Phú Yên: Tiếp tục đầu tư, quản lý thủy sản để ổn định vùng nuôi

Để nuôi trồng thủy sản năm 2020 thành công, Sở NN-PTNT Phú Yên xây dựng kế hoạch lịch thời vụ cho từng đối tượng nuôi, từng vùng nuôi và yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quản lý.

Nhiều vùng nuôi chưa đồng bộ

Theo Sở NN-PTNT, năm 2019 trên địa bàn tỉnh có khoảng 2.650ha nuôi thủy sản, trong đó nuôi tôm nước lợ chiếm hơn 80% tổng diện tích; sản lượng khoảng 12.600 tấn (tăng khoảng 6,9% so với năm 2018). Tuy nhiên, hiện nay số lượng lồng bè đang thả nuôi thủy sản tại các địa phương vượt hơn 2 lần so với quy hoạch, với tổng số hơn 105.320 lồng.

Từ đầu năm 2019 đến nay, khoảng 90ha nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú bị bệnh, chủ yếu tôm bị bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp. Đối với nuôi thủy sản lồng bè, tháng 3/2019, tại xã Xuân Phương (TX Sông Cầu) có khoảng 12.900 con tôm hùm chết do ô nhiễm môi trường; tháng 5/2019 tại xã An Ninh Đông (huyện Tuy An) có khoảng 10.700 con cá mú và cá hồng nuôi lồng chết do vi rút, vi khuẩn gây bệnh.

Ông Nguyễn Văn Bảy nuôi tôm ở xã Hòa Tâm (huyện Đông Hòa), cho biết: Năm 2019, gia đình tôi thả nuôi 3 hồ với diện tích khoảng 10.000m2 tại vùng nuôi hạ lưu sông Bàn Thạch. Vụ nuôi thứ nhất, do tình hình thời tiết có nhiều bất lợi nên khi thả nuôi khoảng 1 tháng thì tôm có dấu hiệu chậm lớn và chết lai rai. Các vụ nuôi tiếp theo có thuận lợi hơn nhưng tôm nuôi cũng kém phát triển, lợi nhuận thu được cũng không cao. Hiện gia đình tôi đang cải tạo 3 hồ nuôi nói trên để tiếp tục nuôi tôm thẻ chân trắng năm 2020 và dự kiến sau Tết Nguyên đán sẽ thả giống.

Theo ông Đỗ Kim Đồng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa, đơn vị và các địa phương có nuôi thủy sản trên địa bàn đã triển khai lịch thời vụ và hướng dẫn công tác cải tạo, xử lý ao hồ trước khi nuôi vụ mới năm 2020. Để vụ nuôi năm 2020 thành công, Phòng NN-PTNT huyện đang phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh tăng cường quản lý nguồn giống thủy sản, hướng dẫn người nuôi sử dụng chế phẩm sinh học và xử lý nước thải tại các ao nuôi trước khi thải ra môi trường. Khó khăn nhất hiện nay là cơ sở hạ tầng vùng nuôi chưa được đầu tư đồng bộ, đặc biệt là vùng nuôi hạ lưu sông Bàn Thạch.

Ông Lê Văn Ngọc ở xã Xuân Phương (TX Sông Cầu) cho biết: Thời gian qua, tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại vùng nuôi có giảm so với năm trước. Tuy nhiên, công tác quản lý vùng nuôi vẫn chưa tốt, cụ thể là tháng 3/2019, ở vùng nuôi này tiếp tục xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường khiến tôm hùm nuôi chết hàng loạt. Năm 2019, người nuôi tôm hùm ở TX Sông Cầu gặp một số khó khăn, do rớt giá nên tôm nuôi đến kỳ thu hoạch mà không thể xuất bán. Nhiều người nuôi đã giữ tôm kéo dài làm cho chi phí tăng cao, gặp rủi ro do bão lũ.

