Tìm lời giải cho giá tôm sinh thái

Ðể tháo gỡ những khó khăn, đi tìm giải pháp nâng cao giá trị con tôm sinh thái tạo được sự hài hoà giữa hộ nuôi tôm sinh thái với đơn vị thu mua. Cà Mau tổ chức Hội thảo về thực trạng và giải pháp nuôi tôm sinh thái theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Huyện Ngọc Hiển, Cà Mau có diện tích đất lâm nghiệp kết hợp nuôi thuỷ sản là 53.065ha với 11.379 hộ sản xuất, trong đó nuôi sinh thái 20.000 ha; các tổ chức quốc tế chứng nhận 9.311 ha với 1.821 hộ. Ðã qua, mô hình nuôi tôm sinh thái đạt hiệu quả, năng suất đạt bình quân khoảng 200-220 kg/ha/năm, tăng 20-40 kg/ha/năm so với năm 2021. Thời gian qua, huyện Ngọc Hiển luôn kêu gọi các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm liên kết với các hộ nuôi tôm sinh thái trên địa bàn nhằm bao tiêu sản phẩm, ổn định đầu ra, nâng cao giá trị kinh tế.

Tuy nhiên, ghi nhận thực tế, giá tôm sinh thái hiện nay thu mua còn thấp, người dân chưa hưởng lợi nhiều. Các chính sách hỗ trợ kèm theo trong dịch vụ chăm sóc, bảo vệ rừng chưa được đồng bộ. Hộ nuôi tôm sinh thái kiến nghị đến các đơn vị thu mua cần bao tiêu sản phẩm, thu mua tôm sinh thái cao hơn thị trường từ 3.000 đồng/kg trở lên.


Mô hình nuôi tôm sinh thái. Ảnh: Tép Bạc

Ông Bùi Văn Sĩ, hộ nuôi tôm sinh thái ở ấp Tắc Biển, xã Viên An Ðông, cho biết, gia đình bắt đầu nuôi tôm sinh thái năm 2017, với khoảng 6 ha, mỗi năm thu nhập trên 230 triệu đồng. “Việc phát triển mô hình nuôi tôm sinh thái là chủ trương hợp lòng dân, bởi hộ tham gia vào mô hình nuôi tôm sinh thái được hưởng lợi rất nhiều về năng suất tôm nuôi đạt cao, môi trường nước nuôi tôm hạn chế ô nhiễm. Tôi mong đơn vị thu mua Minh Phú hỗ trợ giá thu mua cao hơn giá thị trường, bởi hiện nay giá tôm sú sinh thái được thu mua vẫn ngang bằng giá thị trường, người dân chưa hưởng lợi về giá theo ký kết ban đầu”, ông Sĩ mong muốn.

Ðể được chứng nhận về diện tích nuôi tôm sinh thái, hộ dân cần tuân thủ nghiêm ngặt về quy trình nuôi, phải ghi chép đầy đủ, con giống phải đạt chứng nhận sinh thái, môi trường nuôi phải sạch, đảm bảo diện tích rừng che phủ 40%.


Tôm sinh thái dưới tán rừng Cà Mau. Ảnh: Tép Bạc

“Mô hình nuôi tôm sinh thái là bước đột phá và còn là định hướng quan trọng của Huyện uỷ, UBND huyện để nâng cao năng suất, chất lượng tôm nuôi. Tuy nhiên, mô hình nuôi tôm sinh thái trên địa bàn huyện vẫn còn những khó khăn nhất định, cần sự hỗ trợ từ các ngành chuyên môn để những hộ nuôi tôm sinh thái được hưởng lợi về kinh tế con tôm sinh thái”, ông Lâm Sỹ Em, Phó chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gốc, chia sẻ.

Theo ông Ðoàn Hữu Nghị, Phó giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ (trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ), việc phân phối lợi ích về nuôi tôm sinh thái chưa rõ ràng, chưa kích thích hộ dân phát triển mô hình. “Cụ thể, những hộ trực tiếp nuôi tôm sinh thái, tạo ra sản phẩm hàng hoá nhưng được hưởng lợi rất thấp, chỉ khoảng 0,8% (theo điều tra khoa học của ngành); riêng đối với công ty thu mua tôm sinh thái, họ bỏ ra rất ít (vốn hỗ trợ người dân) nhưng lợi nhuận hơn 54%. Do vậy, để hộ nuôi tôm sinh thái hưởng lợi cần có sự hài hoà với nhau giữa người bán và người mua. Người mua nên chia sẻ lợi nhuận hợp lý cho hộ nuôi tôm sinh thái, có như vậy vùng nuôi tôm sinh thái mới phát huy và giữ vững thương hiệu”, ông Nghị phân tích và đề xuất.

Chí Hiếu

Báo Cà Mau

Tin mới nhất

T2,29/04/2024