Thuỷ sản nuôi biển là hướng đi bền vững

[Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Thuỷ sản nuôi trồng, đặc biệt là nuôi trồng phía biển là hướng đi quan trọng, tạo nên khối liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất cho đến tổ chức chế biến và cho đến thương mại.

Trả lời chất vấn của Đại biểu về vấn đề phát triển ngành thuỷ sản bền vững, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, đến giờ phút này thủy sản Việt Nam xuất khẩu kể cả nhóm khai thác và nhóm nuôi trồng xuất khẩu đi thế giới ngày một tăng.

Thuỷ sản nuôi biển là hướng đi bền vững

Điểm nghẽn “thẻ vàng”

“Năm nay cán đích trên 9 tỷ, đây là nhóm nông sản chúng ta đang có lợi thế”, Bộ trưởng nhấn mạnh. Thống kê từ Bộ NN&PTNT cho thấy, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 5/2019 ước đạt 728 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm 2019 đạt mức 3,2 tỷ USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2018.

Tuy nhiên, Tư lệnh ngành Nông nghiệp cũng cho biết, EU đưa ra thẻ vàng đối với Việt Nam về IUU, đây là một định chế pháp luật của họ để làm sao ngăn cấm chuyện khai thác bất hợp pháp, khai thác không đúng quy cách và không đúng quy ước của họ để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đại dương và kinh tế biển.

Sau khuyến nghị của EU, Việt Nam đã tập trung các nhóm giải pháp, đặc biệt là nhóm thuộc chức năng của Quốc hội đã được chúng ta phê và chuyển thông qua Luật Thủy sản mới. Chính phủ đã chỉ đạo và hiện đã ban hành được các văn bản theo luật bao gồm 2 nghị định, 8 thông tư.

Tại 28 tỉnh duyên hải, các cấp chính quyền vào cuộc tuyên truyền ngư dân, tuyên truyền các thành phần kinh tế tham gia khai thác biển đến thời điểm này có một điểm mừng.

“Đó là các vi phạm về khai thác cá của chúng ta ở các khu vực quốc đảo Thái Bình Dương hai năm gần đây không còn xảy ra nữa. Australia và các nước xung quanh cũng đều thừa nhận vấn đề này. Tuy nhiên, còn một phần sai phạm là các khu vực biển phía Nam, về khách quan có phần chồng lấn, về chủ quan thì một số ngư dân của chúng ta còn vi phạm kể cả trong năm 2018 và 5 tháng đầu năm 2019″, Bộ trưởng cho biết.

Phát triển thuỷ sản nuôi trồng

Do đó, đợt tới, để triển khai tiếp tục chương trình xuất khẩu hải sản nói chung bền vững, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, tiếp tục thực hiện 9 khuyến nghị của EU, để góp phần xây dựng nghề cá bền vững.

“Quan trọng hơn là hướng nuôi trồng của chúng ra hiện nay đang phát triển rất tốt”, Bộ trưởng nói. Năm 2018, xuất khẩu trên 4 tỷ, kỳ này phải tập trung tái cơ cấu sâu rộng hơn, tạo nên khối liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất cho đến tổ chức chế biến và cho đến thương mại. Tư lệnh ngành Nông nghiệp nhấn mạnh vấn đề này chúng ta phải làm tốt hơn.

Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, phải tập trung nuôi trồng ở phía biển. “Vừa qua, trong chuyến đi của Thủ tướng, Na Uy đã cam kết chính thức với chúng ta để hợp tác chiến lược về phát triển nuôi trên biển, nhưng nuôi xa, kết hợp yếu tố khoa học công nghệ để đảm bảo phát triển bền vững”, Bộ trưởng nói.

Cùng quan điểm, trao đổi với DĐDN, PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) nhiều lần khẳng định, trong bối cảnh thuỷ sản khai thác gặp nhiều cảnh báo, thuỷ sản nuôi trồng mới là hướng đi bền vững cho ngành thuỷ sản Việt Nam.

Trong khi đó, Vị Tư lệnh ngành Nông nghiệp cũng nhấn mạnh thêm, để nông sản Việt Nam tiếp tục xuất khẩu trong đó có hải sản, thủy sản thì không còn cách nào khác phải tiếp tục chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, cụ thể từng nhóm ngành hàng. Ở nhóm ngành hàng thủy sản này, kể cả người dân, doanh nghiệp, kể cả công tác quản lý nhà nước đòi hỏi phải tập trung hơn. Có như vậy, sẽ thúc đẩy nông nghiệp phát triển, trong đó có xuất khẩu hải sản.

T.H

Thống kê từ Bộ NN&PTNT cho thấy, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 5/2019 ước đạt 728 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm 2019 đạt mức 3,2 tỷ USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2018.

Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam chiếm 53,7% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong những tháng đầu năm 2019, các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là Mexico tăng 31,7%, Malaysia tăng 22,7%, Philippin tăng 17,9% và Canada tăng 10%.
Về giá trị nhập khẩu, Bộ NN&PTNT ước tính, giá trị nhập khẩu mặt hàng thủy sản tháng 5/2019 đạt 173 triệu USD, đưa tổng giá trị thủy sản nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2019 đạt 735 triệu USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất là Nauy, chiếm 11,9% thị phần, tiếp đến là Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản với thị phần lần lượt là 11,5%, 8,7% và 7,6% (số liệu đến hết tháng 4); giá trị nhập khẩu thủy sản tăng mạnh nhất so với cùng kỳ năm 2018 là thị trường Philippin tăng 76,8% và thị trường có giá trị nhập khẩu thủy sản giảm mạnh nhất là Ấn Độ, tới 44,7%, so với cùng kỳ năm 2018.

Tin mới nhất

CN,28/04/2024