Cụ thể, bão số 5 đã đổ bộ vào Sông Cầu và gây thiệt hại nhiều đối tượng thủy sản nuôi ở địa phương. Người nuôi thủy sản kiến nghị UBND TX Sông Cầu sớm sắp xếp ổn định các vùng nuôi để người dân yên tâm sản xuất… Ông Nguyễn Thái Hải Anh, Phó Phòng Kinh tế TX Sông Cầu, cho biết: TX Sông Cầu tiếp tục triển khai sắp xếp, giao mặt nước nuôi trồng thủy sản cho các địa phương và tăng cường kiểm soát, ngăn chặn tình trạng phát sinh số lượng lồng nuôi thủy sản mới.

Đến nay, UBND TX Sông Cầu đã phê duyệt 5 phương án sắp xếp, giao mặt nước nuôi trồng thủy sản của các địa phương gồm Xuân Yên, Xuân Đài, Xuân Thành, Xuân Phương và Xuân Thịnh, đồng thời đã công nhận 9 tổ chức cộng đồng nuôi trồng thủy sản (Xuân Đài: 2, Xuân Yên: 3, Xuân Phương: 4) và đã giao quyền sử dụng khu vực mặt nước biển cho 2 tổ chức cộng đồng của phường Xuân Đài. Phòng Kinh tế TX Sông Cầu phối hợp với các địa phương có nuôi trồng thủy sản trên địa bàn triển khai lịch thời vụ năm 2020 đến từng địa phương, người nuôi để chủ động sản xuất.

Tăng cường công tác quản lý

Ông Lương Công Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TX Sông Cầu, cho biết: Địa phương kiến nghị Sở NN-PTNT tăng cường kiểm soát chặt chẽ nguồn giống tôm hùm nhập về Phú Yên và thường xuyên kiểm tra các cơ sở kinh doanh tôm hùm giống nếu vi phạm thì xử lý nghiêm. Sở NN-PTNT cần tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động thủy sản tại các đầm, vịnh; có các giải pháp phòng chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi vụ mới năm 2020.

Còn theo ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An, để triển khai nuôi trồng thủy sản ổn định hơn, địa phương đang quy hoạch chi tiết các vùng nuôi, tiến tới giao, cho thuê mặt nước nuôi trồng thủy sản cho người dân. Địa phương đang củng cố, kiện toàn các tổ quản lý cộng đồng nuôi trồng thủy sản; hướng dẫn người nuôi tuân thủ các quy định về nuôi trồng thủy sản; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong nuôi trồng thủy sản. Huyện Tuy An sẽ triển khai quyết liệt các giải pháp bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản, giám sát hoạt động nuôi trồng thủy sản tại địa phương và phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường quản lý con giống thủy sản, hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn, thuốc thú y thủy sản…

Theo Sở NN-PTNT, đơn vị đã có hướng dẫn lịch thời vụ nuôi một số đối tượng thủy sản nước lợ, nước mặn năm 2020 trên địa bàn tỉnh. Theo ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, để thực hiện tốt lịch thời vụ nuôi thủy sản năm 2020, Sở NN-PTNT yêu cầu các địa phương ven biển có nuôi thủy sản phổ biến lịch thời vụ và mật độ thả nuôi đến từng vùng nuôi cụ thể để người nuôi thủy sản biết và áp dụng. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống khi cung ứng tôm giống cần chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước, không xuất bán tôm giống trước lịch mùa vụ, công bố chất lượng con giống trước khi xuất bán. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn, thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học phải đảm bảo điều kiện sản xuất, kinh doanh theo quy định, không bán các loại hóa chất, kháng sinh cấm.

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT: Sở NN-PTNT cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc mở các lớp tập huấn, xây dựng các mô hình nuôi thủy sản an toàn, kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y, kiểm soát tốt chất lượng con giống sản xuất tại địa phương và giống nhập về Phú Yên, chủ động xây dựng phương án phòng chống dịch bệnh nhằm đảm bảo vụ nuôi năm 2020 đạt hiệu quả cao nhất.

ANH NGỌC

Nguồn tin: Báo Phú Yên

Tin mới nhất

T2,29/04/2024