Vermiform và bệnh phân trắng trên tôm

Vermiform là một trong những tác nhân gây ra bệnh phân trắng trên tôm thẻ chân trắng, vậy nguyên nhân chính, sự ảnh hưởng và cách xử lý như thế nào, chúng ta cùng tham khảo chuyên đề kỹ thuật sau.

Vermiform là một trong những tác nhân gây ra bệnh phân trắng trên tôm thẻ chân trắng (Ảnh minh họa)

 

Bên cạnh các bệnh thường gặp như hoại tử gan tụy cấp, đỏ thân, đốm trắng… thì bệnh phân trắng do Vermiform ngày càng phổ biến. Tỷ lệ mẫu tôm có xuất hiện Vermiform được hệ thống Lab Công ty TNHH Tongwei Vietnam kiểm tra khá cao chiếm khoảng 90% lượng mẫu.

 

Vermiform không phải là ký sinh trùng

Bên cạnh những nguyên nhân gây hội chứng phân trắng cho tôm thẻ chân trắng hiện nay như vi khuẩn, ký sinh trùng, môi trường ao nuôi ô nhiễm… Vermiform là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất hiện nay. Vermiform có hình dạng tương tự như ký sinh trùng Gregarine, nên thường được chẩn đoán nhầm.

Hình 1: Hình thái Vermiform (1a); Gregagrine (1b)

 

Vermiform có kích thước hiển vi, không vận động, không có cấu trúc của một cơ thể sống (không có các bào quan dưới tế bào như ti thể, nhân, lưới nội chất và ribosome).

Vermiform được xác định là kết quả của sự biến đổi, bong tróc và tập hợp các vi nhung mao từ các tế bào biểu mô của ống gan tụy. Xuất hiện ở gan tụy tôm, sau đó được đẩy xuống ruột và có thể tích tụ ở ruột (Sriurairatana & cs., 2014).

Hình 1: Vermiform trong gan tụy tôm (1c,d); Vermiform trong ruột tôm (1e,f)

 

Vermiform là kết quả của quá trình bệnh lý

Nguyên nhân dẫn đến hình thành Vermiform hiện chưa rõ, nhưng sự hình thành Vermiform do mất vi nhung mao và sự ly giải tế bào sau đó, cho thấy đây là một quá trình bệnh lý (Sriurairatana & cs., 2014).

Hình 2. Gan tụy tôm xuất hiện nhiều Vermiform  (2a) Số lượng Vermiform ít, tế bào lipid và hình dạng ống gan bình thường; (2b) Số lượng Vermiform trung bình, tế bào lipid giảm ; (2c) Số lượng Vermiform cao, tế bào lipid ít; (2d) Gan tụy mất tế bào lidid, ống gan mất cấu trúc.

 

Ảnh hưởng

Sự xuất hiện Vermiform ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa, hấp thu chất dinh dưỡng của tôm nuôi. Đồng thời, làm giảm tỷ lệ sống, tôm phát triển chậm, dễ nhiễm các mầm bệnh cơ hội như vi khuẩn, virus… Trường hợp nghiêm trọng, Vermiform với số lượng nhiều có thể dẫn đến hình thành các chuỗi phân trắng, kết hợp với các tác nhân cơ hội gây ra hội chứng phân trắng cho tôm nuôi.

Hình 4 (a) Chuỗi phân trắng nổi trên mặt nước; (b) Chuỗi phân trắng trên sàn ăn; (c) Ruột tôm bệnh có màu trắng ; (d) Ruột tôm bệnh có màu vàng nâu; (e) Soi tươi ruột tôm chứa nhiều Verniform.

 

Cách phòng ngừa

Hiện nay, Vermiform có thể được phát hiện bằng cách soi tươi mẫu gan tụy và ruột tôm dưới kình hiển vi. Vì thế, để sớm phát hiện và có biện pháp khắc phục kịp thời, bà con nên kiểm tra mẫu tôm định kỳ.

Vì Vermiform không phải là ký sinh trùng nên hạn chế xổ bằng các hóa chất chuyên trị ký sinh trùng. Nên lựa chọn các sản phẩm có chiết xuất thảo dược để giảm tổn thương gan, ruột.

Cần kết hợp đánh giá tình trạng gan, ruột, mật độ, hình dạng vermiform để đưa ra biện pháp xử lý phù hợp nhất.

Theo: Tongwei Việt Nam

Tin mới nhất

CN,28/04/2024