Xuất khẩu tôm cuối năm: Khó ở bàn toán tôm nguyên liệu

[Người Nuôi Tôm] – Nếu như ở lần tăng giá đầu tiên vào tháng 5 chỉ duy trì trong thời gian ngắn thì ở lần tăng giá sau tuần đầu tháng 8 này, giá tôm không chỉ neo cao trong thời gian dài hơn mà theo nhận định của doanh nghiệp, khả năng sẽ còn tiếp tục tăng thêm. Đây chính là điều bất ngờ mà thị trường mang đến cho cả doanh nghiệp lẫn người nuôi tôm, bởi các nhận định trước đó đều cho rằng, chí ít cũng từ giữa tháng 9 hoặc đầu tháng 10 giá tôm mới bật tăng mạnh trở lại.

Các doanh nghiệp sẽ đối mặt với bài toán khó về giá tôm nguyên liệu tăng mạnh khi vào cao điểm chế biến

 

Cung thiếu, giá tăng

Không còn là những dự báo, chuyện thiếu tôm nguyên liệu đã chính thức được ghi nhận kể từ đầu tháng 8, sớm hơn so với dự tính của các doanh nghiệp. Và như một tất yếu của thị trường, giá tôm đã nhanh chóng bật tăng trở lại. Nhận định về nguyên nhân giá tôm đột ngột tăng mạnh thời gian gần đây, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Sao Ta), cho biết: “Việc giá tôm thẻ cỡ lớn gần đây tăng mạnh chủ yếu là do nguồn cung khan hiếm khi vụ tôm đã bước sang mùa nghịch, rất khó nuôi. Trong khi đó, các doanh nghiệp đang vào cao điểm trả nợ hợp đồng, nên để có đủ tôm trả nợ hợp đồng, buộc các doanh nghiệp phải đẩy giá mua lên mới có đủ nguồn hàng. Theo tôi, giá tôm thời gian tới sẽ còn tiếp tục tăng thêm, nhất là tôm cỡ 40 con/kg về lớn”. Nhận định trên là khá hợp lý khi giá tôm thẻ cỡ 70 – 100 con/kg gần đây tuy có tăng nhưng không đáng kể so với tôm cỡ lớn.

Câu chuyện thiếu tôm nguyên liệu ít nhiều đã được doanh nghiệp râm ran dự báo từ tháng 6 khi giá tôm có chiều hướng giảm ngày càng mạnh. Do giá tôm giảm mạnh kéo dài và cùng với đó là dịch bệnh (nhất là bệnh do EHP) và thời tiết diễn biến khó lường nên sau khi thu hoạch vụ chính, nhiều hộ đã chọn giải pháp an toàn là tạm ngưng thả nuôi, chờ tình hình thuận lợi mới thả nuôi tiếp. Ngay cả trang trại nuôi của Công ty Sao Ta vốn nổi tiếng là bất bại, cũng đã tạm ngưng sau 2 vụ nuôi, chờ dứt mùa mưa mới thả nuôi trở lại.

Nhận định về vụ nuôi hiện tại, ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, nhận định: “Vụ nuôi hiện nay là vụ nghịch nên rất nhiều khó khăn cả về thời tiết lẫn dịch bệnh, nhất là bệnh do EHP và thường tỷ lệ thành công rất thấp so với vụ thuận. Ngay cả trang trại của chúng tôi, dù đầu tư rất lớn cả về trang thiết bị, kỹ thuật, con người… cũng hết sức vất vả mới đảm bảo an toàn cho các ao nuôi cho đến giờ phút này”.

 

Nỗi lo thiếu tôm nguyên liệu

Thông thường, mỗi khi giá tôm bật tăng trở lại sẽ kéo theo số diện tích thả nuôi tăng lên, nhưng năm nay thì khác. Trung tuần tháng 8, có dịp tiếp xúc với các hộ nuôi tôm mật độ cao theo mô hình lót bạt của tỉnh Sóc Trăng, hầu hết, họ đều cho biết, nếu thả nuôi ở thời điểm hiện tại thì rủi ro vẫn còn rất lớn, nhất là dịch bệnh và thời tiết. Bên cạnh đó, giá tôm dù đã tăng khá mạnh nhưng chủ yếu tập trung ở tôm thẻ cỡ trung đến cỡ lớn (từ 60 con/kg trở về lớn) còn tôm thẻ cỡ nhỏ (80 – 100 con/kg) chỉ tăng nhẹ 1.000 – 2.000 đồng/kg.

Trong khi đó, ở vụ nuôi này, muốn nuôi về cỡ trung và lớn là điều rất khó khăn, khi các yếu tố về thời tiết, môi trường và nhất là dịch bệnh đều bất lợi cho nghề nuôi. Không nói đâu xa, ngay cả trang trại của Công ty Sao Ta vừa rồi cũng buộc phải chốt lời thu hoạch sớm với đa phần tôm cỡ nhỏ.

Liên quan đến việc thả nuôi ở vụ này, theo ông Phục, vấn đề quan trọng nhất là làm sao chọn mua được con giống không có mầm bệnh EHP, bởi một khi mầm bệnh EHP đã có sẵn trong con giống thì dù trình độ kỹ thuật, tay nghề có cao siêu đến đâu cũng rất khó vượt qua, chứ đừng nói chi đến chuyện nuôi tôm về cỡ như mong muốn. Chính điều này đã khiến không ít hộ có đôi chút đắn đo trước quyết định có nên thả nuôi tiếp hay không khi giá tôm hiện tại đã đủ để đảm bảo cho hộ nuôi có mức lợi nhuận khá nếu nuôi đạt năng suất, đặc biệt là nếu nuôi được về kích cỡ lớn.

