Xuất khẩu thủy sản nửa đầu tháng 8/2021 giảm mạnh

[Người Nuôi Tôm] – Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 8/2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 263,8 triệu USD, giảm 41% so với nửa cuối tháng 7/2021 và giảm 30,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Ảnh minh họa: ST

 

Theo số liệu thống kê từ Bộ Công thương, lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/8/2021, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 5,2 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong nửa đầu tháng 8/2021 đã bị tác động mạnh khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh, buộc Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố phía Nam phải áp dụng Chỉ thị 16, khiến hoạt động sản xuất và xuất khẩu bị ảnh hưởng.

Trước đó, trong tháng 7/2021, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 853,77 triệu USD, tăng 0,56% so với tháng 6/2021 và tăng 7,88% so với tháng 7/2020. Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 4,977 tỷ USD, tăng 13,27% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 2,67% tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Tháng 7/2021, xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu tiếp tục tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020; trong khi xuất khẩu sang khu vực châu Á tăng thấp hoặc giảm.

Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản sang hầu hết các thị trường lớn đều tăng so với cùng kỳ năm 2020, trừ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm 11,6%. Tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Hoa Kỳ và châu Âu tăng mạnh do các doanh nghiệp tận dụng tốt nhu cầu tăng mạnh trên thị trường, trong khi các nước xuất khẩu khác chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA cũng là yếu tố hỗ trợ xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU.

Dựa trên tình hình thực tế, Bộ Công thương dự báo trong tháng 8 và tháng 9/2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ chậm lại do dịch bùng phát tại các tỉnh phía Nam ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp. Do dịch lây lan mạnh và diễn biến phức tạp, các cơ quan địa phương khuyến nghị doanh nghiệp chỉ duy trì sản xuất nếu có thể đáp ứng yêu cầu 3 tại chỗ (sản xuất tại chỗ, ăn nghỉ tại chỗ, cách ly tại chỗ) và 1 tuyến đường, 2 điểm đến (đưa công nhân đi làm trên cùng một tuyến đường từ nhà công nhân tới nhà máy).

Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, theo phản ảnh từ các doanh nghiệp, các yêu cầu nói trên gây ra rất nhiều khó khăn cho vận hành sản xuất và phát sinh chi phí. Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, việc tiếp tục thực hiện mô hình này khiến doanh nghiệp khó trụ nổi.

HẠ NHIÊN

Tin mới nhất

CN,24/11/2024