ốc bưu đen (ốc nhồi) trong ao tại huyện Phong Điền; nuôi cá chình trong bể xi măng tại xã Vinh Mỹ (Phú Lộc), nuôi cá tầm trong ao nước chảy tại huyện A Lưới… bước đầu mang lại hiệu quả.

Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế

Tin mới nhất

T3,30/04/2024