Tuy nhiên, trước sức hấp dẫn của giá tôm hiện tại cùng dự báo giá tôm sẽ còn tiếp tục tăng thêm ít nhất khoảng 10% nữa trong thời gian tới, hiện một số hộ nuôi có đủ điều kiện đã quyết định tiếp tục thả nuôi tiếp nhưng chỉ một phần diện tích vì theo họ, từ nay đến cuối năm nhu cầu tôm cỡ trung đến cỡ nhỏ từ thị trường Trung Quốc là rất cao.

Theo quy luật, từ tháng 8 đến tháng 11, các doanh nghiệp bước vào cao điểm chế biến để hoàn tất giao hàng cho các hợp đồng đã ký kết trong năm, nên nguồn cung tôm nguyên liệu được dự báo sẽ thiếu hụt so với nhu cầu.

Doanh nghiệp sẽ gặp khó

Riêng về giá tôm xuất khẩu, theo các doanh nghiệp vẫn chưa được cải thiện nhiều so với kỳ vọng, nhưng hiện ngoài số hợp đồng đã ký trước đó, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục ký thêm hợp đồng mới theo kiểu gối đầu, nên chuyện cạnh tranh tôm nguyên liệu tới đây chắc chắn sẽ còn gay gắt, giá tôm nhiều khả năng sẽ tiếp tục được đẩy lên mức cao hơn nhiều so với hiện tại. Để giảm thiểu rủi ro một khi thị trường khan hiếm tôm nguyên liệu, thời gian qua, bên cạnh việc thu mua dự trữ tôm nguyên liệu trong những thời điểm giá tôm xuống thấp, một số doanh nghiệp đã đẩy mạnh phát triển vùng nuôi, nhằm chủ động nguồn nguyên liệu tôm và tạo việc làm thường xuyên cho người lao động từ nay đến cuối năm. Tuy nhiên, do giá hợp đồng xuất khẩu vẫn chưa được cải thiện nhiều, cộng thêm giá tôm trong nước tăng mạnh sẽ khiến một số doanh nghiệp gặp khó trong thời gian tới, nhất là những doanh nghiệp không có nguồn tôm dự trữ trong giai đoạn giá tôm xuống thấp.

Giá tôm dù đã tăng khá mạnh nhưng chủ yếu tập trung ở tôm thẻ cỡ trung đến cỡ lớn

 

Giá tôm xuất khẩu dù chưa được cải thiện nhiều, nhưng kim ngạch xuất khẩu tôm 7 tháng vẫn tăng trưởng, phải chăng là sức tiêu thụ đã tăng trở lại? Trả lời câu hỏi trên, ông Lực cho biết: “Giá bán thấp nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng chỉ cho thấy lượng xuất khẩu lớn, chứ chưa phản ánh hết sức tiêu thụ, bởi chúng ta thiếu thông tin là nhà nhập khẩu đã tiêu thụ bao nhiêu, tồn kho bao nhiêu? Cũng có khả năng họ tranh thủ nhập hàng khi giá tôm giảm thấp, để cung ứng thị trường dịp cuối năm”.

Còn theo ông Phục, bên cạnh lượng xuất khẩu tăng, một trong những yếu tố làm tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm chính là tôm thẻ cỡ lớn được xuất khẩu nhiều. Ông Phục chia sẻ: “Ở vụ nuôi đầu năm, tuy có đôi chút khó khăn, nhưng lượng tôm thẻ cỡ 30 con/kg được thu hoạch khá nhiều. Rất tiếc là giá tôm không được cao nên cả người nuôi và doanh nghiệp đều chưa được hưởng lợi từ thành quả này”.

Hơn nửa chặng đường của vụ tôm nước lợ năm 2024 đã trôi qua. Mùa tôm đang vào cao điểm và tuy có những bất lợi nhất định, nhưng với những diễn biến thị trường cho thấy, giá tôm trong nước sẽ được cải thiện, xuất khẩu tôm sẽ tiếp tục tăng trưởng từ nay đến cuối năm, thậm chí có doanh nghiệp mạnh dạn tuyên bố sẽ đạt mức tăng trưởng doanh số xuất khẩu tôm ở mức 2 con số. Tuy nhiên, mức độ hiệu quả của cả nghề nuôi lẫn chế biến xuất khẩu sẽ khó lòng đạt như kỳ vọng ở vụ tôm 2024 này. Cơ hội lẫn thách thức cho vụ tôm nước lợ năm 2024 vẫn còn ở phía trước và dù chưa thể nói một cách chắc chắn về kết quả cuối cùng của vụ tôm này nhưng một khi sự lạc quan đã trở lại, chúng ta có quyền hy vọng, vụ tôm năm nay sẽ về đích với một kết quả tốt nhất có thể.

Hoàng Nhã

Ngay thời điểm hiện tại, hầu hết các nhà máy đều không mua được đủ lượng tôm nguyên liệu phục vụ chế biến mỗi ngày. Vì vậy, chuyện thiếu tôm nguyên liệu gần như chắc chắn sẽ xảy ra trong các tháng còn lại của năm, nhất là tháng 9 và tháng 10.

Ông Võ Văn Phục

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam

 

Các dự báo đều cho thấy, mưa nhiều dồn dập sẽ diễn ra từ tháng 9, khiến hoạt động nuôi tôm thêm khó khăn, nhất là trong hoàn cảnh tôm giống nhiễm bệnh tỷ lệ khá cao, tỷ lệ thành công sẽ giảm thấp, sản lượng tôm sẽ không nhiều, giá cả theo quy luật cung cầu sẽ tăng lên, gây thêm khó cho cơ sở chế biến.

Ông Hồ Quốc Lực

Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta

Tin mới nhất

T6,20/09/2024