Xuất khẩu tôm khó cán đích 4 tỷ USD năm 2024
Theo VASEP, năm 2024 ngành tôm của Việt Nam khó đạt được mục tiêu 4 tỷ USD khi trong nửa đầu năm mới chỉ mang về khoảng 1,6 tỷ USD kim ngạch.

Sáng 3/7, Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm 2024 của ngành thủy sản.

Theo Cục Thủy sản, 6 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng thủy sản đạt 4,38 triệu tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước (YoY), hoàn thành 47,6% kế hoạch năm. Trong đó, sản lượng khai thác thủy sản đạt 1,95 triệu tấn, tăng 1% YoY, đạt 55,2% kế hoạch; nuôi trồng thủy sản đạt 2,43 triệu tấn, tăng 4,1% YoY, đạt 42,8% kế hoạch.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước đạt 4,35 tỷ USD, tăng 4,9% YoY và đạt 45,8% kế hoạch (năm 2024 đặt mục tiêu đạt 9,5 tỷ USD).

Về nuôi biển, hiện Việt Nam có khoảng 9,2 triệu m3 lồng (4 triệu m3 lồng nuôi cá biển; 5,2 triệu m3 lồng nuôi tôm hùm) và 55.000 ha nuôi nhuyễn thể. Tổng sản lượng nuôi biển đạt 370.400 tấn, tăng 12,6% YoY, trong đó cá biển đạt 21.000 tấn; tôm hùm đạt 1.3500 tấn; nhuyễn thể đạt 203.000 tấn; sản phẩm khác đạt 145.000 tấn.

Hội nghị có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến và Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Về nuôi nước lợ, tổng diện tích đạt khoảng 674.500 ha, tăng 1,1% YoY với tổng sản lượng khoảng 450.300 tấn, tăng 4,9% YoY. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nuôi nước lợ đạt 1,63 tỷ USD.

Theo Cục Thủy sản, nửa đầu năm 2024, ngành thủy sản còn đối diện với nhiều khó khăn như ảnh hưởng của biến động thế giới về chính trị, kinh tế, xã hội và xung đột Nga – Ukraine; giá cả một số hàng hóa, vật tư đầu vào ở mức cao, chi phí logistic lớn gây áp lực đối với hoạt động sản xuất.

Ứng dụng tiến bộ công nghệ, kỹ thuật trong ngành còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của ngành; tổ chức liên kết trong khai thác và nuôi trồng còn hạn chế; tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại ĐBSCL, ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến phức tạp; Ủy ban châu Âu tiếp tục giữ cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản của Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, ngành cũng có nhiều thuận lợi như thời tiết tương đối thuận lợi cho khai thác; giá xăng dầu tương đối ổn định; Chiến lược phát triển ngành NN&PTNT, Chiến lược phát triển Thủy sản, các chương trình, đề án thực hiện Chiến lược đã được phê duyệt đồng bộ.

Tại hội nghị, đại diện VASEP cho rằng, ngành tôm năm 2024 khó đạt đích 4 tỷ USD khi nửa đầu năm mới chỉ đạt 1,6 tỷ USD. Đại diện VASEP cho rằng, ngành tôm đang đối mặt với những khó khăn cả ở trong nước lẫn bên ngoài.

Theo đó, giá xuất khẩu tôm sang các thị trường đang ở mức thấp, cạnh tranh lớn với Ecuador, Ấn Độ. Trong đó, mặc dù ngành tôm của Ecuador gặp nhiều khó khăn năm 2024 nhưng quốc gia này vẫn tăng xuất khẩu và tràn vào các thị trường, bao gồm Nhật Bản, Australia, EU (các thị trường mà tôm Ecuador kém cạnh tranh). Hiện Ecuaodr đã có thị phần lớn tại các thị trường như Mỹ, Trung Quốc.

Ngành tôm cũng đang đối mặt với vấn đề dịch bệnh, cụ thể là bệnh mờ đục trắng gan TPD. Theo VASEP, nếu vấn đề này chưa được khắc phục có thể tạo ra nguy cơ thiếu nhiên liệu cuối năm, khi vấn đề dịch bệnh và giá thấp có thể khiến người nuôi bỏ ao nhiều.

Đối với cá tra, VASEP thấy rằng, con giống và dịch bệnh là câu chuyện lâu dài, trong khi đó thị trường là vấn đề trước mắt. Hiện nay, tình hình kinh tế của Mỹ đã có dấu hiệu tốt, khả năng FED sẽ giảm lãi suất, tăng kích cầu tiêu dùng, tạo cơ hội tốt cho ngành cá tra thời gian tới. Tuy nhiên, giá cá tra phile của Việt Nam tại Trung Quốc lại đang rất thấp, chỉ khoảng 1,8 USD/kg, doanh nghiệp Việt xuất khẩu sang thị trường này chỉ còn trông chờ vào sản phẩm phụ như bóng bóng cá tra…

Đối với cá ngừ, cá ngừ vằn đang được quy định về kích thước tối thiểu đánh bắt là 50 cm. “Kích cỡ đó rất khó để ngư dân có thể đánh bắt, dẫn tới tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng hơn”, đại diện VASEP chia sẻ tại hội nghị.

Lê Hồng Nhung

Nguồn: mekongasean.vn

Tin mới nhất

T5,21/11/2024