Trà Vinh giúp nông dân phát triển mô hình nuôi tôm sinh thái kết hợp với du lịch

Được sự hậu thuẫn về vốn của Agribank Chi nhánh Duyên Hải – Trà Vinh, mô hình nuôi tôm sinh thái – kết hợp với du lịch đã không ngừng phát triển tại xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Mô hình này không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ ‘lá phổi xanh’ của địa phương trước những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu mà còn tạo điều kiện giúp bà con nông dân phát triển kinh tế.

Tỉnh Trà Vinh có đường bờ biển dài 65km, rất lợi thế để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, do tình hình biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, thời tiết và môi trường nuôi thay đổi thường xuyên, khiến nghề này tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Cán bộ Agribank thăm mô hình của ông Lê Minh Nguyện ở xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.

Nhằm giảm thiểu rủi ro cho người nuôi tôm, tỉnh Trà Vinh chủ trương đa dạng hóa hình thức nuôi thủy sản thích ứng biến đổi khí hậu. Mô hình nuôi tôm dưới tán rừng đang được ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh khuyến khích người dân vùng ven biển áp dụng và nhân rộng. Bởi mô hình này đem lại lợi ích “kép”- vừa đạt hiệu quả kinh tế cao, vừa tăng dần độ che phủ diện tích rừng ngập mặn.

Thời gian gần đây, nhiều bà con huyện ven biển Duyên Hải và thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh đang tập trung mở rộng Mô hình nuôi tôm sinh thái Rừng – Tôm, trong đó con tôm sú được thả nuôi nhiều nhất.

Không chỉ vậy, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư nuôi tôm sinh thái kết hợp với du lịch. Đây được xem là hướng đi mới, đem về lợi nhuận khá cho bà con nông dân. Đồng thời, mô hình này còn góp phần bảo vệ môi trường trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt hơn.

Ông Lê Minh Nguyện, ngụ xã Trường Long Hòa (thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) đã thực hiện Mô hình rừng – tôm hơn 5 năm nay. Trên diện tích 4 ha đất của gia đình, ông Nguyện bố trí đào ao và trồng các loại cây rừng, như: đước, sú, mắm, theo tỷ lệ 40% rừng – 60% mặt nước ao để tạo bóng mát và làm nơi trú ngụ cho tôm cùng các loài thủy sản khác. Mỗi năm, ông Nguyện thả nuôi khoảng 50.000 con tôm sú giống và 6.000 con cua biển giống. Toàn bộ quá trình nuôi, chỉ bỏ vốn mua con giống, chi phí thức ăn không đáng kể, thu nhập mỗi năm khoảng 350 triệu đồng.

Tận dụng môi trường sinh thái, mát mẻ và trong lành, năm 2019 ông Nguyện quyết định đầu tư cơ sở vật chất, trồng thêm hoa tạo cảnh quan đẹp mắt, đón khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm câu tôm, câu cua, câu cá và thưởng thức ẩm thực tại rừng. “Năm nay, thu nhập cũng đỡ hơn trước, đời sống cũng thấy ổn định và khỏe hơn”, ông Nguyện chia sẻ.

Lợi thế của mô hình rừng – tôm là được thu hoạch chọn lựa dần (tôm đạt kích cỡ loại I (10 con/kg trở lại), cua gạch, cua thịt từ 2- 3 con/kg). Nhờ chủ động được thời điểm thu hoạch nên không bị thất thu khi gặp vào thời điểm ngoài thị trường tôm, cua sụt giá. Ngoài ra, giá tôm sú, cua được nuôi sinh thái luôn được các đại lý thu mua với giá cao hơn tôm, cua nuôi thâm canh khoảng 20% trở lên.

Nói về hiệu quả của các mô hình này, ông Nguyễn Văn Uôl – Chủ tịch UBND xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh – cho biết: Nuôi tôm thiên nhiên kết hợp trồng rừng cho hiệu quả cao hơn việc phá hết rừng để nuôi tôm (độc canh). Tuy nhiên, để nuôi tôm sinh thái hiệu quả và có thể kết hợp phát triển du lịch thì đòi hỏi người dân cũng phải đầu tư kinh phí khá cao như: đào ao, con giống chất lượng, tạo cảnh quan hài hòa, gần gũi với thiên nhiên để hấp dẫn du khách.

Theo ông Nguyễn Văn Uôl, để giúp bà con nông dân yên tâm phát triển nuôi tôm – rừng gắn với du lịch sinh thái, Agribank Chi nhánh Duyên Hải – Trà Vinh luôn kịp thời hỗ trợ về vốn để người dân mạnh dạn triển khai mô hình, vươn lên làm giàu. “Thời gian qua cũng nhờ sự đồng hành và hỗ trợ về vốn của Agribank nên người dân nói chung và người nuôi trồng thủy sản nói riêng có điều kiện phát triển kinh tế, phát triển về nhiều mặt”- ông Uôl cho biết thêm.

Cũng theo ông Uôl, mô hình tôm – rừng cho thu nhập không cao như nuôi công nghiệp nhưng rất ổn định, vì tôm nuôi ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong điều kiện biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, thực hiện mô hình này bà con có thể kết hợp với du lịch sinh thái đem lại lợi nhuận khá cao. Đây là hướng đi vô cùng đúng đắn và có tiềm năng phát triển mạnh trong tương lai. Khi mô hình này được quan tâm đúng mức, dự kiến đến năm 2025, địa phương sẽ có thêm khoảng 800 ha rừng được trồng mới, nâng tổng diện tích rừng ngập mặn của tỉnh đạt khoảng 10.000 ha (nâng độ che phủ rừng đạt 4,2 %), góp phần quan trọng bảo vệ môi trường sinh thái, phòng chống thiên tai, tạo sinh kế bền vững cho các hộ dân vùng ven biển.

Được biết, đến nay tổng dư nợ cho vay của Agribank Chi nhánh Duyên Hải – Trà Vinh đạt gần 995 tỷ đồng (với trên 2.200 hộ), trong đó tỷ lệ cho vay phục vụ nông nghiệp, nông thôn chiếm 85% trên tổng dư nợ.

Hà Vy – Minh Khương

Nguồn Thời Đại

Tin mới nhất

CN,28/04/2024